(Baonghean) - Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói với báo chí rằng, hiện nay ở Thái Lan đang có các cá nhân hoặc nhóm có các hoạt động nhằm mục đích chính trị, trong bối cảnh cải cách Hiến pháp mới. Ngay lập tức, chính giới Thái bày tỏ bất bình. Họ cho rằng phát biểu của Thủ tướng chỉ là suy đoán thiếu cơ sở và mang động cơ chính trị.
Nhịp sống dường như đang trở lại Bangkok sau cuộc đánh bom đẫm máu tối 17/8 làm 20 người chết và 125 người bị thương. Đền Erawan, hay còn gọi là đền thờ Phật Bốn mặt, một trong những ngôi đền được xem là linh thiêng nhất Bangkok, nằm ở trung tâm, gần khu mua sắm Central World và BigC thường thu hút rất đông người đến, đặc biệt là du khách. Cho dù đền thờ này đã được mở trở lại nhưng số lượng người đến đây giảm đáng kể. Các khu vực hay tập trung đông người ở thủ đô cũng thưa thớt hơn. Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Thái Lan Somyot Poompanmoung cho biết ít nhất có 10 nghi can tham gia vụ đánh bom. Reuters dẫn lời ông Poompanmuong: “Số này gồm người canh chừng trên phố, chuẩn bị bom, những người ở hiện trường và người biết đường tẩu thoát. Vụ tấn công đã được các đối tượng lên kế hoạch trước đó khoảng hơn một tháng”. Chưa đầy 24 giờ sau vụ này, một thiết bị nổ khác nhỏ hơn được ném từ trên cầu nhằm vào bến tàu đông đúc Sathorn, nhưng đã rơi xuống sông Chao Phraya và phát nổ mà không gây ra thương vong. Cảnh sát Thái Lan cho biết, chưa thể kết nối hai sự việc nhưng hai thiết bị gây nổ có nhiều điểm giống nhau.
 |
Người dân đặt hoa tưởng niệm tại đền Erawan ngày 21/8. Ảnh: Reuters |
Giả thuyết nhiều, treo thưởng cao
Gần một tuần sau vụ đánh bom tại đền Erawan, sáng 23/8, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Poompanmoung tuyên bố: “Chúng tôi cần chút may mắn để bắt được nghi phạm, nhưng nếu may mắn đứng về phía thủ phạm, chúng có thể đã trốn thoát”. Theo người phát ngôn Cảnh sát Prawut Thavornsiri, cảnh sát đang trong quá trình thu thập những đoạn phim camera quay khu vực này trong một tháng trở lại đây. Ông nói thêm, nghi phạm thuộc một mạng lưới lớn hơn. Cảnh sát Thái Lan đã yêu cầu Interpol hỗ trợ. Ông cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ Interpol, nhưng họ đang cố gắng giúp đỡ. Các quốc gia đang cố gắng chia sẻ khó khăn với chúng tôi”. Đến nay, ít nhất có 6 giả thuyết đã được nêu ra: sắc dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ, khủng bố Hồi giáo, phe Áo Đỏ chống Chính phủ, lực lượng ly khai phía Nam, bàn tay của chính chính quyền quân sự và cả những người không hài lòng với cuộc cải tổ nội các sắp tới. Trong số này, nhóm phiến quân Duy Ngô Nhĩ là đáng ngờ nhất. Tháng trước, Thái Lan đã cưỡng chế và dẫn độ 100 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc. Điều này dẫn đến các đồn đoán, vụ 17/8 là nhằm trả thù chính quyền Thái.
Hiện vẫn chưa có bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào nhận trách nhiệm về vụ đánh bom. Chính phủ Thái Lan vẫn thiên về quan điểm cho rằng, vụ đánh bom nói trên là nhằm vào nền kinh tế và ngành du lịch của quốc gia này. Giới chức vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời cáo buộc chính thức nào. Cho đến lúc này, câu hỏi “Thủ phạm vụ đánh bom Bangkok là ai?” còn đang bỏ ngỏ. Cảnh sát Thái Lan luôn tự hào là một trong những lực lượng điều tra giỏi nhất thế giới với khẩu hiệu “Mọi câu hỏi, đều có câu trả lời”. Nếu đúng như vậy, thì vấn đề phải chăng chỉ còn là thời gian? Tư lệnh Poompanmoung tuyên bố, cho đến nay cảnh sát không lọai trừ bất cứ động cơ nào đằng sau vụ đánh bom, từ khủng bố đến chính trị nội bộ, nhưng ông tin rằng những kẻ tấn công nhằm mục đích phá hoại lòng tin của dân đối với Chính phủ.
Hôm 21/8, cảnh sát Thái Lan đã tăng gấp 3 số tiền thưởng trước đó lên 3 triệu baht (khoảng 85.000 USD) cho người nào cung cấp thông tin giúp bắt giữ nghi phạm chính trong vụ đánh bom Bangkok. Trong khi đó, cảnh sát và quân đội Thái Lan những ngày qua liên tục đưa ra các thông tin mâu thuẫn. Chẳng hạn, cảnh sát ban đầu cho rằng thủ phạm là một người nước ngoài trong khi quân đội Thái Lan khẳng định vụ tấn công không liên quan đến các mạng lưới khủng bố quốc tế. Việc tuyên bố mâu thuẫn giữa giới chức quân sự và cảnh sát như trên cho thấy, có gì đó thiếu thống nhất từ phía chính quyền trong việc điều tra hung thủ. Cộng với việc kết quả điều tra của cảnh sát trong những ngày qua không tiến triển, khiến người ta đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ xung quanh các vụ nổ ở Bangkok tuần qua. Theo họ, vụ nổ khủng bố giết hại nhiều thường dân nói trên có thể đang bị thao túng bởi các động cơ chính trị.
Các nghi vấn đầy mâu thuẫn
Theo giới phân tích chính trị quốc tế, những cáo buộc ám chỉ lực lượng Áo Đỏ của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra lưu vong ở nước ngoài vẫn chưa hội đủ các chứng cứ. Theo đó, còn quá sớm nếu có ai nghĩ là do phe Áo Đỏ, vì chưa có bằng chứng và họ không có lý do gì để làm việc ấy. Vì nếu họ có làm thì càng tạo cái cớ cho quân đội tiếp tục duy trì quyền lực. Cần phải chờ đợi thêm để xác minh cáo buộc này. Được biết, ngày 19/8, trong một đoạn băng trên YouTube, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từ nước ngoài đã mạnh mẽ lên án hành động khủng bố tại khu đền Erawan. Và mới đây nhất, ngày 22/8, Panthongtha Shinnawatra, trưởng nam của Thaksin đã rao thưởng gần 200.000 USD cho ai cung cấp tin và bắt được thủ phạm đánh bom Bangkok. Số tiền này cao hơn 2 lần tiền thưởng mà cảnh sát Thái Lan đưa ra. Hành động này được dư luận cho rằng nhằm bác bỏ cáo buộc của giới quân sự rằng người của dòng họ Shinawatra có dính líu đến vụ khủng bố.
Mức độ của vụ đánh bom gây chết người ở Bangkok ngày 17/8 còn dẫn tới một giả thuyết khác là vụ này có thể không phải bắt nguồn từ động cơ chính trị trong nước. Phó Giáo sư Pavin Chachavalpongpun từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto đưa ra nhận xét: Nhiều người có thể không coi trọng vị trí của vụ tấn công, nhưng địa điểm có thể mang ý nghĩa lớn. Đền Erawan là một điểm du lịch rất nổi tiếng ở Bangkok và là mục tiêu dễ thấy, nếu ai đó muốn gây tiếng vang lớn. Văn hóa Thái Lan tôn trọng Phật giáo và các tín ngưỡng khác, nên thông thường người Thái sẽ không chọn một cơ sở thờ tự, tôn giáo để làm mục tiêu tấn công. Từ đây có thể đoán người đứng đằng sau vụ tấn công không phải là người Thái. Điều này không có nghĩa kẻ tấn công theo một tôn giáo khác, mà chỉ có nghĩa là nếu như cuộc tấn công mang động cơ chính trị trong nước Thái, thì kẻ chủ mưu sẽ không chọn đền Erawan.
Ngược lại với giả thuyết trên, một số chuyên gia chống khủng bố lại lập luận, với hành động cho nổ 2 quả bom liên tiếp, các phần tử đánh bom muốn phô diễn sức mạnh và thách thức cảnh sát. Điều này khó có thể xảy ra đối với các tổ chức khủng bố quốc tế. Từ lập luận này, mối nghi ngờ thủ phạm là các tổ chức khủng bố quốc tế đã bị xem nhẹ. Đáng chú ý, ngay sau ngày 17/8, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói với báo chí rằng, hiện nay ở Thái Lan đang có các cá nhân hoặc nhóm có các hoạt động nhằm mục đích chính trị, trong bối cảnh cải cách chính trị và Hiến pháp mới. Ngày 20/8, trong một thông báo đặc biệt trên tất cả các kênh truyền hình, giới chức quân sự Thái Lan nói rằng vụ tấn công không phải do một nhóm khủng bố quốc tế thực hiện và những người Hoa cũng không phải là những nạn nhân bị nhắm mục tiêu trong vụ đánh bom vừa qua. Thông cáo cho biết các cơ quan an ninh nước này hợp tác với các cơ quan tình báo nước ngoài và đã đi đến cùng một kết luận ban đầu là vụ việc không có liên hệ với khủng bố quốc tế.
Điều này khác với nhận định của cơ quan điều tra của cảnh sát Thái trước đó cho rằng một người đàn ông tình nghi là một người nước ngoài đã đặt bom và người này thuộc một mạng lưới bao gồm hơn 10 người và hiện nay cảnh sát đang có các bằng chứng về một trong số các nghi can đó. Cụ thể là có 3 người, 2 người đàn ông và 1 người đàn bà gốc Á châu thuộc dạng nghi vấn đã xuất hiện trong ống kính camera tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn. Đáng chú ý theo cảnh sát, cả 3 người này đang đứng che cho hung thủ đặt ba lô chứa bom xuống và cùng nhanh chóng rời khỏi khu vực đó. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau nhận định này, 2 trong ba nghi can đã trình diện cảnh sát và bác bỏ những cáo buộc thiếu cơ sở của cảnh sát. Theo lời khai của những người này, họ là những hướng dẫn viên du lịch đang đưa khách đến lễ tại khu vực đền Erawan. Phát biểu ám chỉ âm mưu có từ trong nội bộ của Thái do Thủ tướng Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố với báo chí đã làm cho chính giới bất bình. Họ cho rằng phát biểu đó chỉ là suy đoán, thiếu cơ sở và mang mục đích chính trị, nhằm ám chỉ lực lượng Áo Đỏ của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đang lưu vong ở nước ngoài.
Hiếu Chân