Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

07/07/2014 22:28

(Baonghean) - Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là một trong những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước đã được xây dựng, thể chế hóa thành luật. Ở Nghệ An, thực hiện chủ trương này bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, không những mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, giảm chi tiêu cho người dân mà còn góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường…

Xây dựng hầm biogas để sử dụng khí sinh học.
Xây dựng hầm biogas để sử dụng khí sinh học.

Giải pháp sống còn

Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan là một trong những doanh nghiệp lớn, đồng thời là khách hàng tiêu thụ điện “khủng” nhất Nghệ An, mỗi năm tiêu thụ trên dưới 40 - 50 triệu KWh điện, tương đương với số tiền phải chi trả lên tới hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân là do dây chuyền máy kéo sợi được đầu tư trước đây đã cũ lại phải chạy liên tục 3 ca, hệ thống bóng đèn chiếu sáng làm bằng sợi đốt nên rất tốn kém năng lượng. Từ năm 2011, thực hiện Luật Tiết kiệm năng lượng và được sự hỗ trợ, khuyến khích của ngành Điện, Công ty đã có nhiều giải pháp đầu tư, đổi mới các thiết bị thay thế nên sử dụng điện ngày càng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Nhờ vậy, mỗi năm giảm được khoảng 5% sản lượng điện. Để tiếp tục thực hiện tiết kiệm điện trong sản xuất, Công ty ưu tiên nguồn vốn để lắp đặt, thay thế các thiết bị nhằm tiết kiệm điện, giảm chi phí…

Một điển hình khác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng ở tỉnh ta là Công ty CP Trung Đô. Giám đốc Nhà máy Granite Trung Đô, ông Lê Xuân Đạt cho biết: Do xây dựng sau nên tiêu chí đầu tiên khi xây dựng Nhà máy là lắp đặt dây chuyền hiện đại, tiết kiệm điện và nhiên liệu. Đơn vị đã chấp nhận đầu tư hàng trăm tỷ đồng để có dây chuyền sản xuất gạch hiện đại từ Châu Âu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất gạch và ngói tiêu tốn sản lượng điện khá lớn, mỗi năm khoảng 10 triệu KWh điện, chiếm 5,2% cơ cấu giá thành sản phẩm nên Công ty luôn ưu tiên tìm giải pháp để tiết kiệm năng lượng. Nhờ có nhiều sáng kiến trong vận hành nên Công ty đã tiết kiệm được gần 10 tỷ đồng/năm, góp phần giảm chi phí giá thành và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, các doanh nghiệp lớn khác trên địa bàn Nghệ An như Tập đoàn TH, Tổng Công ty rượu bia Sài Gòn Sông Lam, Công ty bao bì Sabeco Sông Lam hay Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh… xuất phát từ lợi ích của mình đã và đang có nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần để Nghệ An mỗi năm tiết kiệm hàng chục triệu KWh (năm 2013 là 27,563 triệu KWh điện)…

Một nội dung tiết kiệm năng lượng khác góp phần làm sạch và bảo vệ môi trường trên địa bàn Nghệ An là sử dụng các năng lượng tự nhiên. Theo khảo sát của ngành chuyên môn, Nghệ An là một trong những địa phương có chỉ số bức xạ năng lượng mặt trời cao nhất nước. Do đó, trên địa bàn đã xuất hiện một số mô hình ứng dụng năng lượng tự nhiên vào cuộc sống rất đáng được biểu dương, nhân rộng. Đó là ứng dụng của ngành Giao thông khi lắp đặt pin mặt trời cho một số biển cảnh báo an toàn giao thông tại một số điểm giao nhau trên quốc lộ và tỉnh lộ; một số đơn vị quân đội ở biên giới hoặc hải đảo chưa có điện lưới quốc gia đã lắp đặt pin mặt trời thắp sáng, quạt điện, xem ti vi. Và mới đây nhất, dự án lớn nhất dùng năng lượng pin mặt trời tại Nghĩa trang Quốc tế Việt – Lào ở huyện Anh Sơn. Ông Trần Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào cho biết: Dự án triển khai lắp đặt từ 2011 nhưng mới vận hành chiếu sáng gần 3 tuần. Với 120 cọc bóng đèn lớn đã lắp và 11 ngàn bóng đèn nhỏ dự kiến lắp ở các khu mộ đều sử dụng năng lượng mặt trời sẽ thắp sáng toàn bộ nghĩa trang. Dùng năng lượng mặt trời, hệ thống bóng chiếu sáng này rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở Anh Sơn nhiều nắng mà lại đảm bảo mỹ quan, tiết kiệm và an toàn. Cũng sử dụng năng lượng mặt trời, thông qua cơ chế hỗ trợ, nhiều tòa nhà và các hộ gia đình ở Nghệ An đã bước đầu đầu tư, lắp đặt bình nước nóng dùng pin mặt trời với 550 hộ lắp đặt trong 2 năm 2012 - 2013.

Một giải pháp nữa đang thực hiện phổ biến, cho hiệu quả khá rõ nét trên địa bàn tỉnh là sử dụng năng lượng khí sinh học thông qua tái tạo. Đây là giải pháp thể hiện rõ nhất mục đích bảo vệ môi trường khi sử dụng các chất thải để trở thành năng lượng phục vụ cuộc sống mà điển hình nhất là công nghệ hầm biogas trên lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án trên lĩnh vực này được triển khai từ năm 2003, từ khi chưa có Luật Tiết kiệm năng lượng nhưng đã thực sự trở thành phong trào lớn ở nông thôn. Trong 11 năm, Dự án Hỗ trợ chăn nuôi đã hỗ trợ nông dân Nghệ An xây dựng được gần 8.400 công trình khí sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững. Một số huyện đi đầu trong ứng dụng khí sinh học như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu…

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra dự án khí sinh học ở Đô Lương.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra dự án khí sinh học ở Đô Lương.

Cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả

Sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mà còn bền vững vì nó giải bài toàn phát triển nhưng bảo vệ môi trường cho cộng đồng. Tuy vậy, theo đánh giá chung, việc ứng dụng năng lượng tự nhiên vào sản xuất, đời sống còn hạn chế.

Trước hết là về tiết kiệm điện, do điều kiện kinh phí hạn chế nên đến thời điểm này, chính sách mới dừng lại ở tuyên truyền cho người dân, chưa có hỗ trợ lớn về vật chất. Ngay cả việc lắp đặt bình nước nóng dùng năng lượng mặt trời là giải pháp rất tốt nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, rào cản về mặt kỹ thuật khi không phải gia đình nào cũng đáp ứng được. Ngay một cán bộ của ngành Điện lực Nghệ An cho biết gia đình họ rất muốn lắp bình nước dùng điện mặt trời nhưng cũng phải chào thua vì thiết kế, lắp đặt khá phức tạp; nhà đã ở thì không muốn tháo dỡ, đục sửa.…

Bên cạnh đó, Nghệ An dù nắng nhiều nhưng không phải nơi nào cũng lắp đặt được pin mặt trời, riêng miền núi vốn rất cần nhưng chỉ có ở một số điểm như Tương Dương, Con Cuông hay Anh Sơn lắp được còn các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Quế Phong, do số giờ nắng ít, độ ẩm lớn nên lắp đặt kém hiệu quả. Về giải pháp xây dựng hầm khí sinh học, thời gian gần đây do dịch bệnh thường xuyên xẩy ra, chăn nuôi kém hiệu quả, sự hỗ trợ của nhà đầu tư chỉ đảm bảo từ 10 -15% dự toán công trình nên tốc độ đầu tư ứng dụng khí sinh học khu vực nông thôn cũng đang có xu hướng chững lại.

Phải khẳng định rằng, việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng là yêu cầu tất yếu đối với 1 đơn vị DN để tồn tại trong cơ chế hiện nay. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, nhất là dùng các năng lượng tự nhiên hay khí sinh học bằng tái tạo năng lượng từ chất thải còn góp phần giảm khí thải và xử lý chất thải. Đây là yêu cầu có tính bắt buộc nên dù muốn hay không chúng ta phải thực hiện. Sắp tới, theo lộ trình tỉnh sẽ có một số chính sách và đầu tư một số dự án đổi mới, tiết kiệm năng lượng vào 2 nhóm chính là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách. Nghệ An là tỉnh nghèo, tình trạng ô nhiễm môi trường một số nơi đang ngày càng có xu hướng lan rộng và khó kiểm soát. Các nguồn sản sinh ra năng lượng như thủy điện, nhiệt điện ngày càng cạn kiệt và đắt đỏ hơn, khi đầu tư cũng phải tính toán đến vấn đề môi trường, dân cư….

Về phía ngành chức năng, trong điều kiện tỉnh chưa có nhiều kinh phí để hỗ trợ trực tiếp nên việc cần làm lúc này là tuyên truyền có chiều sâu và cụ thể hơn để doanh nghiệp và người dân thấy được lợi ích của mình để sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Mặt khác, cùng với tôn vinh kịp thời những dự án, đơn vị ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng vào sản xuất, đời sống, chúng ta cũng phải phê phán và có chế tài xử lý đối với đơn vị sử dụng lãng phí năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, cùng với hướng tới khai thác những nguồn năng lượng mà Nghệ An có thế mạnh như nắng, gió, nước… thì tỉnh cần khuyến khích sử dụng các vật liệu không nung, hạn chế những dây chuyền, công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng, nhiên liệu vì điều đó không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến đời sống và môi trường xung quanh.

Nguyễn Hải

Mới nhất
x
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO