Sống như những đóa hoa

(Baonghean) - Hôm vừa rồi cả nhà mình về quê đi qua đường Hồ Chí Minh. Đến đoạn thuộc xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn thì thấy người đông nghịt. "Có chuyện gì mà mọi người dừng lại xem đông thế? - Đồng hoa hướng dương, đẹp lắm!". Bim nhà mình reo lên: "Hoa hướng dương! Bim muốn xem hoa hướng dương!". Thế là cả nhà lục tục xuống xe, chiều theo ý cô công chúa nhỏ. 

Đã vào Đông nhưng trời vẫn đang đượm một màu nắng rất vàng, rất ấm. Có lẽ vì năm nay rét muộn, nên đến tháng Mười âm lịch mà vẫn còn được thấy loài hoa thường được trồng vào tiết Hè ấm nóng này. Bim bé tí đứng lọt thỏm giữa đồng hoa, nằng nặc đòi ngồi lên vai mình để được ngắm hoa hướng dương. Hai cậu cháu đi giữa cánh đồng, đầu con bé nhấp nhô trên biển hoa, màu tóc tơ ánh lên dưới nắng. Nó thủ thỉ: Cậu có biết truyền thuyết hoa hướng dương không? Hôm trước Bim vừa đọc trong sách truyện cổ tích nước ngoài, để Bim kể cho cậu nghe:
Cánh đồng hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn. 	Ảnh: Nguyễn Lê Thăng
Cánh đồng hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyễn Lê Thăng
"Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai tài, gái sắc yêu nhau tha thiết. Họ thường dạo chơi trên đồng cỏ bao la, ngửa mặt nhìn trời xanh với những tia nắng vàng ấm áp. Cô gái hỏi chàng trai: 
- Anh sẽ yêu em đến lúc nào?
- Đến khi bầu trời không còn màu xanh và mặt trời không còn ánh sáng nữa!
Tình yêu của họ như thế tưởng chừng sẽ là mãi mãi. Nhưng rồi một đêm nọ, chàng trai đến tìm cô gái và nói:
- Chúng ta chia tay nhé, anh không còn yêu em nữa.
- Nhưng anh đã nói rằng sẽ yêu em đến khi nào bầu trời không còn màu xanh, đến khi mặt trời không còn ánh sáng?
Chàng trai chỉ lên trời và nói: 
- Em hãy nhìn xem, bầu trời giờ chỉ còn một màu đen thăm thẳm, làm gì có mặt trời, chỉ còn những vì sao. Nói rồi chàng trai cất bước ra đi và biến mất trong màn đêm. 
Quá đau khổ, cô gái đi đến cánh đồng nơi hai người vẫn thường dạo chơi, ngồi khóc và tự nhủ sẽ chờ đến khi bình minh lên. Khi màu xanh trở lại với bầu trời, khi ánh nắng trở lại với đồng cỏ, người cô yêu sẽ trở về bên cô mãi mãi. Cô cứ khóc, khóc mãi, khi trời sáng cũng là lúc đôi mắt cô không còn nhìn thấy gì nữa. Từ đó thế gian với cô chỉ còn một màu tối tăm, lạnh lẽo. Nhưng cô gái vẫn ngồi lại bên đồng cỏ, ngửa mặt lên và cầu nguyện một ngày kia sẽ thấy lại ánh mặt trời...".
Thoáng mơ màng trong câu chuyện tình lãng mạn mà bi thương, con bé đã lấy ngay lại "phong độ" cụ non, bác học như thường lệ: "Hoa hướng dương chính là cô gái trong truyện hóa thân thành, nên loài hoa này luôn hướng về mặt trời là vì thế. Buổi sáng hoa sẽ quay mặt về phía Đông nhé, giữa trưa, khi mặt trời lên cao, hoa đứng thẳng, còn buổi chiều, khi mặt trời lặn, lại thấy hoa quay về phía Tây. Kỳ diệu cậu nhỉ? Thật ra bố Bim bảo chuyện cổ tích chỉ dành cho trẻ con thôi, còn hoa hướng dương xoay được là vì sau đài hoa có những phân tử không thích mặt trời, nên mặt trời ở đâu thì phân tử sẽ "điều khiển" đài hoa quay mặt về hướng đó, còn phân tử thì ung dung tránh nắng!". Mình phì cười, hỏi lại: "Thế Bim thích hoa hướng dương là cô gái chờ người yêu hay là phân tử tránh nắng? - Đương nhiên phân tử tránh nắng rồi, vì phân tử rất giống Bim. Mẹ cũng dặn Bim không được đi nắng, sẽ bị ốm. Chắc phân tử hoa hướng dương cũng mải chơi và trẻ con y như Bim cậu nhỉ?". Con bé líu lo lý luận, yêu ơi là yêu! 
Thế nhưng có lẽ đấy chỉ là phiên bản của nhóc Bim thôi. Còn người lớn như mình tất nhiên vẫn thích câu chuyện về cô gái si tình và đáng thương, mòn mỏi chờ đợi tình yêu như cây lá chờ mặt trời. Mình thậm chí gần như cảm nhận được hương vị vừa ngọt ngào, vừa bi thương ùa vào mọi giác quan từ sắc hoa vàng rực rỡ đến mức chói chang và có chút gì kiêu ngạo, cô độc. Phía trước có đôi trẻ đang chụp hình cưới, mình tặc lưỡi thầm nghĩ, nếu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ở đây, chắc chắn sẽ lấy ngay hình ảnh này cùng với truyền thuyết loài hoa hướng dương để minh họa cho những dòng ông từng viết trong cuốn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ": Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu. Nhưng đó lại cũng là lối nói cường điệu hiện thực một cách văn vẻ rồi. Bởi nếu không thì tại sao con người ai cũng muốn đi tìm cho mình một "mồ chôn",... Hoặc cũng có thể hiểu rằng, không có tình yêu đẹp đẽ và hạnh phúc lớn lao nào mà không đánh đổi bằng những câu chuyện buồn, những hiện thực trần trụi. Ngay đến loài hoa tam giác mạch xinh đẹp của Hà Giang cũng khởi nguồn từ những hạt giống bị lãng quên, nhưng rồi vẫn tái sinh và ấp ủ hy vọng về mầm sống nhỏ bé ở những nơi, những thời điểm mà nguồn sống của đất trời không vươn tới được...
Nếu cho mình viết lại câu chuyện về loài hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn, có lẽ sẽ là một câu chuyện ngây ngô đến mức buồn cười. Loài hoa được trồng với chủ đích để nuôi lấy dòng sữa ngọt thơm từ những đàn bò, nhưng cũng mang đến cho đời, cho người niềm hạnh phúc lớn lao được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên giữa cuộc sống hiện đại. Bởi, con người chính là một đóa hướng dương, dù đi đâu, làm gì cũng hướng mình đến những gì tươi đẹp và hơn thế nữa. Biết tôn vinh những thứ mộc mạc, gần gũi quanh ta để đem đến giá trị tinh thần và vật chất một cách chân chính, ươm mầm cho cuộc sống nở hoa. "Du lịch đồng hướng dương" ở Nghĩa Đàn, chính là viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường đáng yêu, đáng quý vậy!
Thục Anh

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.