Sớm xây dựng nhà vệ sinh công cộng

09/12/2013 14:30

(Baonghean) - Là đô thị loại I, Thành phố Vinh được kỳ vọng trở thành trung tâm văn hóa chính trị của khu vực Bắc Trung bộ. Thế nhưng, cho đến nay việc quy hoạch hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân, nhất là du khách lại chưa được quan tâm đúng mức.

(Baonghean) - Là đô thị loại I, Thành phố Vinh được kỳ vọng trở thành trung tâm văn hóa chính trị của khu vực Bắc Trung bộ. Thế nhưng, cho đến nay việc quy hoạch hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân, nhất là du khách lại chưa được quan tâm đúng mức.

Chị Trần Thị Hương, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh từng tâm sự “Đi du lịch nhiều nơi, nhưng ở Vinh thì khá bất ngờ vì không tìm đâu ra nhà vệ sinh công cộng. Một lần cùng gia đình ra Vinh du lịch, đang đi dạo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thì cháu nhỏ đau bụng, tìm mãi không ra nhà vệ sinh nên vợ chồng tôi phải bắt taxi đưa cháu về khách sạn để giải quyết”. Theo chị Hương “có thể đây là vấn đề nhỏ, dễ giải quyết đối với người chính tại địa phương nhưng lại là vấn đề lớn đối với khách nơi xa đến như chúng tôi”.

Không riêng gì các trục đường chính mà ngay tại một số vườn hoa trên địa bàn thành phố, như: vườn hoa Cửa Nam; vườn hoa Tam Giác đều không thấy bóng dáng của công trình phục vụ nhu cầu hết sức tối thiểu này. Hay như tại khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh, nơi thường xuyên tập trung đông người đến vui chơi, tham quan, mặc dù có công trình nhà vệ sinh hiện đại, thế nhưng lại rất ít được mở cửa. Một số cán bộ, công nhân viên làm việc tại đây cho rằng, nhà vệ sinh chỉ được mở vào những dịp có tổ chức sự kiện quan trọng tại quảng trường, còn không thì đóng lại chứ không mở cửa thường xuyên...

Còn ở những điểm tập trung đông người như: Bến xe Vinh, Chợ Vinh, Ga Vinh, Công viên Trung tâm… có nhà vệ sinh nhưng công trình này lại do các đơn vị quản lý tại đó xây dựng nên có thu tiền. Tuy nhiên việc thu phí lại không theo một quy định nào và không được tẩy rửa thường xuyên nên rất mất vệ sinh. Bất cập hơn, mặc dù một nhà vệ sinh được xây dựng khá hoành tráng như ở khu C7, phường Quang Trung, thế nhưng nay cũng đóng cửa, với lý do địa điểm xây bất hợp lý nên bị người dân phản đối...

Nhà vệ sinh trước Nhà C7, phường Quang Trung nay trở thành ki-ốt làm quảng cáo
Nhà vệ sinh trước Nhà C7, phường Quang Trung nay trở thành ki-ốt làm quảng cáo

Liên quan đến việc quy hoạch xây dựng công trình vệ sinh công cộng, tìm hiểu được biết, theo Quyết định 265/QĐ.UBND-CN, ngày 19/1/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng hệ thống nút giao thông cầu vượt, bãi đậu xe và công trình vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố Vinh, toàn thành phố sẽ xây dựng tổng cộng 72 công trình nhà vệ sinh công cộng. Trong đó: Bố trí kết hợp tại các bến xe, bãi đậu xe 38 công trình loại cố định.

Riêng tại Quảng trường Hồ Chí Minh được bố trí theo quy hoạch chi tiết được duyệt, công trình bố trí ngầm sâu vào trong khu vực Núi Chung mô phỏng; Đối với các tuyến phố chính bố trí 18 công trình ở các chợ, 10 công trình kết hợp với công trình vệ sinh tại các cửa hàng xăng dầu và 6 công trình trên các tuyến phố chính, các điểm công cộng. Đơn cử như từ khu vực Nghi Liên đến chợ Vinh sẽ có 4 công trình; từ đường Hà Huy Tập đến khu vực Quảng trường bố trí 2 công trình… Tổng cộng sẽ có 10 tuyến phố được đặt rải rác các nhà vệ sinh công cộng.

Nhà vệ sinh trong khu vực Quảng trường khóa chặt cửa...
Nhà vệ sinh trong khu vực Quảng trường khóa chặt cửa...

Cũng theo Quyết định 265, đối với các công trình vệ sinh công cộng đặt tại các chợ sẽ được ban quản lý chợ đó quản lý có tổ chức thu phí dịch vụ. Nguồn vốn để xây dựng do các tổ chức, đơn vị quản lý chợ đó bỏ ra. Các công trình tại bến xe, bãi đậu xe do các tổ chức, cơ quan trực tiếp quản lý bến xe đó quản lý và thu phí. Riêng các công trình vệ sinh tại các công viên, vườn hoa sẽ do thành phố quản lý có thu phí, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, quyết định là vậy nhưng trên thực tế lại chưa được triển khai xây dựng.

Theo ông Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố, hiện tại chưa thực hiện được theo Quyết định 256, bởi vì hiện nay rất khó quy hoạch được địa điểm đặt nhà vệ sinh. Tại một số trục đường chính, trung tâm thì nhà dân đã xây dựng sát hai bên đường. Trong khi việc bố trí để đặt nhà vệ sinh cần phải đảm bảo hợp lý, vị trí phù hợp để có thể phát huy hiệu quả tính năng của công trình. Chứ không thể đặt nơi xa, khu vực khuất tầm nhìn, như vậy thì vừa lãng phí vừa không hiệu quả. Hơn nữa, do kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng đang còn eo hẹp, vì thế thành phố đang ưu tiên để nâng cấp các công trình trường học nên chưa thực hiện được.

Ông Phú Văn Phượng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Nghệ An còn cho biết thêm rằng việc không có công trình vệ sinh công cộng là một bất cập đối với một đô thị lớn. Vì vậy, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập thành phố, công ty đã phải bố trí một số nhà vệ sinh lưu động xung quanh khu vực quảng trường để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, cũng chỉ là phục vụ cho sự kiện đó, còn về lâu dài việc bố trí địa điểm rất khó, bởi thực tế ngay cả việc đặt một xe gom rác trên tuyến đường trước nhà dân đã bị phản đối, huống gì là một nhà vệ sinh... Đó cũng là lý do buộc nhà vệ sinh tại khu C7 phải đóng cửa lâu nay.

Rõ ràng, việc bố trí địa điểm để xây dựng, lắp đặt một công trình vệ sinh là không dễ, tuy nhiên không phải là không thể thực hiện. Đơn cử như tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đất chật người đông nhưng công trình vệ sinh công cộng vẫn được bố trí xây dựng. Chẳng lẽ, Thành phố Vinh lại không thể? Hy vọng rằng với sự quan tâm đúng mức, trong thời gian tới, thành phố sẽ quy hoạch được địa điểm hợp lý và có kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh công cộng, giải quyết nhu cầu tối thiểu cho người dân địa phương lẫn du khách, đảm bảo tiêu chí của một đô thị văn minh, hiện đại.

Q.A

Mới nhất

x
Sớm xây dựng nhà vệ sinh công cộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO