Sinh vật cảnh Quỳnh Lưu 16 năm phát triển
(Baonghean) - Hội Sinh vật cảnh Quỳnh Lưu ra mắt và đi vào hoạt động ngày 21/3/1997. Khởi đầu mới có 30 hội viên, đến nay đã lên tới 680 hội viên với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển văn hóa, môi trường, kinh tế và xã hội thông qua hoạt động sinh vật cảnh.
Quỳnh Lưu là huyện có tiềm năng sinh vật cảnh dồi dào từ vùng rừng, đồi núi bán sơn địa, bãi ngang, bãi dọc, vùng biển với biết bao loại cá, tôm, vỏ trai, vỏ sò, vỏ ốc; các loại chim di trú, các loại đá kỳ hình, nhiều loài cây dị thảo... Nếu biết cách bảo tồn, khai thác, làm đẹp thì đây là món quà thiên nhiên ban tặng để cùng sinh sôi, tồn tại, phát triển giúp cho môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp. Bởi vậy, Hội đã cử 6 hội viên (đầu tiên của Nghệ An) đi học lớp sinh vật cảnh tại Trường Trung học Quản lý nghiệp vụ Xuân Mai (nay là Trường Cao đẳng Nghề NN&PTNT Bắc bộ); cử 3 trong tổng số 22 đại biểu toàn quốc tham dự Hội chợ Expo 99’ tại Côn Minh (Trung Quốc), là hội chợ hoa - cây cảnh lớn nhất toàn cầu; 4 hội viên tham dự Festival sinh vật cảnh Đà Lạt 2005; 2 hội viên tham gia Festival sinh vật cảnh Thành phố Hồ Chí Minh 2006. Nhiều hội viên tham dự triển lãm sinh vật cảnh tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Bình Định, Nam Định, Hà Nội... để giao lưu học hỏi về làm sinh vật cảnh.
Các hội viên Hội Sinh vật cảnh Quỳnh Lưu.
Trên cơ sở những hoạt động như thế, ý thức về xã hội hóa sinh vật cảnh được tăng cường. Đa số người dân đồng thuận ủng hộ phong trào: Nhà nhà có sinh vật cảnh, xem sinh vật cảnh là văn hóa, là môi trường, góp phần phát triển kinh tế vừa dưỡng trí, vừa dưỡng chí, vừa dưỡng tâm, vừa dưỡng nhân. Sinh vật cảnh đã thu hút các ngành Giáo dục, Y tế, LĐ-TB&XH, các cơ quan, ban, ngành cùng sôi nổi tham gia.
Đến năm 2007, 100% trường học ở Quỳnh Lưu có sinh vật cảnh, tạo môi trường sư phạm cho thầy và trò dạy tốt hơn, học tốt hơn; thực sự là trường học thân thiện, học sinh tích cực. Ngành Giáo dục Quỳnh Lưu được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích làm sinh vật cảnh. Ngành Y tế vừa tham gia làm “Vườn cảnh vườn thuốc”, từ bệnh viện T.Ư đóng tại Quỳnh Lập đến bệnh viện huyện và các trạm xá đều có phong trào làm sinh vật cảnh, điển hình là Quỳnh Liên, Quỳnh Lâm, Quỳnh Giang... Hơn ai hết, các bệnh nhân đến viện và trạm đều khẳng định: Cảnh quan sinh vật cảnh là vị thuốc bổ không mua được ở cửa hàng dược.
100% đài tưởng niệm liệt sỹ từ huyện đến xã đều có cây xanh, cây cảnh. Nhiều xã như Quỳnh Hồng, Thị trấn Hoàng Mai, Cầu Giát và đặc biệt là Quỳnh Đôi gần 100% gia đình có sinh vật cảnh. Hàng trăm gia đình hội viên thoát nghèo nhờ sinh vật cảnh.
16 năm, một khoảng thời gian không dài nhưng với những đóng góp xứng đáng của mình, Hội được Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu tặng 17 giấy khen; được Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu tặng 64 giấy khen cho 16 tập thể và 48 cá nhân; được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng 4 bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân; được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng 25 bằng khen cho 3 tập thể và 22 cá nhân. Người đứng đầu tổ chức thành viên được Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” vì có cống hiến xuất sắc cho phong trào.
Từ 2007 đến nay, khi Tỉnh hội Sinh vật cảnh Nghệ An đi vào hoạt động. Hội Sinh vật cảnh Quỳnh Lưu là điểm sáng của sinh vật cảnh Nghệ An. Từ các chủ đề hội thảo toàn quốc “Bác Hồ với thiên nhiên và sinh vật cảnh” tổ chức tại Nghệ An, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người, đến 2 kỳ đại hội của Tỉnh hội, hay tham dự Triển lãm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Nghệ An thì sinh vật cảnh Quỳnh Lưu đóng vai trò chủ công. Tổng kết phát triển 2 năm 2010 - 2011, doanh thu từ sinh vật cảnh Quỳnh Lưu đạt gần 27 tỷ đồng.
Trên địa bàn huyện hình thành một làng nghề hoa - cây cảnh Hồng Phú (xã Quỳnh Hồng) theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An năm 2011. Hàng trăm hội viên có tay nghề làm sinh vật cảnh cho thu nhập cao. Riêng xã công giáo toàn tòng Quỳnh Thanh là xã có hội viên sinh vật cảnh đông nhất, từ một xã khó khăn, nay trở thành xã khá, khang trang, xanh - sạch - đẹp, một phần đáng kể nhờ sinh vật cảnh.
Là một hội xã hội - nghề nghiệp, qua hơn 16 năm hoạt động, được Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và nhân dân đồng thuận ủng hộ, Hội Sinh vật cảnh Quỳnh Lưu đã góp phần tạo nên một diện mạo tươi sắc ngát hương cho huyện địa đầu xứ Nghệ.
Hồ Đức Thỉnh (Quỳnh Hồng - Quỳnh Lưu)