“Sống” được nhờ xã hội hóa
(Baonghean) - Xã hội hóa văn hóa văn nghệ qua việc thành lập và duy trì hoạt động các CLB ở cơ sở là một trong những giải pháp được nhiều địa phương ở Nghi Lộc thực hiện có hiệu quả, góp phần khơi dậy và phát huy vốn văn hóa truyền thống.
N ói đến hoạt động văn hóa văn nghệ của Nghi Lộc, thì CLB văn nghệ quần chúng xã Nghi Lâm được coi là điểm sáng. Thành lập gần 20 năm với “số vốn” ban đầu gồm 10 thành viên, đến nay CLB này đã thu hút 32 thành viên với độ tuổi trung bình 25 tuổi. Anh Nguyễn Văn Hội – Chủ nhiệm CLB, cán bộ văn hóa xã, phấn khởi cho biết: Mỗi tháng CLB sinh hoạt một lần, còn lại tùy theo từng thời điểm, ví như để chuẩn bị cho Liên hoan Tiếng hát làng Sen 2013, CLB đã tổ chức tập luyện ròng rã 1 tháng trời và kết quả là đạt giải Nhất cụm, giải Nhì huyện. Liên tục từ khi thành lập CLB đến nay, Nghi Lâm luôn giành giải Nhất cấp cụm, riêng cấp huyện có hơn 10 năm liên tục giành giải Nhất.
Được biết, hiện ở Nghi Lâm, không chỉ 20 xóm có đội văn nghệ mà đến cả các đội tự quản cấp xóm cũng có đội văn nghệ. Để tổ chức một đêm giao lưu kéo dài 1 tiếng đồng hồ với khoảng 20 tiết mục (ca hát, múa phụ họa, kịch ngắn kịch vui), đội văn nghệ các xóm có thể hoàn thành nhẹ nhàng mà không cần đến sự chỉ đạo của cán bộ văn hóa xã. Để phong trào văn nghệ phát triển, đi vào chiều sâu, được người dân hưởng ứng, theo anh Hội điều quan trọng là mình phải biết khởi dậy niềm đam mê, làm thế nào để người dân thấy được chọn vào sinh hoạt ở CLB văn nghệ là niềm vinh dự của mỗi người. Và khi người dân đã yêu thích, thì kêu gọi sự đóng góp để cho đội văn nghệ hoạt động là hết sức đơn giản.
Tiết mục tham gia Tiếng hát Làng Sen của CLB Văn nghệ xã Nghi Kiều (Nghi Lộc).
Được biết, phong trào văn nghệ quần chúng ở Nghi Lâm phát triển mạnh còn có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo, chính quyền địa phương. Hầu hết kinh phí tập luyện của CLB mỗi dịp tham dự Liên hoan tại cụm, huyện, tỉnh đều được xã tạo điều kiện tối đa, từ kinh phí bồi dưỡng cho các thành viên tập luyện, đến kinh phí đi lại, ăn ở, thuê trang phục, nhạc cụ… Đó là động lực khuyến khích, động viên các thành viên trong CLB nỗ lực hơn trong hoạt động, khẳng định mình qua các hội thi, hội diễn.
CLB Dân ca xã Nghi Trung được thành lập từ năm 1999, ban đầu từ đội văn nghệ quần chúng của Hội người cao tuổi xã. Trong số 18 thành viên của CLB, có nhiều thành viên được đào tạo chính quy, như cụ Phùng Ngọc Thanh có thể sử dụng tất cả các loại nhạc cụ, cụ Nguyễn Đăng Xuyền từng là sinh viên khóa 2, Trường âm nhạc Việt Nam, cụ Du (năm nay 82 tuổi) là “tay vĩ cầm” xuất sắc của CLB… Số còn lại là những người có năng khiếu ca nhạc và lớn lên trong phong trào ca hát quần chúng. Hoạt động của CLB không chỉ góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa bàn xã, mà còn phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Vào các dịp lễ hội, CLB là lực lượng nòng cốt của xã tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân trên địa bàn và tham gia các hội thi do huyện, tỉnh tổ chức như các Lễ hội Đền Cuông, Đền Nguyễn Xí, Đền Hoàng Mười… Để CLB có thể duy trì hoạt động hiệu quả, ngoài sự đóng góp của các thành viên, thời gian qua CLB đã vận dụng, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã tài trợ một phần kinh phí. Tuy nhiên, trăn trở nhất của CLB hiện nay không phải là kinh phí, mà làm thế nào để thu hút ngày càng đông lớp trẻ tham gia sinh hoạt - Đó mới là điều đáng quan tâm.
Trung tâm Văn hóa huyện Nghi Lộc có vai trò rất quan trọng đối với việc thành lập và duy trì các CLB này ngày càng phát triển. Đến nay, Nghi Lộc đã có 36 CLB văn nghệ quần chúng, 5 CLB dân ca… Hàng năm, bên cạnh chỉ đạo, hướng dẫn các CLB hoạt động như thế nào cho hiệu quả, Trung tâm phối hợp với Trung tâm VHTT tỉnh, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các diễn viên không chuyên.
Ông Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nghi Lộc, cho biết: Huyện mới chỉ hỗ trợ cho CLB Dân ca Nghi Trung 10 triệu đồng để mua sắm nhạc cụ, trang phục. Còn hầu hết các CLB khác đều đang tự thân vận động. Và nhờ làm tốt công tác xã hội hóa mà nhiều CLB ngày càng phát triển và đã tạo được “thương hiệu” của mình. Tuy nhiên, nhìn chung yếu tố quyết định chất lượng hoạt động của các CLB vẫn còn gặp khó khăn về phương tiện, kinh phí. Bên cạnh đó, đa phần chủ nhiệm CLB và thành viên đã cao tuổi, lớp trẻ tham gia còn ít. Đây cũng là hạn chế rất lớn cho quá trình tồn tại và phát triển lâu dài của các CLB.
Thanh Thủy