Streptomycin có thể gây điếc, giảm thính lực
Cũng như các thuốc kháng sinh khác, streptomycin gây ra những tác dụng không mong muốn: Gây độc với tai, tổn thương dây thần kinh ốc tai và tổn thương dây tiền đình gây chóng mặt.
Đối với tai, khả năng độc đối với tiền đình ở trẻ em cao hơn người lớn. Ở người bệnh có chức năng thận bình thường, yếu tố chủ yếu liên quan đến độc tính là liều dùng hàng ngày và tổng liều điều trị trong một thời gian nhất định. Liều dùng hàng ngày càng cao và điều trị trong thời gian dài thì tác dụng phụ trên tai (giảm khả năng nghe và tai biến trên tiền đình...) càng lớn.
Ngoài ra, thuốc còn gây rối loạn thị lực (gặp ở 50% trường hợp), dị cảm (thường xảy ra quanh miệng và cũng có ở các vùng khác trên mặt và tay), viêm dây thần kinh ngoại biên.
Phản ứng dị ứng có thể gặp ngoại ban da (xảy ra ở 5% người bệnh 7 - 9 ngày sau mũi tiêm đầu tiên), ban đỏ, sốt, mày đay, phù Quincke. Một số người bệnh khi dùng thuốc có thể bị mất khứu giác một phần hoặc toàn bộ (sau điều trị một thời gian dài), viêm rễ thần kinh, viêm tủy và những biến chứng thần kinh khác.... Khi thấy xuất hiện các phản ứng không mong muốn của thuốc này cần ngừng ngay điều trị bằng streptomycin.
Khi dùng thuốc cần chú ý: Khởi đầu và định kỳ làm test kích thích nóng lạnh ở tai và kiểm tra thính lực khi điều trị bằng streptomycin dài ngày. Khi có biểu hiện ù tai, đánh trống tai hoặc cảm giác điếc ở tai cần thiết phải kiểm tra thính lực hoặc kết thúc đợt điều trị hoặc cả hai. Cẩn thận với người dùng streptomycin để tránh phản ứng mẫn cảm ở da thường xuất hiện vào tuần thứ 2 và 3.
Cũng như mọi chế phẩm tiêm bắp, chỉ tiêm streptomycin vào những cơ lớn và cẩn thận để giảm thiểu khả năng gây thương tổn thần kinh ngoại biên... Do thuốc có thể gây tổn thương bào thai (gây điếc ở trẻ sau này) nên không dùng thuốc cho người mang thai.
Theo Sức khỏe & Đời sống - NT