Sông Lam có dám làm "cách mạng"?
(Baonghean) - Án phạt lịch sử dành cho Đình Đồng đã thức tỉnh nhiều người, trong đó một đội bóng có truyền thống chơi quyết liệt, không ngại va chạm như SLNA đang đứng trước hai sự lựa chọn: thay đổi để thuyết phục người xem hay trung thành với những giá trị cũ để bảo đảm thành tích.
Chơi lăn xả theo kiểu “chết bỏ” từ lâu đã trở thành phương châm của đội bóng xứ Nghệ. Đến ngay như các cầu thủ trẻ, trước khi đặt chân vào “lò” Sông Lam cũng đã được giáo huấn về phong cách sống và chơi bóng mạnh mẽ.
Từ vụ việc của Đình Đồng, việc làm “cách mạng” về lối chơi là yêu cầu cấp thiết, đặt ra với đội bóng xứ Nghệ. |
Tất nhiên, chơi bóng theo kiểu “xả thân” thì không thể đẹp và quyến rũ người xem được, lại dễ khiến đối thủ phải gặp chấn thương. Tuy nhiên, có một điều nghịch lý là thành công của đội bóng xứ Nghệ trong hàng chục năm qua lại mang đậm dấu ấn của sự quyết liệt ấy, và người ta đã không ngần ngại khi gọi nó là là “đặc sản” của bóng đá Nghệ.
Nguyễn Anh Hùng nghỉ hết mùa giải sau chấn thương gãy chân |
HLV Nguyễn Hữu Thắng là người đi nhiều, biết nhiều và rất muốn làm cách mạng về lối chơi của SLNA. Không ai khác, ông thầy họ Nguyễn này đã chủ trương để các cầu thủ trình diễn thứ bóng đá đẹp, thuyết phục người xem. Trong kỷ luật, Hữu Thắng sẵn sàng đuổi một cầu thủ nếu chơi bóng ác ý, triệt hạ đối thủ. Trong quá khứ, không ít cầu thủ đã bị HLV Nguyễn Hữu Thắng “treo” vì chơi quá bạo lực, gây nguy hại cho đồng đội. Thế nhưng, để làm một cuộc “cách mạng” về lối chơi như HLV Nguyễn Hữu Thắng mong muốn cũng không phải là đơn giản, bởi bóng đá dường như phản ánh cả tính cách con người. Dân Nghệ vốn cục cằn, cầu thủ xứ Nghệ nổi tiếng về kỹ thuật như Công Vinh hay Văn Quyến cũng có lúc “lao vào đối thủ ầm ầm”, huống chi là những cái tên khác.
Yêu cầu về lối chơi đẹp cống hiến vì thế chưa hiệu quả, mà ngược lại, khi bị ép phải đá như vậy, thành tích của SLNA không được như ý muốn. Giai đoạn đầu mùa giải 2014 là ví dụ. Khi thể hiện lối chơi đẹp, cống hiến, thành tích của SLNA trở nên rất tồi tệ, họ có tới 3 trận thua liên tiếp. Vì rất nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực về điểm số, nên trận đấu với HV.An Giang, SLNA đã phải quay lại với lối chơi quyết liệt bằng những “đặc sản” cũ. Không đẹp, không hào hoa; thậm chí cầu thủ phải nhận rất nhiều thẻ phạt, nhưng mục đích quan trọng nhất là chiến thắng thì SLNA đã đạt được. Dư luận gọi chiến thắng của đội bóng xứ Nghệ là xấu xí, nhưng ít ai biết được rằng, 3 điểm có được khiến thầy trò Hữu Thắng như trút được cả tấn áp lực.
Ranh giới giữa sự quyết liệt và bạo lực nhiều khi rất mong manh. Có thể BHL và cầu thủ xứ Nghệ không bao giờ có tư tưởng chơi thứ bóng đá triệt hạ, nhưng khi sự việc xảy ra, cái tiếng xấu họ lãnh đủ. Từ sự việc của Đình Đồng hay trước đó là câu chuyện Văn Khánh bị loại khỏi U.19 Việt Nam vì lối chơi thô bạo, bóng đá Nghệ phải nhận đủ mọi lời chỉ trích. Thực tế đó đặt ra câu hỏi quen thuộc: SLNA có thực sự dám làm một cuộc “cách mạng” triệt để để hướng tới cái đẹp?
Thay đổi cả một trường phái bóng đá là chuyện dài lâu. Có thể phải mất 2 năm, 3 năm hay thậm chí là cả một thập kỷ, để tìm kiếm cái đẹp. Từ câu chuyện của Đình Đồng và khát khao xây dựng thứ bóng đá theo phong cách châu Âu của Hữu Thắng, người hâm mộ cho rằng, đã đến lúc những người làm bóng đá xứ Nghệ phải suy nghĩ nghiêm túc vấn đề và đặt ra một lộ trình. Khi xây dựng được kế hoạch một cách khả thi thì việc chờ đợi một vài năm hay thậm chí là lâu hơn nữa cũng là chuyện bình thường, bởi đã yêu SLNA thì sự kiên nhẫn luôn có thừa.
Đành rằng trong quá khứ, SLNA gặt hái được rất nhiều thành công từ lối chơi thiên về sức mạnh, sự quyết liệt. Tuy nhiên, sẽ là thuyết phục hơn nếu tương lai, đội bóng xứ Nghệ thống trị bằng kỹ thuật, sự hào hoa. Mảnh đất xứ Nghệ nhiều tài năng bóng đá, chúng ta có những bậc thầy về lối chơi theo kiểu nghệ sỹ, như Phan Thanh Tuấn trong quá khứ hay Công Phượng thời điểm hiện tại, và thực tế nếu tâm huyết thì không gì là không thể làm được.
Vĩnh Liêm