Say mê và trăn trở

08/02/2012 10:52

(Baonghean) Cái duyên đến với nghề thầy thuốc của bác sỹ Dương Công Hoạt cũng thật tình cờ. Năm 1974, sau thời gian ở Tổng đội TNXP Cù Chính Lan, ông quyết tâm thi đại học. Với số điểm khá cao, ông có quyền lựa chọn giữa 2 con đường: một là đi học ngành Nông nghiệp tại Cu Ba, hai là học Đại học Y khoa trong nước. Và ông đã chọn nghề y, với ý nghĩ mình còn gánh nặng gia đình và dù vất vả, đói nghèo nhưng thật khó mà rời xa quê hương...

(Baonghean) Cái duyên đến với nghề thầy thuốc của bác sỹ Dương Công Hoạt cũng thật tình cờ. Năm 1974, sau thời gian ở Tổng đội TNXP Cù Chính Lan, ông quyết tâm thi đại học. Với số điểm khá cao, ông có quyền lựa chọn giữa 2 con đường: một là đi học ngành Nông nghiệp tại Cu Ba, hai là học Đại học Y khoa trong nước. Và ông đã chọn nghề y, với ý nghĩ mình còn gánh nặng gia đình và dù vất vả, đói nghèo nhưng thật khó mà rời xa quê hương...

Ông quyết tâm học tập, giành những kết quả cao khi theo học tại Đại học Y Hà Nội. Đến hết năm thứ 4, cậu sinh viên cần cù, học giỏi ấy được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây thực sự là một dấu ấn quan trọng của cuộc đời bác sỹ Hoạt, cũng là một vinh dự hiếm có của thế hệ sinh viên thời bấy giờ.



Bác sỹ Dương Công Hoạt theo dõi, chỉ đạo một trường hợp cấp cứu.


Ra trường năm 1980, lại có 2 con đường để người thầy thuốc trẻ lựa chọn: ở lại làm giảng viên hoặc về quê, và con đường về quê đã được chọn với không mảy may tiếc nuối. Bao nhiêu ước mơ, hoài bão, bác sỹ Hoạt đã mang cùng với một ba lô nhẹ tênh lên với Ty Y tế Nghệ Tĩnh để... xin việc.

Và điều kiện đầu tiên được Ty Y tế đặt ra: bác sỹ trẻ muốn về làm tại thành phố thì trước tiên phải đi miền núi. Được lãnh đạo Ty đồng ý, bác sỹ Hoạt "khăn gói" lên với Kỳ Sơn, huyện miền núi xa xôi, khó khăn bậc nhất của tỉnh.

Tại đây, từ vị trí bác sỹ điều trị, ông đã được tín nhiệm giữ chức trưởng khoa Ngoại - Sản rồi Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Kỳ Sơn. Trong vòng 5 năm ở Kỳ Sơn, bác sỹ đã giúp bệnh viện nâng tầm một bước về kỹ thuật ngoại khoa và sản khoa. Đặc biệt hơn, ông đã đóng góp không ít tâm sức để xây dựng Trạm Y tế Na Loi. Cũng bắt đầu từ "điểm" Na Loi mà phong trào xây dựng các trạm xá xã đã hình thành, phát triển trên địa bàn huyện, giúp cho người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, kịp thời hơn.

Sau 5 năm công tác tại Kỳ Sơn, bác sỹ Hoạt được điều về Bệnh viện Nhi Nghệ An (khi này mới thành lập). Lại bắt đầu từ vị trí bác sỹ điều trị tại khoa Ngoại, ông tiếp tục đi học thêm các chuyên khoa: chuyên khoa cấp 1, phẫu thuật Nhi khoa... Thời gian này, ông cùng với thế hệ bác sỹ đầu tiên như bác sỹ Đoàn Quang Lưu, bác sỹ Nguyễn Văn Thu (đã về hưu) và một số bác sỹ hiện đang làm việc tại Viện như bác sỹ Nguyễn Văn Sơn (Trưởng khoa Ngoại - B.V Nhi) đặt nền móng cho phẫu thật nhi khoa (giai đoạn 2 - khi đã có kỹ thuật tiến bộ) tại Viện. Bệnh nhi có thể được phẫu thuật teo hậu môn trực tràng, u nang ống mật chủ, teo thực quản, các dị tật bẩm sinh về đường tiêu hóa... với tỷ lệ thành công cao.


Năm 1992, sau khi chia tách tỉnh, hệ Ngoại của Bệnh viện Nhi được chuyển sang sáp nhập với một khoa của Bệnh viện Việt Nam - Ba Lan (Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh bây giờ). Bác sỹ Hoạt cũng đã có 10 năm làm việc tại đây, được tín nhiệm giữ các chức vụ: Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Phó Bí thư Đảng ủy Bệnh viện. Trong thời gian này, ông đã được đi học 1 năm tại Pháp về phẫu thuật thần kinh và cũng trở thành một trong những người đầu tiên triển khai thành công trong phẫu thuật thần kinh thời đó. Năm 2000, ông trở về Bệnh viện Nhi, làm Trưởng khoa Ngoại và từ cuối năm 2001 đến nay, ông giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Nhi Nghệ An.


10 năm "đứng mũi chịu sào", ông luôn dành thời gian cho chuyên môn, động viên, giúp đỡ các đồng nghiệp nâng cao tay nghề và tinh thần phục vụ. Bản thân ông đã tham gia nhiều ca phẫu thuật cứu sống những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, đóng góp nhiều công sức để phát triển bệnh viện lớn mạnh. Nhiều năm liền, Bệnh viện Nhi đạt danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện, là đơn vị đạt Huân chương Lao động hạng Nhì, đơn vị điển hình cấp tỉnh về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", là một trong số ít bệnh viện được công nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng khám, chữa bệnh theo tiêu chuẩn ISO...


Không ngừng trăn trở với tình hình bệnh tật của bệnh nhân "đặc biệt" là trẻ em, bác sỹ Hoạt đã là người chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu tình hình mắc bệnh và đánh giá kết quả điều trị bệnh xơ hóa cơ Delta tại Nghệ An (đề tài này được giải cấp tỉnh) đồng thời khuyến khích phong trào viết đề tài, kinh nghiệm, sáng kiến trong đội ngũ thầy thuốc bệnh viện. Từ đây, tạo được ý thức thi đua, cũng tạo được tinh thần giúp đỡ, sẻ chia trong đồng nghiệp với mục tiêu vì người bệnh.


Ông tâm sự: Tôi tự nhận thấy mình đã chọn đúng khi tập trung cho hướng đi Ngoại Nhi dù đó là con đường khó khăn. Một đứa trẻ sinh ra với những dị tật bẩm sinh, đứng trước quyết định mổ và không mổ cũng thật khó khăn. Và người thầy thuốc cần phải làm việc với ý nghĩa và tinh thần cao nhất: đem lại cuộc sống thực sự cho người bệnh, một cuộc sống lành lặn, tốt đẹp". 10 năm làm giám đốc Bệnh viện, ông vẫn còn đang dang dở 10 việc lớn" (ông đã ghi ra giấy và quyết tâm "giải quyết sớm nhất").


Với những thành tích của mình, bác sỹ Hoạt đã được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2005, và ông cùng với bác sỹ Phạm Văn Thanh (hiện là Giám đốc Sở Y tế Nghệ An) đang làm hồ sơ để xét tặng danh hiệu cao quý: Thầy thuốc Nhân dân vào dịp 27/2 sắp tới.


Thùy Vinh

Mới nhất

x
Say mê và trăn trở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO