Sôi động cuộc chiến taxi công nghệ

Quốc Hùng - Thanh Hải 03/04/2018 06:30

Những ngày gần đây, nhiều hãng taxi - xe ôm công nghệ tung ra hàng loạt kiểu khuyến mại chiêu mộ tài xế nhằm giành thị phần với Grab sau khi Uber rời bỏ thị trường Đông Nam Á.

Ồ ạt đầu tư công nghệ vận tải

Chỉ còn vài ngày nữa Uber và Grab hoàn tất kế hoạch chuyển giao, trên thị trường kinh doanh vận tải đã bắt đầu làn sóng mới, đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình xe ôm - taxi công nghệ của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam quyết tâm tìm thị phần khi Uber chính thức rời khỏi thị trường Đông Nam Á!

Thị trường vận tải đang bắt đầu cuộc chiến cạnh tranh mới, giữa Grab và các ứng dụng công nghệ vận tải thuần Việt khác.

Từ giữa tháng 11-2017, Mai Linh thành lập Trung tâm xe công nghệ, thu hút các tài xế. Sau thời gian tham gia thử nghiệm thị trường xe công nghệ, dịch vụ đặt xe ôm công nghệ này đồng loạt ra mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Đến nay, Mai Linh đã thu hút hơn 10.000 xe ôm công nghệ. Mục tiêu của Mai Linh là 1 triệu xe ôm công nghệ vào năm 2020.

Giám đốc Trung tâm vận hành Mai Linh Bike (thuộc Tập đoàn Mai Linh) Nguyễn Thị Kiều Nhung cho biết, sau thời gian thử nghiệm, hiện Mai Linh Bike đang hoàn thiện cả về quy trình vận hành và công nghệ. Giá cước cạnh tranh ngang bằng hoặc thấp hơn các hãng xe công nghệ khác (đối với loại xe thông thường, mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo).

Sự khác biệt của Mai Linh là cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm. Hành khách có thể yên tâm vì khi có bất cứ một vấn đề gì cần khiếu nại, khách hàng có địa chỉ tiếp nhận và hỗ trợ sớm nhất từ Mai Linh.

Taxi Mai Linh công nghệ

DN nội tiếp theo vào cuộc là Công ty Phương Trang, với quyết định đưa mô hình gọi xe công nghệ VATO ra mắt sớm hơn dự kiến 1 tháng. Phương Trang cho biết sẽ đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.200 tỷ đồng) vào ứng dụng VATO để cạnh tranh với Grab, Mai Linh... VATO được coi là ứng dụng “Made in Vietnam”, nhưng khá “lận đận” vào thời Uber, Grab bùng nổ.

Ban đầu ứng dụng này có tên là Facecar, sau đó đổi tên sang ViVu, và giờ là VATO khi được rót thêm vốn. Ứng dụng này không chỉ để gọi xe mà tích hợp nhiều chức năng đi kèm như thanh toán, gọi điện thoại, vận tải, giao hàng...

Trước đó, tại Hà Nội, Công ty CP Công nghệ Didi Việt Nam cũng giới thiệu ứng dụng gọi xe Didi Việt Nam. Hãng này hiện chỉ có 500 đầu xe và mạng lưới hoạt động liên kết với nhiều hãng taxi tại Hà Nội để đáp ứng nhu cầu gọi xe của khách.

Giá cước quyết định thành - bại

Trong khi các tài xế chạy Grab than thở Grab giảm ưu đãi, tăng phần trăm thu lại, thì các hãng taxi công nghệ khác đang chọn hướng gia tăng ưu đãi và quyền lợi để cạnh tranh. Theo Trung tâm vận hành Mai Linh Bike, những ngày qua, số lượng đối tác đăng ký Mai Linh Bike tăng gấp nhiều lần so với những ngày trước đây. Mỗi ngày có hơn 100 tài xế đến đăng ký chạy Mai Linh Bike. Mai Linh Bike cam kết chỉ thu chiết khấu 15% và tặng 100% phí đồng phục nếu trong tháng đầu, đối tác đạt doanh thu từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên.

Mai Linh cũng mua bảo hiểm cho tất cả đối tác sau khi đối tác hoạt động từ 6 tháng. Với Mai Linh Taxi, chỉ thu từ 12% doanh thu đối với năm đầu tiên (hợp đồng cam kết chạy 3 năm) và 2 năm đầu (hợp đồng ký 5 năm) và 14,9% đối với xe đăng ký bán thời gian... Điểm khác biệt so với xe ôm công nghệ khác, Mai Linh Bike có dịch vụ đặt xe qua tổng đài (gọi số 1055 trên toàn quốc). Ngoài ra, Mai Linh còn nhận vận chuyển hàng hóa và dịch vụ đưa đón trẻ đến trường.

Sự rút lui của Uber đã kích hoạt cuộc đua ứng dụng công nghệ đặt xe và các DN công nghệ và vận tải nội địa đã đồng loạt “xuống đường” nắm bắt thời cơ.
Sự rút lui của Uber đã kích hoạt cuộc đua ứng dụng công nghệ đặt xe và các DN công nghệ và vận tải nội địa đã đồng loạt “xuống đường” nắm bắt thời cơ.

Còn VATO đang áp dụng mức chiết khấu với tài xế đối tác là 20% (Grab là 25% chưa thuế), giá mở cửa là 6.000 đồng, cước phí 8.000 đồng/km (các hãng khác 9.000 - 11.000 đồng). Hãng này còn tuyên bố sẽ đảm bảo mức hỗ trợ cho tài xế 35.000 đồng/chuyến. Tức tài xế đủ chuyến dưới 35.000 đồng sẽ được hỗ trợ để đạt mức này. Ngoài ra, vào giờ cao điểm, VATO hỗ trợ thêm cho tài xế 20% doanh thu.

Ứng dụng gọi xe “Made in Vietnam” này dự kiến sẽ mua điểm đón tại sân bay, bến xe, khách sạn… để tài xế được tăng thu nhập. Để thu hút khách hàng, ngay trong ngày ra mắt (1-4), VATO tung ra khuyến mại khủng, mỗi khách hàng được nhận 1 mã giảm giá 50% (tối đa 30.000 đồng) cho 3 chuyến trong ngày.

Sự rút lui của Uber đã kích hoạt cuộc đua ứng dụng công nghệ đặt xe và các DN công nghệ và vận tải nội địa đã đồng loạt “xuống đường” nắm bắt thời cơ. Mô hình taxi truyền thống dự báo sẽ vẫn khó khăn và một cuộc chiến mới thực sự đã bùng nổ trên thương trường gọi xe ứng dụng công nghệ. Tất nhiên, dịch vụ nào tốt, rẻ, minh bạch, có lợi, sẽ được khách hàng đón nhận.

Theo Sài Gòn Giải phóng
Copy Link

Mới nhất

x
Sôi động cuộc chiến taxi công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO