"Sóng ngầm" huy động vốn

15/04/2011 10:20

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An, nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đến 31-3-2011 ước đạt 31.150 tỷ đồng, Trong đó nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm gần 83% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn trung dài hạn chiếm 17,2%, giảm -9,5% so đầu năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An, nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đến 31-3-2011 ước đạt 31.150 tỷ đồng, Trong đó nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm gần 83% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn trung dài hạn chiếm 17,2%, giảm -9,5% so đầu năm.

Quý I, nguồn vốn huy động ngắn hạn tăng, trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn giảm, nguyên nhân do không có nhiều khoảng cách lãi suất giữa tiền gửi ngắn hạn và tiền gửi trung dài hạn. Trên thực tế vài năm gần đây, các ngân hàng đang đẩy mức lãi suất huy động 1 tuần, 2 tuần cũng xấp xỉ bằng lãi suất gửi 3- 4 tháng và ngược lại lãi suất huy động 12 tháng, 24 tháng lại thấp hơn các kỳ ngắn hạn.

Như vậy, người gửi tiền sẽ chọn các kỳ ngắn hạn. Trong khi đó dư nợ ngắn hạn ước chiếm 48,9%, dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 51,1% trong tổng dư nợ. Trên thực tế, nhu cầu vay vốn trung dài hạn luôn luôn lớn, nhưng các ngân hàng lại khó cho vay trung dài hạn vì chủ yếu huy động được nguồn vốn ngắn hạn, không thể cho vay dài hạn vượt mức sẽ gặp rủi ro về thanh khoản.

Trong khi Ngân hàng Nhà nước quy định, các tổ chức tín dụng không được sử dụng quá 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Cầu vốn trung dài hạn tăng, trong khi cung vốn trung dài hạn giảm, gây áp lực lên lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Thêm vào đó lạm phát của quý I đầu năm đã tăng lên tới 6,12%, gần hết mục tiêu lạm phát 7% Quốc hội đề ra cho cả năm. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã tăng 2,17% so với tháng 2 và dự kiến vẫn còn khả năng tăng thêm trong các tháng tiếp theo khiến kỳ vọng lạm phát của người dân tăng cao, đồng thời khiến lãi suất huy động trở nên kém hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.

Trước tình hình như vậy, để giữ chân khách hàng, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động, nhưng trần lãi suất huy động đã bị khống chế ở mức 14%/năm nên các ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ đã tìm mọi cách "lách" để hút vốn.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, ông Cao Văn Hợi- phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho biết: "trong quý I đã có 6 ngân hàng thương mại giảm mức huy động vốn, trong đó có những đơn vị giảm 20% so với đầu năm. Các tổ chức tín dụng huy động vượt trần ngày càng kín đáo hơn, với những món tiền lớn, thoả thuận lãi suất lên tới 17%/năm. Hình thức thưởng cho khách hàng cũng tinh vi hơn, không ghi vào sổ sách nhằm tránh sự kiểm tra và sΩn sàng đối phó với Ngân hàng Nhà nước".


Ông Trần Văn Tám- giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh Vinh cho rằng: "vẫn có làn "sóng ngầm" trong huy động vốn, mặc dù trong hệ thống ngân hàng đã ký cam kết nhưng sau đó việc ai nấy làm".


"Ngân hàng Eximbank chi nhánh Vinh mức huy động vốn trong cả 3 tháng của quý I chỉ tăng được 1% so với 31-12-2010. Riêng trong tháng 3-2011, Eximbank giảm nguồn hơn 100 tỷ đồng do khách hàng rút vốn để đầu tư vào bất động sản. Đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn vốn huy động của Eximbank Vinh đạt 720 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay lên tới 1.120 tỷ đồng. Ngân hàng đã phải luân chuyển nguồn trong hệ thống để đảm bảo cho vay trên địa bàn"- ông Đinh Ngọc Thanh, Phó giám đốc chi nhánh Vinh nói.


Hiện tỷ lệ nguồn vốn kỳ hạn ngắn của nhiều ngân hàng đã chiếm đến 60- 70% tổng nguồn vốn, tạo rủi ro kỳ hạn trong cơ cấu nguồn vốn. Đây chính là hệ quả tất yếu của việc gia tăng lãi suất ở kỳ hạn ngắn của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua.

Ông Vũ Văn Thắng- giám đốc Ngân hàng Maritimebank Vinh cho biết: sau 2 năm chính thức đi vào hoạt động tại Nghệ An, tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng chúng tôi đạt 280 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động kỳ hạn 1 tháng chiếm 70% tổng nguồn vốn, khiến chúng tôi rất khó khăn trong đầu tư cho vay vốn trung dài hạn.


Tích cực huy động nguồn vốn để cho vay là việc các ngân hàng thương mại luôn phải trăn trở, trong khi áp lực về lợi nhuận năm nay vẫn được các ngân hàng đưa ra ở mức cao cùng với sức ép tăng vốn điều lệ bắt buộc.

Do đó, việc cạnh tranh vốn lẫn nhau của các ngân hàng thương mại vẫn chưa có hồi kết. Đó là căn nguyên khiến lãi suất huy động hiện nay khó tuân thủ như Thông tư số 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định " tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam... bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm".


Lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng thương mại đang là 14%/năm. Lãi suất cho vay cao nhất trên 21%/năm. "Nhà nước hạn chế đầu ra của ngân hàng, huy động thấp- người dân không gửi, cho vay cao- khách hàng không vay. Lãi suất thấp, khách hàng rút tiền đầu cơ vào thị trường bất động sản và đang tạo nên thị trường ảo, bong bóng giá cả đất đai do các nhà đầu cơ đẩy lên. Lãi suất sao, những doanh nghiệp làm ăn thật sự thì không dám vay vốn vì sản xuất kinh doanh không đủ bù đắp chi phí trả lãi suất và hàng loạt chi phí khác"- ông Vũ Văn Thắng- giám đốc Ngân hàng Maritimebank Vinh nói.


Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, hiện nay tình hình kinh tế đang khó khăn, cùng với những dư âm của việc thâm dụng vốn của nền kinh tế trong một thời gian dài để tăng trưởng, khiến cho lạm phát càng khó kiểm soát.


Quỳnh Lan

Mới nhất

x
"Sóng ngầm" huy động vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO