Sớm bàn giao đất cho dự án trồng cao su

19/12/2013 17:28

(Baonghean) - Để phục vụ Dự án đầu tư phát triển cây cao su, đến nay phần lớn các hộ dân nhận khoán trồng rừng tại địa bàn xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn đã nhận tiền đền bù, bàn giao đất cho dự án. Tuy nhiên, vẫn còn 14 hộ chưa chịu bàn giao với nhiều lý do...

Tìm về Phúc Sơn vào một ngày giữa tháng 12, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là khu rừng nghèo Phúc Sơn trước đây đã được phủ xanh bởi những đồi cao su xanh tốt. Tiếp chuyện chúng tôi ngay cạnh rừng cao su, anh Nguyễn Vĩnh Hưng, Đội 3, Nông trường Cao su 12/9 cho biết, gia đình anh có trên 26 ha rừng được nhận khoán từ trước, nằm trong vùng dự án. Phần lớn số diện tích này trồng keo nên thu nhập không cao. Từ khi có dự án trồng cao su, ngoài khoản tiền đền bù 354 triệu đồng, anh còn được nhận vào làm công nhân với mức thu nhập bình quân 4,7 triệu đồng/tháng, được công ty đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, hỗ trợ tiền ăn ca, tiền xăng xe nên rất phấn khởi.

Không riêng gì gia đình anh Hưng, ở Phúc Sơn có hàng chục gia đình đã đổi đời nhờ tiền đền bù của dự án. Ông Nguyễn Công Năm, xóm 1, xã Long Sơn phấn khởi nói: Những vùng đồi núi này trước đây vốn là của Công ty Lâm nghiệp, chủ yếu trồng keo, giá trị kinh tế không cao. Từ khi có dự án trồng và phát triển cao su, gia đình tôi không chỉ được đền bù 580 triệu đồng mà con tôi còn được nhận vào làm công nhân của công ty, tiếp tục được nhận khoán lại diện tích trước đây. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình tôi tương đối ổn định, có tiền làm nhà, cưới vợ cho con...

Cây cao su phát triển tốt trên đất Phúc Sơn (Anh Sơn).
Cây cao su phát triển tốt trên đất Phúc Sơn (Anh Sơn).

Được biết, hầu hết diện tích trồng cao su đều được giao khoán cho người dân địa phương. Tuy mới được 3 năm tuổi nhưng hiện cây cao su đã cao trên 4m, xanh mơn mởn. Dưới tán rừng cây cao su, công nhân còn tranh thủ trồng thêm cây rễ hương, vừa để bảo vệ đất khỏi bị xói mòn, vừa tăng thêm thu nhập.

Thực hiện Dự án trồng cây cao su, những năm qua, đặc biệt là năm 2013, UBND huyện Anh Sơn cũng như Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đã tích cực chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đến nay đã bàn giao cho chủ đầu tư được 1.936,29 ha trên tổng số phải bàn giao là 3.704,14 ha (gồm đất của các hộ nhận khoán 1.212,08 ha (66 hộ), đất liên doanh 188 ha, đất Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn 478 ha...) với tổng tiền đã bồi thường hỗ trợ là 14.079.910.000 đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 14 hộ chưa hoàn thành hồ sơ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Ông Phan Văn Tỵ, xóm Bãi Đá, xã Phúc Sơn cho rằng: “Về mặt chủ trương, chúng tôi nhất trí chấp thuận theo quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh, tuy nhiên tiền hỗ trợ thuê đất 3,2 triệu đồng/ha, đối với rừng trồng 50 triệu đồng/ha là chưa phù hợp”. Cùng trú tại xóm Bãi Đá, ông Phạm Trọng Đức cho rằng: “Ngoài giá đền bù chưa hợp lý, thì lý do chính khiến chúng tôi chưa muốn giao là vì nếu giao lại rừng thì biết lấy gì để làm ăn sinh sống”. Bà Lê Thị Hương tỏ ra cương quyết: “Chúng tôi đã xây nhà ở đây, xác định gắn bó ở đây lâu dài, vì vậy không thể trả. Muốn chuyển đổi cây trồng thì người dân cũng có thể tự chuyển đổi, tự trồng cao su, tự khai thác và nhập cho công ty”...

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Đình Lục, Trưởng phòng TN-MT huyện Anh Sơn cho biết: Trước những vướng mắc khiến cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện chưa hoàn tất, ngày 6/11/2013 lãnh đạo UBND huyện, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đã có phiên làm việc với các hộ dân làm nhà ở trên đất nhận khoán thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án để quán triệt kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại đất nhận khoán của các hộ. Tuy nhiên, chỉ có 3/14 hộ tham dự. Tiếp đó, ngày 12/11/2013, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án của huyện đã ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hội đồng đã gửi giấy mời tổ chức kiểm đếm tại thực địa nhưng các hộ đã từ chối không nhận. Trong 2 ngày (18 và 19/11/2013), tổ công tác của Hội đồng đã trực tiếp cùng các hộ để kiểm đếm, trong số 14 hộ chỉ có hộ ông Phan Văn Tỵ phối hợp kiểm đếm; 8 hộ kiến nghị khi nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đồng ý phối hợp, 5 hộ vắng mặt.

Thực tế, chủ trương chuyển đổi đất rừng cho dự án trồng cao su trên địa bàn huyện Anh Sơn đã được đông đảo các hộ dân đồng tình, nhanh chóng hoàn tất thủ tục bàn giao, nhận tiền đền bù. Nhiều hộ sau khi bàn giao đất cho dự án đã được nhận vào làm công nhân của Công ty cao su, có thu nhập cao, cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, vì không nắm rõ chủ trương, cũng như vì một số lý do khác mà một số hộ dân chưa chịu hợp tác. Vì vậy, theo chức năng, thẩm quyền quản lý, UBND huyện Anh Sơn cần tiếp tục phối hợp với xã Phúc Sơn và Công ty cổ phần cao su tuyên truyền chủ trương của tỉnh về thực hiện dự án trồng cây cao su, về lợi ích từ dự án mang lại, về chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng, đúng pháp luật của các hộ dân... Về phía các hộ dân, các liên doanh liên kết cần hiểu đây là một chủ trương lớn của tỉnh, với mục tiêu phát huy lợi thế của chính địa phương, trong đó có quyền lợi của chính người dân, vì vậy cần phối hợp với Hội đồng bồi thường để đo đếm, sớm bàn giao đất rừng nhận khoán trước đây cho dự án. Không để một vài lý do cá nhân làm ảnh hưởng đến chủ trương chung như hiện nay.

Quảng An

Mới nhất

x
Sớm bàn giao đất cho dự án trồng cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO