Sau lệnh ngừng bắn là… tiếng súng!

29/06/2014 17:10

(Baonghean) - Lệnh ngừng bắn trong vòng 1 tuần của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kết thúc, 7 ngày qua, tình hình chiến sự vẫn không có dấu hiệu lắng dịu. Các nhà quan sát đều cho rằng, 7 ngày là không đủ tìm ra một giải pháp tốt nhất mà các bên có thể chấp nhận được. Và sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc, trên bàn đàm phán, đại diện chính quyền Ukraine và đại diện Cộng hòa Donesk tự xưng vẫn không tìm được tiếng nói chung. Như vậy có thể kết luận các “sáng kiến” của ông Poroshenko đã thất bại.

Binh sĩ Ukraine tại một điểm đóng quân gần thành phố Svyatogorsk, miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters.
Binh sĩ Ukraine tại một điểm đóng quân gần thành phố Svyatogorsk, miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters.

TIN LIÊN QUAN

Thỏa thuận ngừng bắn do Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đưa ra đã hết hiệu lực vào 19 giờ ngày 27/6 (giờ địa phương). Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Cả phương Tây và Nga đang gây sức ép lên chính quyền Kiev để kéo dài thỏa thuận này. Trong khi đó, lo sợ lệnh ngừng bắn hết hiệu lực, hàng ngàn người dân miền Đông Ukraine đã dùng xe vận chuyển đồ đạc xếp hàng tại biên giới để tìm cách chạy sang Nga. Họ cho rằng, đây là thời điểm thích hợp tìm đến với nước Nga để được an toàn hơn cho chính mình và cho thế hệ con cháu của họ. Và chỉ trong ngày 26/6, ở Thành phố Luhansk, 5.000 người dân đã rời khỏi khu vực cư trú. Chính phủ Nga cho biết hơn 2 tháng kể từ khi Ukraine phát động cuộc tấn công vào phiến quân ly khai ở miền Đông, hàng vạn người dân Ukraine đã nhập cảnh vào Nga. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc hôm 24/6, có hơn 420 người đã thiệt mạng từ giữa tháng 4 trong các cuộc xung đột ở Đông Ukraine. Các cuộc không kích và pháo kích của quân đội Kiev nhằm vào lực lượng nổi dậy miền Đông khiến người dân tức giận vì sự sống còn của họ không được màng tới.

Trong vòng 7 ngày thực thi lệnh ngừng bắn, tiếng súng vẫn vang lên ở miền Đông, cơ quan báo chí của Cộng hòa nhân dân tự xưng Lugansk cho biết, các đơn vị thuộc lực lượng vệ binh quốc gia vẫn nã pháo vào ngôi làng Ananhevka thuộc tỉnh Lugansk. Ngôi làng này nằm không xa trạm kiểm soát "Du kích đỏ" hiện do lực lượng tự vệ địa phương kiểm soát. Truyền thông địa phương đưa tin quân đội Ukraine cũng nã pháo vào khu vực ngoại ô Lugansk. Trước đó, ngay sau ngày đầu tiên lệnh ngừng bắn có hiệu lực, đêm 21/6, người dân làng Andrivka, gần Thành phố Slavyansk, địa điểm giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập có vũ trang tại miền Đông, vẫn nghe tiếng rền vang của đạn pháo các loại. Trong khi đó, quân đội Chính phủ Ukraine và lực lượng ủng hộ ly khai đã đổ lỗi cho nhau về các vụ giao tranh chỉ ít giờ sau lệnh ngừng bắn. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, chỉ 4 giờ sau lệnh ngừng bắn, các tay súng miền Đông đã dùng súng máy và lựu đạn tấn công căn cứ quân sự ở phía Đông Donetsk và một số điểm khác gần biên giới với Nga. Các đơn vị quân đội đã không đáp trả lại một số cuộc tấn công của lực lượng ly khai. Trong khi đó, đại diện của nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk tuyên bố, Slavyansk vẫn tiếp tục bị quân đội Ukraine không kích và pháo kích dữ dội. Trước đó, một thủ lĩnh cấp cao của lực lượng ly khai Ukraine đã bác bỏ những điều kiện trong kế hoạch hòa bình của Tổng thống Petro Poroshenko, khẳng định các tay súng ủng hộ liên bang hóa sẽ không buông súng cho tới khi Kiev rút hết các lực lượng ở miền Đông Ukraine. Nhiều người biểu tình ly khai cũng coi lệnh ngừng bắn là một sự lừa gạt. Mặc dù vây, lệnh ngừng bắn và kế hoạch hòa bình 16 điểm của Tổng thống Poroshenko vẫn được dư luận thế giới hoan nghênh.

Trong một diễn biến liên quan nhằm làm dịu căng thẳng, ngày 24/6, Điện Kremlin phát đi thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) bãi bỏ nghị quyết cho phép ông can thiệp quân sự vào Ukraine. Đề nghị này ngay lập tức đã được thượng viện ủng hộ và được Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đánh giá cao. Trong khi Mỹ vẫn đang gia tăng sức ép với Nga bằng các biện pháp trừng phạt. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thảo luận tình hình xung đột tại Đông Ukraine. Bà Merkel nêu ý kiến kéo dài thỏa thuận ngừng bắn để có thêm thời gian tìm biện pháp giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng. Còn đối với Tổng thống Ukraine thì đang nỗ lực kêu gọi Nga ủng hộ kế hoạch hòa bình bằng hành động cụ thể chứ không phải là những lời nói suông. Đồng thời, ông Poroshenko yêu cầu Moscow ngừng gửi quân đội qua biên giới 2 nước. Ngày hôm qua (27/6), Tổng thống Poroshenko tổ chức một cuộc họp, gọi là “nhóm liên lạc” bao gồm cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, đặc phái viên của Moscow tại Kiev cùng với một quan chức cấp cao của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Và lệnh ngừng bắn đã được ông Poroshenko kéo dài thêm 72 giờ.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, 72 giờ nữa chắc chắn cũng không đạt được kết quả gì. Nếu thực sự muốn chấm dứt tình trạng li khai ở miền Đông cần phải có bước đi mang tính xây dựng hơn là kiểu ra tối hậu thư. Bởi để chuyển từ đối đầu quân sự sang đối thoại bình thường là không hề đơn giản. Hơn nữa, hôm 27/6 Liên minh châu Âu ký một thỏa thuận tự do thương mại lịch sử với Ukriane cũng được đánh giá đào sâu ngăn cách giữa các vùng, miền của đất nước rộng thứ 2 châu Âu này. Và như thế sau lênh ngừng bắn này, người ta cũng không đặt nhiều niềm tin vào hòa bình thực sự mà vẫn là chiến sự và đạn pháo.

Cảnh Nam

Sau lệnh ngừng bắn là… tiếng súng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO