Sự im lặng của… trách nhiệm
(Baonghean) Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa rồi, nhiều đại biểu chất vấn về nạn phá rừng, buôn gỗ lậu và tình trạng ô nhiễm môi trường, câu hỏi nào cũng được giải trình cụ thể, riêng câu hỏi “trách nhiệm thuộc về ai” thì chưa được trả lời chính xác.
Một số vụ việc tiêu cực trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản xảy ra tại Nghệ An cách đây vài năm đã được xử lý, nhưng hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm thì chưa có câu trả lời. Có dự án khi động thổ khai trương thì rầm rộ, nhưng khi dự án đổ bể thì lại chẳng biết hỏi trách nhiệm ở đâu. Trong các cơ quan công quyền, tình trạng gây khó khăn phiền hà cho người dân vẫn xảy ra, nhưng khi hỏi trách nhiệm những người trong bộ máy quản lý cán bộ, công chức thì không có lời giải đáp. Khi đơn vị cấp dưới mắc sai lầm, khuyết điểm, nếu cấp trên về làm việc hỏi lãnh đạo cấp dưới ai là người chịu trách nhiệm thì chắc chắn câu trả lời sẽ vẫn là sự.. lặng im...
Thực tế hiện nay ở một số cơ quan, đơn vị, thành tích thì lãnh đạo được khen; sai lầm, khuyết điểm thì tìm cách đổ lỗi cho cấp dưới. Làm việc thiếu trách nhiệm là hậu quả của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, trong đó có những cán bộ đứng đầu cơ quan, đơn vị. Lối làm việc thiếu trách nhiệm lây lan từ thủ trưởng đến cán bộ, nhân viên trong không ít cơ quan như một căn bệnh nguy hiểm nhưng không ai chịu trách nhiệm.
Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI) của Đảng nêu rõ 1 trong 3 vấn đề cấp bách hiện nay là: “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”. Làm được như vậy thì những câu hỏi về trách nhiệm người đứng đầu mới được trả lời minh bạch.
Trần Hồng Cơ