Say đắm cùng thiên nhiên

25/01/2015 10:25

(Baonghean) - Người ta kể về ông, như một họa sỹ “tay ngang” đầy tài năng. Tranh của ông, có mặt trong nhiều bộ sưu tập danh giá. Điều khiến tôi bất ngờ, khi tìm đến căn nhà vô cùng nhiều sách, nhiều tranh của ông ở một con phố tại Hà Nội, không chỉ là sự giản dị của một người nổi tiếng, mà còn bởi ông vẫn giữ nguyên giọng Nghệ, giữ phong thái của một ông “đồ Nghệ” trong cảm giác của riêng tôi…

Căn nhà của ông đầy tranh, nhưng người ta lại không có cảm giác chật chội. Có lẽ bởi sắc màu, bởi nét tươi tắn, vẻ đẹp hoang dại trong những bức tranh tràn ngập thiên nhiên kia đã mang lại sự thư thái và xúc cảm dịu dàng cho tâm hồn con người. Ông cũng mang nét thư thái ấy để mà sống giữa ồn ào phố xá và ngồi trước tấm toan đã căng lên. Nhưng đừng vội lầm tưởng rằng, ông đang mộng mơ. Không đâu, ông nói rằng, vẽ thiên nhiên cũng là một cách nói về môi trường sống của chúng ta hiện tại. Quá ô nhiễm, quá bụi bặm, quá gấp gáp, quá xô bồ. Chúng ta quên mất thiên nhiên. Chúng ta phá hoại thiên nhiên. Và ông muốn kéo thiên nhiên về với cuộc sống con người…

“Hoa cúc” - Phấn màu của Trương Thảo.
“Hoa cúc” - Phấn màu của Trương Thảo.

Tôi hỏi, có điều gì không liên quan giữa cái tên của ông với những bức tranh vẽ cỏ? Họa sỹ Trương

Họa sỹ Trương Thảo.
Họa sỹ Trương Thảo.
Thảo đã cười, một nụ cười hiền hậu như một thứ ánh nắng của tâm hồn ông: “Ừ, có thể nó là một cái duyên khó lý giải”. Rồi, như thể tự nói với mình: Giản dị như cỏ, nhưng cũng khó có gì mạnh mẽ, sinh sôi nhanh như cỏ. Ông kể với tôi ký ức về quê mình, cái làng nhỏ thuộc xã Diễn Yên, Diễn Châu, nơi ông được sinh ra và lớn lên, đã cho ông niềm say mê với hội họa nhờ đội ngũ các họa sỹ thời ấy tản cư về quanh vùng. Nhà ông chẳng có ai làm nghệ thuật, ông đã tự vạch ra lối đi ấy cho mình với tất cả đam mê.

Thích vẽ từ nhỏ, Trương Thảo giống như bao cậu bé khác, thường nguệch ngoạc những nét bút hồn nhiên lên giấy học trò, lên tường hay nền gạch. Chính ông cũng không ngờ rằng sau này mình lại gắn bó với cây cọ vẽ như một phần không thể thiếu được trong đời. Học xong phổ thông, với kết quả học tập tốt, ông được sang Trung Quốc học đại học ngành Vật lý chất rắn. Lúc bấy giờ là khoảng năm 1964 – 1965, khi ông mới bước qua tuổi đôi mươi. Trường đại học mà Trương Thảo làm lưu học sinh là Cát Lâm ở Thành phố Trường Xuân, thuộc vùng Đông bắc Trung Quốc.

Học được vài năm thì Trương Thảo về nước do Đại cách mạng văn hóa vô sản lúc bấy giờ có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Lúc đó là năm 1966, ở trong nước vẫn còn chiến tranh. Ông được yêu cầu học bộ môn Hình học – Họa hình thuộc Khoa Toán – Lý tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Đến năm 1971, Trương Thảo tốt nghiệp, được nhận làm giảng viên bộ môn này tại Đại học Mỏ Địa chất và được biệt phái về dạy tại Đại học Bách khoa. Tại đây, Trương Thảo có được một xưởng vẽ nhỏ, nơi gắn bó với ông trong suốt thời gian khá dài, đánh dấu bước đường đến với hội họa của người họa sỹ.

Sau 16, 17 năm “toàn tâm toàn ý” với nghề dạy học, đến khoảng năm 1988, Trương Thảo nhận ra rằng ông không thể vờ như hờ hững với việc vẽ. Ông sáng tác ngày một nhiều. Bộ môn Hình học – Họa hình là ranh giới giữa hai ngành mỹ thuật và kỹ thuật, nên ông nắm chắc trong tay công cụ để có thể cùng lúc thực hiện được cả hai: công việc và niềm đam mê hội họa. Trong xưởng vẽ nhỏ nhắn tại trường Đại học Bách khoa, Trương Thảo tìm đến cây cọ và bảng màu như thể biết rằng ông không thể lẩn trốn chúng.

Trương Thảo thử sức mình trong nhiều đề tài, nhiều chất liệu, song cuối cùng thì có lẽ chúng đã tự tìm đến ông: thiên nhiên với vẻ đẹp hoang dã, an lành của nó, cùng với đó là cái dung dị, mộc mạc mà phóng khoáng, tự nhiên của chất liệu phấn màu. “Có lẽ chẳng họa sĩ nào vẽ nhiều phấn màu như tôi”, Trương Thảo nói. Theo ông, phấn màu rất tiện lợi cho việc vẽ và di chuyển của người họa sĩ còn có những sức mạnh nội lực đáng trân trọng trong việc biểu đạt.

Một thời gian sau khi dấn thân vào hội họa, Trương Thảo được nhiều người biết đến như một họa sĩ của thiên nhiên. Quê hương Diễn Châu, một vùng đất “lầm than và đáng yêu” như trong lời kể của Trương Thảo, có lẽ là bức tranh tuyệt vời nhất trong ký ức ông, bởi ngay từ thời thơ bé ông đã sớm cảm nhận được nét duyên dáng, trữ tình trong từng ngọn núi, dòng sông, nhánh hoa, bụi cỏ. Trương Thảo yêu thiết tha mảnh đất quê mình, nơi ông từng tha thẩn dẫm chân trần trên những vạt cỏ xanh mướt mát vào những buổi ráng chiều, man mác buồn ngắm những bông hoa dại nhỏ xíu bỡ ngỡ hé nở. Sau này được tới nhiều vùng quê khác trên đất Việt, Trương Thảo thấy rằng khi lang thang trong thế giới thiên nhiên, ông có cảm giác được thư giãn và sung sướng lạ lùng. “Tôi thấy cuộc sống đẹp và đem lòng yêu mến nó”, ông nói với một nỗi đắm say không che giấu.

Bởi vậy mà thiên nhiên tràn ngập trong tranh của Trương Thảo. Nào là “Bên lối vào Yên Tử” (2010), “Ngàn lau” (1990), “Trên núi Bài Thơ” (1998), “Xôn xao” (1997), “Hoàng hôn” (1994), “Cảnh Hà Giang” (2008), “Cảnh Quan Lạn” (2010), “Mây lang thang” (2010), “Cảnh Sa Pa” (2012), “Phong cảnh” (2014)… Khi là những dãy núi hùng vĩ, thơ mộng, khi là những hàng cây cao bên dòng suối xanh mát, lúc lại là bụi cỏ, vạt hoa… Tranh về hoa của Trương Thảo cũng nhiều vô kể. Giống như một nhạc sĩ, Trương Thảo hát lên những giai điệu êm ả về những bông hoa rừng, hoa bìm bìm, hoa cúc, xu xi, lan tướng quân, lan càng cua, hoa quỳnh, hoa súng, hoa loa kèn… Tất cả đều dậy sắc trong tranh của ông. Mỗi bức một vẻ, mỗi loài hoa đều cất lên tiếng nói. Sắc màu của chúng được thể hiện trong tranh cũng đa dạng và sống động như chính cuộc đời, có độ rung như âm nhạc, có hương thơm như chúng đang thực sự bừng nở. Có cảm giác như Trương Thảo không mất nhiều thời gian cho việc bố cục một bức tranh, bởi mỗi một góc nhìn, một hòa sắc như tự tìm đến dưới ngòi bút của ông, vừa giống một sự ngẫu hứng vừa giống như duyên nợ. Dường như ông chỉ là người trung thực ghi chép lại xúc cảm của mình, bằng những nét vẽ không quá cầu kỳ nhưng rất biến ảo.

Jach Dash Harri, giáo sư ngành xã hội học của trường Đại học Hobart và William Smith (New York, Mỹ) từng nhận xét: “Họa sĩ Trương Thảo đã dành tình yêu cho hoa dại và cảnh sắc thiên nhiên hoang dã, nơi mà con người được thư giãn, vì ở đó, họ không phải vác trên vai mình một núi quy tắc lạnh lẽo và xiềng xích trói buộc”. Quả thực, với Trương Thảo, sức mạnh của cây cỏ như là sức mạnh của nhân dân, của một nền văn hóa, thứ đốt không hết, không thể tận diệt. Ông tin rằng ở đâu trên thế giới con người trân trọng từ con sâu cái kiến, ngọn cỏ nhành cây, thì ở đó con người sống rất tử tế, an lành. “Thiên nhiên là nơi tuyệt vời nhất”, ông nói, “Đó cũng là nơi tôi giao lưu với bạn bè thế giới, bởi thiên nhiên là tình yêu chung của nhân loại và nó hiện diện trong hội họa, nơi không cần phiên dịch”.

Hiện tại, Trương Thảo có một xưởng vẽ tại khu Kim Liên, Hà Nội. Bước vào căn phòng nhỏ ấy, không hiểu sao tôi có cảm giác mình đang được ru trong một bản giao hưởng ngọt ngào. Tranh của ông thường tươi tắn, tràn màu sắc như phong cảnh thiên nhiên ta có thể gặp bất cứ đâu trên đất nước này, nhưng được vẽ với phong cách riêng. Và bản giao hưởng của ông là một bản nhạc vui, yên bình, ở đó con người cảm thấy được che chắn, an toàn, được thư thái, hạnh phúc. Bởi vậy mà có rất nhiều người yêu tranh Trương Thảo, trong đó có cả bạn bè và người sưu tập nước ngoài như Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Italia, Canada, Mỹ, Hàn Quốc…

Hàng ngày, Trương Thảo đóng kín cửa để sáng tác. Ông ít tiếp khách, nhưng mỗi lần bạn bè đến, ông rất vui và cởi mở. Sau chén rượu, tách trà, chủ và khách ngồi hàn huyên đủ chuyện về tranh ảnh, thơ phú. Mỗi dịp năm cũ qua, năm mới đến, Trương Thảo lại có một món quà để tặng cho những người đến thăm ông, đó là một tấm bưu thiếp chúc mừng năm mới in một bức tranh mới vẽ. Tôi cũng được tặng một tấm trên đó có in bức Composition, dạng tranh bố cục. Trương Thảo nói tranh trừu tượng giống như một bản nhạc không lời, tự nó đã có đủ nội dung và sức biểu đạt cảm xúc, nó là vùng để cảm nhận chứ không phải vùng để nhìn thấy.

Bỗng tôi nghĩ, bản nhạc giao hưởng của Trương Thảo cũng thế, về khía cạnh nào đó, người ta cảm nhận được nhiều điều hơn là những thứ được bày ra trên mặt giấy. Trên tất cả, giai điệu của Trương Thảo thúc giục chúng ta yêu mến thiên nhiên và cuộc sống, nhắc chúng ta về vẻ đẹp hiện diện khắp nơi trên trái đất này, chỉ cần ta biết im lặng ngắm nhìn và lắng nghe…

Bài, ảnh: Quỳnh Lâm

Mới nhất

x
Say đắm cùng thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO