Sơn Thành: Đưa công nghiệp về làng
(Baonghean) - Sơn Thành, xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để phát triển bền vững, Sơn Thành đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp xuống còn 20%.
Về xóm 2, Sơn Thành những ngày này, ấn tượng không chỉ khung cảnh đổi thay do hệ thống đường bê tông 35 km trải khắp thôn xóm. Tiếng máy may công nghiệp của cơ sở sản xuất hàng gia công Dung Thúy tạo nên một cảm giác mới lạ. Chị Nguyễn Thị Phúc một công nhân của xưởng cho biết: Năm 2013, khi xưởng may thành lập em xin vào làm công nhân, sau thời gian thử việc, em được trả lương ổn định hơn 3 triệu đồng, ngoài ra, mỗi tháng còn có khoản xăng xe 100 ngàn đồng, ăn trưa 300.000 đồng”. Vóc dáng rắn rỏi, tác phong nhanh nhẹn, Phúc đã bắt kịp nhịp sống công nghiệp. “Em tính cho các anh nhé, ở quê em bình quân 1 khẩu 1 sào đất cấy lúa 2 vụ làm giỏi lắm cũng chỉ được 5 tạ thóc/năm bằng em làm 1 tháng ở xưởng may (lương em 3 triệu đồng với giá thóc 600.000 đồng/tạ, em mua được 5 tạ). Em mong ở quê có nhiều cơ sở sản xuất như thế này để bạn bè khỏi vào miền Nam”, Phúc chia sẻ.
Còn Nguyễn Thị Nga, xóm 4, Bảo Thành, 13 năm làm nghề may công nghiệp ở miền Nam, khi nghe ở quê mở xưởng may, Nga xin về đầu quân. Với tay nghề cứng, Nga được xếp làm tổ trưởng, lương tháng giao động từ 3,3 đến 3,5 triệu đồng. Nga tính toán, ở miền Nam tiết kiệm lắm mỗi tháng dư được 1 vài triệu, tích lũy cả năm về một cái tết là hết, năm nào có việc nhà về 2-3 chuyến là phải vay tiền bạn bè. Nay làm gần nhà có điều kiện chăm sóc bố mẹ, con cái. Ngày mùa, lễ, tết còn được nghỉ phụ giúp gia đình.
Theo lời kêu gọi của quê hương, vợ chồng chị Thủy, anh Dung đầu tư hơn 1 tỷ đồng lập xưởng may gia công cho công ty HAVINA Nam Đàn. Phân xưởng có 5 dây chuyền, thu nhận 60 công nhân con em trong vùng, trong đó 1/2 là con em của Sơn Thành. Chủ cơ sở đang có ý định mở rộng sản xuất để thu hút thêm 100 công nhân.
Rời cơ sở may Dung Thủy, chúng tôi tới thăm doanh nghiệp suối Mây chuyên sản xuất nước uống tinh khiết mang thương hiệu ANOVA ở xóm Rú Bạc. Hai chàng trai: Trần Bá Quân, kỹ sư chế tạo máy, Nguyễn Văn Thư kỹ sư ngành nuôi trồng thủy sản sau khi ra trường lặn lội ở phía Nam làm đủ nghề, nay về quê hương chinh phục dòng suối Mây. Xóm Rú Bạc có khe nước trong bao đời nay người trong vùng đến lấy về sinh hoạt. Hai chàng trai bàn nhau lấy mẫu nước đưa đi kiểm nghiệm, đạt mọi tiêu chuẩn bèn lập dự án sản xuất nước uống cung cấp cho bà con trong vùng. Với hơn 900 triệu đồng đầu tư ban đầu, cơ sở sản xuất nước uống Suối Mây ra đời. Theo đề án, sau 2 năm thành lập cơ sở này sẽ thu hút 40-50 lao động địa phương.
Những địa chỉ như thế đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Sơn Thành. Đó là công ty NTT chuyên tư vấn sản xuất vật liệu xây dựng do ông Nguyễn Hữu Năm làm giám đốc. Doanh nghiệp bỏ ra hơn 20 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất vật liệu hiện đại theo công nghệ chưng áp, công suất hàng chục triệu sản phẩm /năm, thu hút khoảng 100 lao động. Dự án nhà máy gạch ngói cao cấp do Công ty BMC làm chủ đầu tư chuẩn bị hoàn thành, sẽ thu hút 200-300 lao động. Dự án sản xuất giống nấm do kỹ sư sinh học Lê Văn Hải - một người con của Sơn Thành đang được triển khai. Khi dự án đi vào hoạt động, Sơn Thành không chỉ là một địa chỉ cung cấp giống cho địa phương, mà sẽ đảm nhận cung cấp cho cả khu vực miền Trung…
Về Sơn Thành hôm nay, một địa phương mang dáng dấp công nghiệp đang hình thành. Công nghiệp về làng đang thay đổi dần cách nghĩ, cách làm của bà con nơi đây. Để chuẩn bị cho làn sóng đầu tư, chính quyền địa phương đã có những tính toán kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Trí Trung - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã huy động nguồn lực của con em địa phương thành lập quỹ tín dụng, nhằm phần nào đáp ứng nguồn vốn cho nhà đầu tư, ưu tiên cho con em được đào tạo trên địa bàn. Các thủ tục hành chính, đất đai… được xã giải quyết nhanh chóng. Hiện Sơn Thành có khoảng 6.000 lao động trong độ tuổi, xấp xỉ 2.000 lao động đang ở nước ngoài, 1.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất phía Nam. Hiện tại còn 3.000 lao động ở địa phương. Trong đó, số lao động trong nông nghiệp là 2.000 người. Mục tiêu của xã trong những năm tiếp theo là thu hút các cơ sở sản xuất tạo việc làm cho khoảng 1.000 người. Chỉ để khoảng hơn 1.000 người hoạt động trong sản xuất nông nghiệp.
Công Sáng