Sôi nổi các hoạt động thể thao đầu xuân

10/02/2014 16:18

(Baonghean) - Trong những ngày đầu xuân, được sự phối hợp của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng gắn liền với các hoạt động văn hoá tín ngưỡng của địa phương, trong đó có nhiều trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc với nhiều nội dung phong phú đã diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách.

Lễ hội Vua Mai tại huyện Nam Đàn là lễ hội lớn đầu tiên trong năm trên địa bàn tỉnh. Tại lễ hội này, bên cạnh phần lễ linh thiêng, trang trọng là phần hội với nhiều trò chơi dân gian và các môn thể thao hấp dẫn, sôi động như đấu vật, đua thuyền, bóng chuyền, đẩy gậy, chọi gà, ném bi sắt...., trong đó đáng chú ý nhất là môn đấu vật. Chuẩn bị cho Lễ hội Vua Mai Xuân Giáp Ngọ 2014, những ngày này, khắp các xã trên địa bàn huyện đang tưng bừng tổ chức hội vật. Hoạt động văn hóa thể thao truyền thống đặc sắc này bắt nguồn từ thời Vua Mai. Từ thuở thiếu thời, Mai Thúc Loan là cậu bé có sức khỏe hơn người, 10 tuổi đã dùng rìu chém hổ, 14 tuổi đã quật ngã những tên lính Đường trong hội đấu vật.

Sau khi lên ngôi vua, để tuyển quân, hàng năm vào mùa xuân, Vua Mai cho các vùng tổ chức thi vật, chọn lấy những đô vật khỏe mạnh, bổ sung cho đội quân tiên phong của mình. Ông Lê Văn Bá ở xóm 3, xã Nam Nghĩa cho biết: “Hội vật là sự kiện mà người dân chúng tôi mong chờ nhất trong những ngày đầu năm mới. Cách đây vài chục năm, hồi còn trẻ, tôi đã từng tham gia các hội vật, thi tài với các thanh niên trai tráng trong làng, trong xã và đến nay, tôi rất vui khi thấy lớp trẻ vẫn say sưa tham gia hội vật, kế thừa được những miếng đánh mà cha ông truyền lại. Tôi mong muốn trong tương lai, hội vật của xã và môn đấu vật tại Lễ hội Vua Mai tiếp tục được duy trì, để người dân được tham gia sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh, giữ được tinh thần thượng võ và ý thức rèn luyện sức khỏe”.

Hội vật ở Nam Anh (Nam Đàn).
Hội vật ở Nam Anh (Nam Đàn).

Nếu như Lễ hội Vua Mai nổi tiếng với môn đấu vật thì Lễ hội Đền Cờn (tại phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai) lại nổi tiếng với môn đua thuyền. Có thể nói, giải đua thuyền trên sông Mai Giang tại Lễ hội đền Cờn là giải đua thuyền truyền thống lớn nhất của tỉnh với sự tham gia của các phường, xã ven biển thuộc Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu là Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Thọ, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Dị, Tiến Thủy và Sơn Hải. Theo quan niệm của người dân vùng biển, lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm nhằm cảm tạ thần linh đã phù hộ cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa. Đây cũng là dịp để người dân vùng biển rèn luyện sức khỏe, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên. Qua giải đua, các thanh niên trai tráng trong huyện được dịp phô trương sức mạnh của mình với những đường chèo khoẻ khoắn.

Chuẩn bị cho giải đua thuyền truyền thống Lễ hội Đền Cờn năm nay, các địa phương cũng đang sửa sang, trang trí thuyền đua, tuyển chọn lực lượng VĐV từ những lao động nghề cá có sức khỏe trên địa bàn, tổ chức tập luyện. Anh Hoàng Duy Thái ở khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương cho biết: “Cùng với phần lễ và tục chạy Ói thì Giải đua thuyền trên sông Mai Giang từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của Lễ hội Đền Cờn, thu hút rất đông người dân và du khách tham gia xem và cổ vũ. Cũng như mọi năm, trước khi giải diễn ra, người dân chúng tôi cũng đã tự nguyện đóng góp kinh phí để đội của xã có được sự chuẩn bị tốt nhất, với mong muốn đội chủ nhà giành được thành tích cao”. Bên cạnh đó, một số địa phương như xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) trong những ngày đầu năm mới âm lịch cũng đã tổ chức giải đua thuyền truyền thống của riêng mình, tạo không khí vui tươi, phấn khởi đầu năm, đồng thời qua đó tuyển chọn các VĐV vào đội đua của xã tham gia giải đua thuyền tại Lễ hội Đền Cờn sắp tới.

Ông Đặng Ngọc Kim – Giám đốc Trung tâm thể thao huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Bên cạnh phát triển các môn thể thao thế mạnh của huyện như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội, chúng tôi cũng coi việc duy trì và phát triển bộ môn đua thuyền truyền thống ở các xã ven biển là một nội dung quan trọng trong Đề án “Phát triển TDTT của huyện Quỳnh Lưu đến năm 2020”.

Những năm qua, dù có sự xuất hiện của các môn thể thao hiện đại như bóng đá, bóng chuyền nhưng tại các lễ hội lớn ở các huyện đồng bằng như Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Quả Sơn, Lễ hội Đền Bạch Mã, Lễ hội Đền Đức Hoàng, Lễ hội Đền Cuông…, các môn thể thao truyền thống như đua thuyền, đấu vật, kéo co… vẫn đóng vai trò chủ đạo. Còn ngược lên miền Tây, các môn đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn là một phần không thể thiếu tại các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số như Lễ hội Làng Vạc (Thị xã Thái Hòa), Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội Đền Vạn Cửa Rào (Tương Dương)…

Ông Lô Trung Thành – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong những năm gần đây sự sôi động, đa dạng của thể thao truyền thống trong lễ hội mùa xuân ở tỉnh ta đã góp phần xây dựng phong trào thể thao với đa dạng hoá các môn thể thao và thu hút ngày càng đông người dân tham gia tập luyện. Tuy nhiên, chính vì các môn thể thao dân tộc chỉ diễn ra nhiều vào các lễ hội nên hiện nay quy mô và cách thức tổ chức cũng như kế hoạch tuyển chọn và tạo phong trào thường xuyên ở cơ sở mới chỉ được quan tâm ở cấp xã, cấp huyện. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức các giải đấu cấp tỉnh cho các môn thể thao dân tộc, đồng thời hướng dẫn cơ sở về cách thức tổ chức và bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, trọng tài… để các giải đấu được diễn ra quy củ và có chất lượng chuyên môn cao hơn, thu hút nhiều hơn các VĐV tham gia”.

Minh Quân

Mới nhất
x
Sôi nổi các hoạt động thể thao đầu xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO