Siêu thị đua nhau hút khách
(Baonghean) - Cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Nghệ An bắt đầu nóng từ khi xuất hiện siêu thị Big C. Và nay, thêm siêu thị Metro cung cấp hàng sỷ tại chỗ, các chương trình khuyến mãi, quảng cáo nghe chừng rầm rộ hơn…
Nhiều chiêu quảng cáo
Đối với một thị trường còn đi chợ “truyền thống” như ở thành phố Vinh nói riêng và Nghệ An nói chung, việc các siêu thị phải liên tục đưa ra các “chiêu” khuyến mãi, thông báo, quảng cáo liên tục về các sản phẩm mới, về giá mới… là điều tất nhiên và chắc còn dài dài. Thời gian này ở nhà hay đi làm cũng thường xuyên nhận được các tờ rơi, các tờ quảng cáo, nhắn tin từ các siêu thị . Lúc đầu thấy cũng hay hay, về sau thấy hơi phiền hà, bởi bản thân không có nhu cầu về một số mặt hàng nhưng siêu thị vẫn cứ mời. Ví như: siêu thị Metro nhắn tin: “khuyến mãi cuối tuần từ 29/9-2/10 cải thảo Đà Lạt loại 1:11,445 đ/kg, xá xíu 168.945 đ/kg, để từ chối soạn…”. Chưa đủ, siêu thị này còn gọi điện đến di động vào ngày nghỉ thông báo giá từng mặt hàng, thời gian khuyến mãi, trách sao chưa thấy đến siêu thị mua hàng, giọng nhân viên thì ngọt như mía, đành phải nghe hết bản tin nhân viên đã thuộc làu, muốn tắt điện thoại, lại ngại bất lịch sự…
Các siêu thị khác như Big C lại tiên tục gửi tờ rơi từng tập đến nhà, với hàng trăm mặt hàng, hình ảnh bắt mắt, giá cả từng “cái búa” đóng vào sản phẩm ra chừng ấn tượng lắm, “rẻ” lắm, làm lũ trẻ cứ đòi đi siêu thị. Hàng nào cũng thấy siêu thị giảm giá, nhưng cũng đâu biết có giảm thật không. Lại nhớ lời chị gái hôm trước về than thở: Vào siêu thị loáng cái mất mấy trăm ngàn, về nhìn lại túi đồ thấy toàn những thứ chẳng mấy cần thiết, chỉ tại mình ham mua sắm. Hàng này gắn cái bát, hàng kia gắn thêm cái chậu nhựa, ham khuyến mãi thế là mua, về mới thấy chẳng thực sự cần.
Giá có giảm thực sự?
Khuyến mãi, giảm giá, rồi thẻ ưu đãi tích điểm, siêu thị nào cũng chào mời. Người tiêu dùng tự hỏi: tại sao cứ thêm một siêu thị ra đời thì giá ở các siêu thị khác lại rẻ thêm. Vậy trước đó, họ có bắt chẹt khách? Tại sao đầu vào nguyên liệu không giảm, mà giá tháng trước dầu ăn không giảm tháng này lại giảm, tháng sau lại giảm nữa? Phải chăng siêu thị trước đó đã lãi nhiều hay sản phẩm có vấn đề?
Tại siêu thị “chợ chiều” Intimex ở đường 3-2, nghe một chị kêu trời, chị mua một ít lươn om chuối, mở ra chỉ thấy hai cuộn lươn bằng hai ống chỉ, còn lại toàn chuối, nhưng giá 54 ngàn. Đem trả thì ngại, đưa về thì thấy quá đắt. Thì ra siêu thị này do giảm giá 30% vào sau 5h chiều nên giá bán thời điểm trước đó đắt như “bồ hòn”. Thịt gà rang, xúc xích nướng… nhiều lúc mua về ăn có mùi, như là siêu thị đưa hàng sắp hết hạn sử dụng ra chế biến vậy.
Càng ngày càng có nhiều người đến siêu thị để mua hàng dự trữ dài ngày cho gia đình. Nhưng các siêu thị cũng cần biết rằng mạng lưới hàng hóa hiện nay tràn ngập đến từng con ngõ, không thiếu và không khó mua, giá lại rẻ. Vì vậy, chiến lược bán hàng, đặc thù của từng siêu thị cần được tính đến. Không nên bắt chẹt khách theo kiểu muốn lên mua thịt, bánh mỳ thì phải qua hàng quần áo, xô chậu. Khách hàng muốn mua gì, cần mua gì nên làm sao để họ nhanh chóng mua được hàng đó với sự tiện lợi nhất hơn là sự giảm giá mà bắt đi lòng vòng mệt mỏi. Siêu thị nên là nơi người tiêu dùng mong muốn được đến, dù chỉ đi dạo, đi ngắm những nét đặc trưng văn hóa từ sản phẩm.
Châu Lan