Sinh viên ngành sư phạm chật vật đầu ra

22/04/2013 22:15

(Baonghean.vn) - Bí đầu ra là lý do khiến những năm gần đây học sinh không mấy mặn mà với ngành sư phạm. Thực trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp và đào tạo không gắn với nhu cầu nguồn nhân lực đang gây lãng phí rất lớn cho xã hội.

Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, năm 2010 trên địa bàn tỉnh có 340 sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng vào các trường THPT; năm 2011 có 231 sinh viên; năm 2012 có 118 sinh viên; năm 2013 có 54 sinh viên. Có thể thấy con số tuyển dụng năm sau thấp hơn năm trước xấp xỉ 100 người, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm tại Trường Đại học Vinh mỗi năm từ 800 – 900 chỉ tiêu.

Lê Thị Thanh Truyền (SN 1988) tốt nghiệp K50 Đại học Vinh với 2 bằng cử nhân khoa học Lịch sử và Sư phạm Lịch sử đều đạt loại giỏi. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, là thành viên của Câu lạc bộ mái ấm trường Vinh nên em nhận được sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và kết nối doanh nghiệp. Truyền đã được Trung tâm gửi danh sách đến các trường THPT trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ nhưng vẫn chưa được tuyển dụng. Trầy trật 2 năm nay nhưng Truyền vẫn chưa có việc làm ổn định, phải dạy lớp mầm non cho con em công nhân của một Công ty TNHH sản xuất giày da. Em cho biết: “Từ nhỏ em đã mơ ước sau này mình được trở thành cô giáo, thế nhưng tốt nghiệp với 2 bằng giỏi mà đi đến đâu cũng được trả lời: thừa giáo viên”.



Một tiết học của sinh viện ngành sư phạm Đại học Vinh

Cũng như Truyền, Nguyễn Thị Thùy Dung năm nay đã 27 tuổi nhưng vẫn chưa có việc làm ổn định. Tốt nghiệp sư phạm giáo dục chính trị, em đã gửi hồ sơ đi rất nhiều trường nhưng vẫn chưa có kết quả, đành nhờ đến sự giúp đỡ của Trung tâm, em nói em sẵn sàng đi đến những vùng, miền xa miễn là có cơ hội được đứng lớp.

Tình trạng sinh viên ngành sư phạm chờ việc xảy ra ở không chỉ Nghệ An. Hội nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực diễn ra tại Đại học Vinh mới đây cho thấy, hiện Thanh Hóa có 4000 sinh viên sư phạm trong tổng số 25.000 sinh viên ra trường chưa có việc làm. Cũng như Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cũng có thông báo 2 năm nay đã ngừng tuyển giáo viên vì hiện tượng giảm học sinh trong mỗi bậc học, theo đó thực trạng dôi dư giáo viên đang xảy ra.

Anh Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, cho biết: “Sở đã có những dự báo về nguồn nhân lực đến năm 2020 nhưng các trường vẫn cứ tuyển sinh mỗi năm hàng trăm chỉ tiêu. Vì thực tế báo cáo này gửi lên Bộ chứ không phải gửi cho các trường, và hàng năm các trường vẫn cứ tuyển sinh. Và với mức đào tạo không cân xứng với nhu cầu thực tế, e rằng vài năm nữa sinh viên sư phạm ra trường phần lớn thất nghiệp”.

Đầu ra khó khăn nên đầu vào tuyển sinh ngành học sư phạm cũng rất đáng lo ngại. Trường Đại học Vinh nổi tiếng là nôi đào tạo giáo viên cho toàn vùng Bắc Trung bộ, nhưng những năm qua chất lượng đầu vào của sinh viên ngành học này thấp dần. 2 năm gần đây ngành học sư phạm công nghệ thông tin điểm chuẩn xấp xỉ điểm sàn nhưng cũng không đủ sinh viên để đào tạo. Thủ khoa khoa toán trong năm học 2012 cũng chỉ đạt 22 điểm, bằng điểm lấy vào 10 năm trước. Trước thực tế đó, nhà trường đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn hàng năm đi tư vấn tuyển sinh nhằm mục đích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành sư phạm nhưng xem ra lượng học sinh có thành tích học tập tốt không mấy mặn mà, hồ sơ tuyển sinh hầu như vắng bóng học sinh có giải quốc gia…

Hiện Trường đã có nhiều chính sách đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc bằng cách kết nối với các trường vùng Nam Trung bộ như Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang và đã có được những kết quả nhất định. Năm 2012, trong số 12 sinh viên đạt lọai giỏi ở các ngành sư phạm địa lý, toán, hóa học, sinh học đã có 7 sinh viên được tuyển dụng.

Đầu ra và đầu vào của sinh viên ngành sư phạm đang là bài toán không có lời giải của Ngành Giáo dục.


Thanh Nga

Mới nhất
x
Sinh viên ngành sư phạm chật vật đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO