Sớm điều chỉnh công tác chuyển đổi ruộng đất ở xã Thanh Mai

27/02/2014 11:22

(Baonghean) - Báo Nghệ An nhận được đơn khiếu nại của ông Bùi Văn Hảo - Bí thư Chi bộ xóm Bắc Sơn, xã Thanh Mai đề nghị làm rõ việc chính quyền xã và tổ chuyển đổi ruộng đất xóm vi phạm quyền sở hữu tài sản của gia đình ông. Qua xác minh cho thấy, việc chuyển đổi ruộng đất ở xã Thanh Mai có những vấn đề chưa hợp lý...

Vườn chè của gia đình ông Hảo đã bị xóm giao cho người khác sau chuyển đổi ruộng đất.
Vườn chè của gia đình ông Hảo đã bị xóm giao cho người khác sau chuyển đổi ruộng đất.

Theo đơn của ông Bùi Văn Hảo, năm 1999, gia đình ông được UBND huyện Thanh Chương cấp giấy CNQSDĐ 14.548m2, trong đó, 9.644m2 đất vườn cố định, phần còn lại là đất lúa, màu. Năm 2013, khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất, gia đình ông Hảo bị thu hồi 1.780m2 đất nông nghiệp trên tổng số diện tích đất lúa, màu, trong đó có trên 400m2 đất trồng chè đã cho thu hoạch. Ông Hảo đã kiến nghị chính quyền xã nhưng không được giải quyết; kiến nghị lên UBND huyện thì được trả lời giao cho xã giải quyết, nhưng rồi không được hồi âm...

Tìm hiểu được biết, giấy CNQSDĐ của ông Bùi Văn Hảo mang tên Bùi Văn Ân (bố ông Hảo), được cấp ngày 2/2/1999, ngoài đất vườn cố định có 10 thửa đất lúa, màu với diện tích 4.904m2, thời hạn sử dụng 20 năm. Theo ông Hảo, trong 10 thửa đất lúa, màu có 6 thửa là do chính quyền xã cấp, 4 thửa còn lại là do gia đình nhận cải tạo, phục hóa các vùng đất hóc, chỗ khô cằn sỏi đá, gần đường, hay bị trâu, bò phá phách do HTX Trường Sơn quản lý. Về việc chuyển đổi ruộng đất, ông Hảo xác định đây là chủ trương đúng đắn, nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sản xuất. Là bí thư chi bộ, ông từng được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ chuyển đổi ruộng đất của xóm. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, ông thấy cách làm của xã, của xóm không đúng với chủ trương và hướng dẫn của tỉnh nên ông đã có ý kiến với xã đề nghị xem lại cách làm.

Do cách thực hiện không thay đổi, ông đã xin rút khỏi tổ chuyển đổi ruộng đất. Công việc chuyển đổi vẫn được xóm tiến hành, với sự chỉ đạo của xã, tổ chuyển đổi xóm Bắc Sơn đã thu hồi hết đất nông nghiệp của ông Hảo cũng như của 47 hộ dân toàn xóm, sau đó chia đều cho số nhân khẩu của xóm ở thời điểm ngày 15/10/1993 (mốc thời gian thực hiện NĐ64-CP). Sau khi chia lại, ông Hảo bị mất 6 thửa đất xã cấp, tương ứng với diện tích 1.780m2. Ông Hảo bức xúc: "Chủ trương của tỉnh là chuyển đổi ruộng đất chứ đâu phải là thu hồi đất. Hướng dẫn chuyển đổi của trên là nhân với hệ số K, chứ đâu phải là chia lại đất, tại sao xã lại cho xóm quyền thu hồi đất và chia lại. Chúng tôi bỏ công sức ra để cải tạo đất, có được tài sản trên đất, hơn nữa, đất đã được cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Nói là chuyển đổi nhưng gia đình tôi đâu được chuyển đổi gì, 10 thửa mất nguyên 6 thửa chỉ còn có 4 thửa...”.

Cũng theo ông Hảo, trên các thửa đất đã bị xóm thu hồi và giao cho người khác, ngoài hơn 400 m2 đất chè cho thu hoạch có hơn 500m2 đất ông đã gieo lúa, hơn 600m2 đất ông trồng sắn đã mọc mầm. Hiện nay, 600m2 đất sắn đã bị người được giao đất phá trồng ngô; hơn 500m2 đất trồng lúa thì các hộ được giao đất đang xin xã và xóm cho phá đi làm lại; trên 400m2 đất trồng chè thì bị người được giao đất liên tục đòi... Xót xa, buồn tủi, ông Hảo nói: “Tôi nói với những bà con này, đất vẫn do tôi làm chủ vì bìa đất vẫn nguyên giá trị, bà con tự ý phá tài sản của tôi là sai trái. Còn nếu như Đảng ủy, Ủy ban xã mà cho phép thì tùy bà con... Với những việc xẩy ra, dù rất bức xúc nhưng tôi cố kìm nén để tránh khỏi xô xát...".

Trao đổi với Xóm trưởng xóm Bắc Sơn, ông Bùi Văn Hồng cho rằng, nguyên nhân của việc chia lại ruộng đất là do thời điểm năm 1993, xóm Bắc Sơn không thực hiện được NĐ64-CP về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân. Việc này đã dẫn đến có 30 nhân khẩu tại thời điểm đó chưa được giao đất. Khi có chủ trương chuyển đổi ruộng đất, phần lớn người dân trong xóm đề nghị chia lại ruộng đất để tạo sự công bằng. Đảng ủy, chính quyền xã cũng đồng tình cách làm như vậy. Xã đã có quyết định cho xóm tạm thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp để chia lại...

Bìa đất của ông Bùi Văn Hảo.
Bìa đất của ông Bùi Văn Hảo.
Làm việc với các ông Bùi Văn Thắng, Hà Quang Nam - Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã Thanh Mai, các ông đều xác nhận xã có chỉ đạo xóm tạm thu hồi đất nông nghiệp để chia lại trên số nhân khẩu theo NĐ 64 - CPvì huyện cũng hướng dẫn như vậy. Theo ông Nam, việc huyện chỉ đạo thu hồi và chia lại đất thể hiện tại Đề án số 1804/ĐA-UBND.TN về “vận động nông dân chuyển đổi, chuyển nhượng ruộng đất năm 2009” của UBND huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, xem kỹ Đề án 1804 thì tuyệt nhiên không hề có việc "thu hồi đất", "chia lại đất". Chất vấn thì các ông trả lời: Lãnh đạo huyện nói với chúng tôi "chuyển đổi ruộng đất nhưng thực chất là thu hồi và chia lại ruộng đất". Dù vậy, nhưng chính các ông Thắng, Nam cũng băn khoăn với sự việc ở xóm Bắc Sơn. Ông Bùi Văn Thắng đã nói rằng do đặc điểm về địa hình nên công tác chuyển đổi ruộng đất của xã Thanh Mai phức tạp, đặc biệt là ở xóm Bắc Sơn nên đã xẩy ra chuyện đơn thư khiếu nại.

Chúng tôi liên lạc với ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện (người trực tiếp chỉ đạo công tác chuyển đổi ruộng đất ở Thanh Mai) và ông Phan Thanh Ngân - Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Chương để làm rõ vấn đề này. Ông Phan Đình Hà và ông Phan Thanh Ngân khẳng định huyện Thanh Chương không hề chỉ đạo các xã trên địa bàn "thu hồi đất nông nghiệp" để "chia lại đất". "Theo tôi được biết, xã Thanh Mai hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất trong năm 2013. Nếu thông tin này chính xác thì cách thực hiện của Thanh Mai là quá cứng nhắc. Thẩm quyền thu hồi đất là của huyện chứ đâu phải của xã, xóm. Khi thu hồi đất cũng phải thực hiện đầy đủ quy trình, phải có bồi thường, đền bù... Huyện cũng không buộc các xã phải chuyển đổi ruộng đất đối với loại đất trồng cây lâu năm như chè. Tôi sẽ báo cáo lãnh đạo huyện để có hướng xử lý..." - ông Ngân nói.

Đất đai gắn liền với lợi ích của từng hộ gia đình, cá nhân nên công tác chuyển đổi ruộng đất là rất phức tạp, nhất là tại những khu vực có địa hình đồi núi như ở xã Thanh Mai. Tuy nhiên, dù là lý do gì đi nữa thì cách thực hiện chuyển đổi ruộng đất ở xóm Bắc Sơn là sai với hướng dẫn của Sở TN&MT. Nếu để tạo sự công bằng cho 30 nhân khẩu chưa được chia đất theo NĐ 64-CP, lẽ ra chính quyền xã Thanh Mai, tổ chuyển đổi ruộng đất xóm Bắc Sơn cần báo cáo rõ sự tình lên UBND huyện Thanh Chương, đề nghị huyện thu hồi đất nông nghiệp để chia lại theo đúng trình tự, đúng thẩm quyền. Khi thu hồi đất phải cân nhắc, tính toán thu hồi diện tích đất nào cho hợp lý, đồng thời, phải xét đến công sức của những người đã có công cải tạo, phục hóa đất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở xóm Bắc Sơn, ngoài ông Bùi Văn Hảo còn có một số gia đình bất bình với cách thực hiện của xóm. Anh Bùi Văn Nhâm (hộ được giao thửa đất trồng lúa của ông Bùi Văn Hảo) tâm sự: “Tôi cũng không đồng ý với cách thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp để chia lại, nhưng vì thấy nhiều người đồng tình, nghĩ có chống cũng chẳng được nên đành chấp nhận. Trước đây, đất của tôi vừa được xã giao, vừa nhận phục hóa có đến mười mấy thửa, diện tích đến hơn một ha, sau chuyển đổi ruộng đất đã bị mất khoảng hơn 4 sào...".

Thiết nghĩ, UBND huyện Thanh Chương cần sớm soát xét, chấn chỉnh lại công tác chuyển đổi ruộng đất của xã Thanh Mai sát đúng với chủ trương và hướng dẫn của tỉnh, không để ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các cá nhân liên quan.

Nhật Lân

Sớm điều chỉnh công tác chuyển đổi ruộng đất ở xã Thanh Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO