Soi HLV Park Hang-seo khắc chế lối chơi của đối thủ

Minh Khiêm 05/12/2018 06:45

Bắt bài Philippines, HLV Park Hang-seo giúp Việt Nam giành chiến thắng quan trọng trên sân khách bằng thứ vũ khí quen thuộc của mình.

Sơ đồ xuất phát

Trận bán kết chứng kiến một điều chỉnh quan trọng của HLV Sven-Goran Eriksson. Thay cho sơ đồ 4-4-2 được sử dụng xuyên suốt vòng bảng, trận này Philippines xuất phát bằng 4-2-3-1, với đội trưởng Phil Younghusband là người chơi cao nhất và hỗ trợ cho anh là bộ ba Schrock, Bedic và Reichelt.

Điều chỉnh này của HLV Eriksson có thể xem là cách ông đối phó với những mất mát về nhân sự của Philippines sau vòng bảng, khi các trụ cột - đáng kể là cầu thủ đa năng Sato và tiền vệ trung tâm Strauss - phải trở lại với các CLB của họ. Ngoài ra, cũng có thể ông muốn Philippines kiểm soát tuyến giữa tốt hơn bằng việc gia tăng quân số ở đây.

Việt Nam, trong khi đó, vẫn trung thành với sơ đồ 3-4-3 quen thuộc. Chi tiết đáng chú ý nhất là cặp tiền vệ trung tâm của trận gặp Campuchia - Hùng Dũng và Đức Huy - được giữ nguyên. HLV Park Hang-seo rõ ràng muốn gia tăng khả năng chiến đấu cho tuyến tiền vệ. So với cặp Quang Hải - Xuân Trường, Hùng Dũng - Đức Huy vượt trội ở khả năng tranh chấp cũng như ý thức vị trí.

Trong cách bố trí đội hình của Việt Nam, sự cơ động của bộ đôi tiền vệ công Quang Hải và Văn Đức có ý nghĩa then chốt. Khi tấn công, cả hai sẽ co vào giữa chơi gần Anh Đức, nhường khu vực hành lang cho các tiền vệ biên Văn Hậu và Trọng Hoàng. Còn khi phòng ngự, họ sẽ lùi xuống chơi ngang với các tiền vệ trung tâm. Khi đó, Việt Nam sẽ chuyển sang sơ đồ 5-4-1.

Gây áp lực từ giữa sân

Nhiều thời điểm các cầu thủ của Việt Nam dâng cao gây sức ép ở gần vòng cấm của Philippines, nhưng chiến thuật phòng ngự xuyên suốt trong cả trận đấu vẫn là pressing với mid-block. Nghĩa là chỉ bắt đầu gây sức ép và gây sức ép quyết liệt khi đối phương đưa bóng tới vạch giữa sân.

Với cách pressing này, các trung vệ của Philippines được thoải mái chuyền bóng qua lại. Nhưng khi bóng tới chân một tiền vệ của họ, thì các tiền vệ trung tâm của Việt Nam sẽ nhanh chóng áp sát để gây sức ép. Ý đồ của HLV Park Hang-seo là buộc Philippines phải từ bỏ ý định triển khai bóng tuần tự qua hàng tiền vệ. Đối phương hoặc là phải trả bóng về cho các trung vệ, hoặc là phải thực hiện những đường chuyền sớm, thường là vượt tuyến và đa phần thiếu chính xác.

Trong tình huống trên, Hùng Dũng đã bỏ vị trí ở hàng tiền vệ để dâng cao gây sức ép với tiền vệ đang có bóng của Philippines là Manuel Ott. Cầu thủ chơi ở vị trí số 10 của họ là Bedic lúc này hoàn toàn không bị ai theo sát. Tuy nhiên, sức ép sớm của Hùng Dũng khiến Ott không dám mạo hiểm đưa bóng tới Bedic, mà phải chuyền về cho trung vệ để bắt đầu lại tất cả từ đầu.

Không thể triển khai bóng qua trung lộ, Philippines buộc phải đưa bóng ra biên. Tuy nhiên, đó là điều mà HLV Park Hang Seo cũng đã dự đoán được và có sự chuẩn bị tốt. Mỗi lần bóng được chuyền cho các hậu vệ biên của Philippines, là một lần "tín hiệu pressing" được bật lên. Hai tiền vệ công, lúc này đã lùi về chơi như các tiền vệ cánh, sẽ lập tức gây sức ép rất quyết liệt.

Trong tình huống trên, hậu vệ trái của Philippines là Steuble không có nhiều lựa chọn để chuyền bóng. Khả dĩ nhất là quay lại và chuyền về cho trung vệ gần nhất. Trong trường hợp anh cố gắng tìm cách đưa bóng lên phía trên, thì người nhận bóng của Philippines cũng lập tức bị đặt dưới sức ép lớn.

Ở đây là Phil Younghusband - người đã phải bỏ vị trí ở hàng tiền đạo để lùi xuống nhận bóng từ Steuble. Nhưng ngay khi anh vừa chạm bóng, Quang Hải đã có mặt để vừa gây sức ép với bóng, vừa chặn ý đồ chuyền ngược lại cho Steuble bằng cách "phủ bóng" hậu vệ trái của đối phương. Phía sau Younghusband, Duy Mạnh cũng đang gây sức ép quyết liệt. Trong khi Hùng Dũng chặn nốt lựa chọn chuyền bóng còn lại.

Cách pressing này được Việt Nam áp dụng xuyên suốt trong phần lớn thời gian của trận đấu, ít nhất là trong khi thể lực vẫn đảm bảo. Hệ quả là Philippines không thể nào đẩy được đội hình lên một cách ổn định. Bài chồng biên, lấy nhiều đánh ít quen thuộc của họ - từng được sử dụng rất hiệu quả ở trận gặp Thái Lan - gần như không xuất hiện.

Philippines do đó phải sử dụng rất nhiều đường chuyền dài, với hi vọng khoan được vào khoảng trống giữa các trung vệ lệch và cầu thủ chạy cánh của Việt Nam khi những người này - Trọng Hoàng hoặc Văn Hậu - dâng cao. Nhưng do chất lượng của các đường chuyền không cao, và người nhận bóng thiếu sự hỗ trợ, những pha lên bóng như thế thường manh mún, dễ dàng bị các hậu vệ của Việt Nam hóa giải.

Những miếng đánh trực diện của Việt Nam

Cũng như Việt Nam, Philippines thường phòng ngự với mid-block. Tuy nhiên, khác với đối phương, chúng ta có khá nhiều phương án đưa bóng lên phía trên. Điểm chung của những phương án ấy là tính trực diện. Các hậu vệ thường xuyên tung ra những đường chuyền vượt tuyến, xuyên tuyến cho các tiền vệ. Còn các tiền vệ thì luôn tìm cách đưa bóng ra sau lưng hàng thủ của đối phương.

Cả hai bàn thắng của Việt Nam đều có cùng một kịch bản. Đó là cầu thủ chạy cánh đưa bóng ra sau lưng hàng thủ Philippines cho các tiền đạo băng xuống. Ở bàn mở tỉ số, người chuyền bóng cho Anh Đức đánh đầu là Văn Hậu. Ở bàn nâng tỉ số lên 2-1, tới lượt Trọng Hoàng bấm bóng cho Văn Đức thoát xuống. Các hậu vệ của Philippines hoàn toàn thụ động trước những pha di chuyển bất ngờ và khôn ngoan của các tiền đạo Việt Nam.

Tình huống Quang Hải bỏ lỡ cơ hội nâng tỉ số lên 2-0 trong hiệp một cũng là một ví dụ điển hình cho tính trực diện trong lối chơi của Việt Nam. Tình huống đó bắt đầu với một đường chuyền chéo sân rất mạnh của Duy Mạnh cho Văn Hậu nhận bóng trong tư thế rất thoải mái, do 4 hậu vệ của Philippines đã bị 3 cầu thủ tấn công của Việt Nam "ghim" lại ở phía trong. Sau khi khống chế bóng, Hậu lập tức bấm bóng vào vòng cấm theo đà di chuyển của Quang Hải. Nhờ xuất phát sớm hơn, Quang Hải đã chiếm trọn được khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ trái của Philippines. Tuy nhiên, là động tác tiếp bóng của anh không chuẩn (bằng vai), nếu không Việt Nam đã có bàn thắng thứ hai ngay trong hiệp một.

Cách di chuyển và chọn vị trí của Quang Hải và Văn Đức, đặc biệt là Văn Đức, người được HLV Park Hang Seo khen ngợi sau trận, có vai trò rất quan trọng trong những pha lên bóng của Việt Nam. Như đã phân tích, Philippines phòng ngự ở mid-block, với sơ đồ 4-2-3-1. Nhưng một trong hai tiền vệ phòng ngự của họ thường phải dâng lên để gây sức ép với các tiền vệ trung tâm của Việt Nam. Khi đó, trước mặt hàng thủ Philippines chỉ còn lại một tiền vệ phòng ngự, và bên cạnh anh ta là rất nhiều khoảng trống.

Quang Hải và Văn Đức sẽ chủ động tấn công vào khoảng trống này. Cách chọn vị trí của Hải và Đức, cộng với việc một trong hai cầu thủ chạy cánh, hoặc cả hai, dâng lên để giữ chân các hậu vệ biên của Philippines, khiến đối thủ bối rối thấy rõ. Nếu các trung vệ mà dâng lên thì dễ bị qua mặt, và sau lưng họ sẽ có khoảng trống lớn. Nếu giữ vị trí thì Hải và Đức sẽ có cơ hội nhận bóng, xoay người, và tấn công thẳng vào hệ thống phòng ngự của họ.

Như trong tình huống này, trung vệ De Murga của Philippines quyết định cần phải bỏ vị trí để cướp bóng trong chân của Văn Đức. Nhưng cầu thủ của Nghệ An đã nhẹ nhàng vượt qua cầu thủ này với một pha xoay người khéo léo. Lúc ấy, giữa hàng thủ của Philippines xuất hiện một khoảng trống lớn ở chính vị trí mà De Murga bỏ lại. Quang Hải đã chủ động tấn công vào khoảng trống này. Văn Đức cũng có một pha chọc khe tốt. Nhưng Hải thiếu sức rướn trong tình huống tranh chấp với hai hậu vệ của Philippines.

Ở một tình huống khác, khi hậu vệ của đối phương quyết định giữ vị trí, Quang Hải có cơ hội nhận bóng từ đường chuyền xuyên tuyến của Ngọc Hải. Cầu thủ số 19 có rất nhiều không gian và thời gian để nhận bóng, xoay người, rồi chọc khe cho Đức Chinh. Ở tình huống này, Chinh có thể làm được nhiều hơn nếu có thêm một chút quyết đoán.

Những vấn đề cần rút tỉa

Nhìn chung Việt Nam đã giành chiến thắng xứng đáng. Nếu Đức Chinh hay Công Phượng sắc sảo hơn thì đội đã có thể ghi thêm ít nhất 2 bàn. Tuy nhiên, trận đấu với Philippines cũng cho thấy một số vấn đề, mà nếu muốn đội bóng của mình bước lên bục cao nhất, HLV Park Hang-seo không thể không tìm cách khắc phục.

Thứ nhất là vấn đề về sự tập trung. Bàn thua đầu tiên của Việt Nam ở AFF Suzuki Cup 2018 xuất phát chính từ lỗi mất tập trung của cả hệ thống, chứ không phải của Ngọc Hải, Văn Hậu hay riêng cá nhân nào. Bàn thua ấy xuất phát từ một tình huống Quang Hải tranh chấp thiếu quyết liệt sau quả ném biên của đối thủ. Schrock vẫn tìm được khoảng trống để chuyền cho Bedic.

Khi Bedic nhận bóng, tới lượt Đức Huy tranh chấp không quyết liệt, để cho cầu thủ của Philippines thoải mái gảy bóng xuống biên cho Phil Younghusband lúc ấy đã bắt đầu di chuyển. Do có được lợi thế là di chuyển sớm và đạt được tốc độ cao trước, đội trưởng của Philippines thoải mái dẫn bóng tới gần đường biên ngang rồi tạt đẹp vào trong cho Reichelt ập vào sút tung lưới Văn Lâm.

Ở tình huống này, rất khó trách cả Ngọc Hải lẫn Văn Hậu. Tình huống bóng diễn ra quá nhanh, quả tạt vào khó chịu, và cầu thủ của Philippines cũng đã di chuyển quá khôn khéo. Lẽ ra, các cầu thủ Việt Nam phải dập tắt được nguy cơ từ sớm, từ khi nó vừa manh nha xuất hiện.

Điều tương tự cũng đúng với cơ hội đáng kể thứ hai của Philippines, pha đệm bóng cận thành của Reichelt ở cuối trận. Trong pha bóng đó, hệ thống phòng ngự của chúng ta đã lộ ra đủ vấn đề.

Như trong hình này, có tới hai trung vệ của Việt Nam áp sát Phil Younghusband. Hai hậu vệ còn lại là Ngọc Hải và Văn Hậu thì bị cầu thủ di chuyển chéo của đối phương lôi kéo sự chú ý, dẫn tới việc không ai để ý Reichelt đang âm thầm băng lên. Schrock, người có lực chân rất tốt, đã có một đường chuyền như đặt cho Reichelt, rất may là cầu thủ này lại đệm bóng vọt xà. Ở tình huống này, đúng ra thì các tiền vệ của Việt Nam phải gây sức ép ngay không cho Schrock ra chân. Không thể nói là chúng ta không biết được sự nguy hiểm của cầu thủ này.

Một vấn đề khác là thể lực. Việc phải gây sức ép ở cường độ cao một cách liên tục khiến thể lực của các cầu thủ Việt Nam bị bào mòn một cách ghê gớm. Nhất là với hai vị trí mang nhiều trọng trách là Quang Hải và Văn Đức. Từ khoảng sau phút 70, hệ thống phòng ngự bắt đầu trở nên xộc xệch do các cầu thủ không còn đủ sức để vừa pressing vừa giữ vị trí. Hệ quả là đối phương bắt đầu tạo được những tình huống nhiều đánh ít ở biên.

Trong tình huống này, các cầu thủ phòng ngự của Việt Nam đã không còn nhận được sự hỗ trợ từ các tiền vệ công như trong suốt thời gian trước đó. Philippines do vậy đã tạo được một tình huống 3 đánh 2 ở biên, điều mà họ đã không làm nổi trong suốt hiệp 1. Khoảng thời gian hơn 20 phút cuối trận cũng là khoảng thời gian mà Philippines gây ra nhiều sóng gió về phía khung thành của Việt Nam nhất. Ngoài việc HLV Eriksson đã có điều chỉnh hợp lý là tung James Younghusband vào sân và chuyển sang sơ đồ 4-4-1-1 giúp Philippines tăng dự hiện diện trong vòng cấm của Việt Nam, thì sự sụt giảm thể lực của các cầu thủ khách cũng có thể xem là một phần nguyên do...

Tỉ số thắng 2-1 trên sân khách đương nhiên là một tỉ số có lợi cho Việt Nam. Nhưng dù gì thì cách biệt cũng chỉ là một bàn mong manh, và người hâm mộ Việt Nam hẳn chưa quên cơn ác mộng mang tên AFF 2014, khi chúng ta thúc thủ 2-4 trước Malaysia ngay trên sân nhà dù đã dẫn 2-1 sau trận lượt đi. Ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình vào ngày 6/12 tới, Việt Nam một mặt phải tiếp tục phát huy khả năng khắc chế lối chơi của đối thủ, nhưng mặt khác, cũng phải tính phương án giải quyết trận đấu sớm, khi thể lực còn đảm bảo.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Soi HLV Park Hang-seo khắc chế lối chơi của đối thủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO