SEA Games 27: Chủ nhà Myanmar còn nhiều nỗi lo
Các hàng ghế trống và những quan ngại an ninh là các nỗi lo chính khi Myanmar tăng tốc chuẩn bị cho Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 27), sự kiện thể thao lớn nhất từng tổ chức ở quốc gia này.
Hàng nghìn vận động viên, các quan chức, người hâm mộ và giới truyền thông sẽ tề tựu về nhân dịp SEA Games, đang tiến dần tới lễ khai mạc ngày 11/12 tới. Hai năm sau khi kết thúc chính quyền quân sự và các nước phương Tây dỡ bỏ cấm vận, Myanmar đang hy vọng tỏa sáng trên trường quốc tế trong sự kiện kéo dài 22 ngày này.
Nhà thi đấu trung tâm SEA Games ở Nay Pyi Taw hôm 30/11 (Nguồn: AFP) |
Nhưng các quan chức cũng muốn tránh cảnh các sân thi đấu vắng khán giả ở thủ đô mới, Nay Pyi Taw, cũng như mối đe dọa với an ninh từ nhiều nhóm nổi dậy ở trong nước.
Các vấn đề hậu cần cũng có thể phát sinh do thiếu phòng khách sạn để có chỗ cho khoảng 6.000 vận động viên và 3.000 phóng viên, quan chức, chưa kể người hâm mộ.
Không thể so sánh về quy mô so với Olympic Bắc Kinh 2008, nhưng SEA Games cũng có ý nghĩa tương tự, là sự kiện để Myanmar khẳng định hình ảnh và uy tín. Myanmar, vốn là thành viên sáng lập của sự kiện thể thao này, lần gần nhất làm chủ nhà là từ năm 1969.
Vì vậy hiện giờ Myanmar rất muốn có một màn trình diễn ấn tượng với các nước láng giềng ở kỳ đại hội thể thao khu vực hai năm tổ chức một lần.
Khi công tác chuẩn bị đang tiếp diễn ở thủ đô mới Nay Pyi Taw, Phó tổng thống Nyan Tun kêu gọi các vận động viên chủ nhà “nỗ lực vì một thời đại hoàng kim cho thể thao Myanmar.” Ông nói mục tiêu trọng tâm là “nâng cao uy tín đất nước và đi vào lịch sử như những người hùng thể thao quốc gia,” theo một thông cáo báo chí chính thức.
Myanmar hiện là một trong những nước nghèo nhất Đông Nam Á, với một phần ba dân số sống trong nghèo đói, nên những kỳ vọng là hạn chế. Nhưng Myanmar vẫn hy vọng lần giải này sẽ tiến bộ hơn lần trước ở Indonesia năm 2011, đã bị vấy bẩn bởi tình trạng tham những, những trì hoãn và kết thúc với một cuộc bạo động gây chết người trong trận chung kết nội dung bóng đá nam.
Một trong những quan ngại hàng đầu sẽ là bất ổn từ các sắc dân thiểu số sau khi các vụ đánh bom và đụng độ nổ ra ở nhiều vùng trên đất nước vài tuần lễ trở lại đây.
“Hàng nghìn cổ động viên và quan chức sẽ tới,” một sỹ quan cảnh sát cấp cao nói với AFP. “Dù chúng tôi đã cố gắng tôi đa để đảm bảo an ninh với nhân lực cần thiết, tôi vẫn có chút lo lắng.”
Các nhà tổ chức cũng cố gắng lấp đầy các ghế ngồi ở những địa điểm thi đấu mới xây dựng tại Naypyidaw bằng việc cung cấp vé miễn phí cho mọi sự kiện, trừ bóng đá. Tuy nhiên, nhu cầu là không lớn ở thành phố vốn rất ít dân này, nơi các đại lộ thường vắng lặng, và các sân thi đấu vắng khán giả sẽ là điều khó tránh.
Thêm vào đó, trong khi các quan chức chủ nhà khẳng định sự chuẩn bị đã hoàn tất, vẫn có lo ngại về việc Myanmar sẽ đón tiếp tất cả các vị khách ra sao. “Không đủ phòng khách sạn vì có quá nhiều khách nước ngoài sẽ tới,” một quan chức chính phủ giấu tên nói với AFP. “Hàng chục nghìn người tham gia sự kiện này. Hy vọng mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ. Hợp tác giữa các bộ là rất yếu.”
Nay Pyi Taw sẽ tổ chức phần lớn các nội dung thi đấu, trong khi thủ đô cũ Yangon, cách đó 300 km về phía nam, tổ chức bóng đá nam, thể hình, cử tạ và kempo, một loại võ truyền thống.
Các cuộc tranh tài sẽ diễn ra ở nhiều nội dung, từ những môn Olympic nền tảng như bơi lội và điền kinh tới những trò dân gian địa phương chỉ có ở Đông Nam Á, thậm chí là Myanmar.
Chinlone, một môn thể thao Myanmar trong đó vận động viên kiểm soát một quả cầu nhỏ bằng chân, sẽ là môn khai mạc, cũng như môn võ truyền thống của Indonesia, pencak silat. Tổng cộng sẽ có 460 bộ huy chương được trao, bao gồm 11 bộ cho môn bi sắt, một di sản của chế độ thuộc địa Pháp với Đông Nam Á.
Dự kiến sẽ có 30.000 người tới dự lễ khai mạc, bao gồm các nguyên thủ quốc gia một số nước, tại sân vận động Wunna Theikdi ở Nay Pyi Taw ngày 11/12./.
Theo TTXVN