“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

24/03/2012 12:56

(Baonghean) Họa sỹ Huỳnh Văn Thuận - người vẽ mẫu huy hiệu Đoàn từng kể lại niềm xúc động khi ông, chàng thanh niên 31 tuổi giữa Chiến khu Việt Bắc, cầm cây bút phác thảo những ý tưởng cuộn chảy trong lòng: “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ một điều rất đơn giản và tâm huyết rằng lớp thanh niên, đặc biệt là đoàn viên là những người tiên phong đi đầu cầm lá cờ đỏ sao vàng tiến lên dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng, của Đoàn. Học tập, lao động và chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu. Từ ý tưởng ấy, tôi chọn bàn tay cầm ngọn cờ phần phật tung bay trong tư thế sẵn sàng tiến bước”.

(Baonghean) Họa sỹ Huỳnh Văn Thuận - người vẽ mẫu huy hiệu Đoàn từng kể lại niềm xúc động khi ông, chàng thanh niên 31 tuổi giữa Chiến khu Việt Bắc, cầm cây bút phác thảo những ý tưởng cuộn chảy trong lòng: “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ một điều rất đơn giản và tâm huyết rằng lớp thanh niên, đặc biệt là đoàn viên là những người tiên phong đi đầu cầm lá cờ đỏ sao vàng tiến lên dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng, của Đoàn. Học tập, lao động và chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu. Từ ý tưởng ấy, tôi chọn bàn tay cầm ngọn cờ phần phật tung bay trong tư thế sẵn sàng tiến bước”.

Điều ấy cũng chính là điều cuộn chảy trong trái tim những người trẻ tiên phong 81 năm qua. Họ là người đoàn viên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”; là anh hùng Lê Mã Lương với lẽ sống: “Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến chống quân thù”, là Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân với hiệu lệnh: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”.



Hiến máu vì cộng đồng. Ảnh: Từ Thành.

Là Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, những cô gái Đồng Lộc, những chàng trai, cô gái Truông Bồn… và hàng ngàn thanh niên khác đã dâng hiến tuổi xuân của mình cho đất nước. Có những tuổi hai mươi đã nằm lại nơi một góc núi, một cánh rừng Trường Sơn, trên cung đường huyết mạch của những chuyến xe ra trận tuyến, có những “tuổi hai mươi thành sóng nước” trên dòng Thạch Hãn… Những tuổi xuân hóa thân vào đất đai xứ sở, để hôm nay, cây cỏ lên xanh, tiếng chim ban mai tha thiết đến nỗi người ta không thể liên tưởng đến một chiến trường tàn khốc, và chiến tranh đã lùi xa như nó chưa hề có trên mặt đất này…


Để rồi, từ các đội thanh niên xung phong cảm tử “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những phong trào “Năm xung phong”, “Ba sẵn sàng”…, bây giờ đã tiếp nối bằng những chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè”, “Mùa hè xanh”, phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Về nguồn”…Những người lính tuổi 20 lại vững tay súng nơi tuyến đầu. Có những tuổi xuân lặng lẽ nơi hải đảo, âm thầm gieo chữ vùng sâu, chìa cánh tay hiến máu cứu người bệnh…

Họ không chỉ đi đầu trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ mà cũng là những người đi đầu khai hoang phục hóa, làm xanh đồi trọc, trù phú những đầm bãi. Niềm vui, niềm ấm áp họ mang đến lan tỏa dưới mái nhà những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong tấm áo những đứa trẻ vùng cao, trong bát cơm thơm bà con vùng lũ. Và màu áo xanh đã trở thành quen thân đến độ tin yêu. Từ màu áo xanh chiến sỹ trên chiến trường, màu áo sáng những cô gái mở đường năm xưa, tới màu áo xanh thanh niên tình nguyện bây giờ là khoảng cách của các thế hệ, mà vẫn không xa xôi vì trong trái tim họ vẫn cháy ngọn lửa ấy: hy sinh và dâng hiến!


Cũng như câu hỏi mà liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc hẹn sẽ trả lời cho người anh yêu:“Hạnh phúc là gì?”, có phải đã được nói bằng sự hy sinh của chính anh, rằng: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Thơ Tố Hữu)?


Nghệ An cuối tuần

Mới nhất

x
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO