Sự thật về "hành động gây hấn" trên Biển Đông
(Baonghean.vn)- Những bức ảnh vệ tinh cho thấy quy mô cải tạo đất của Trung Quốc trên Biển Đông đã châm ngòi các cuộc tranh luận về nước gây hấn lớn nhất và nguyên trạng trên vùng biển này.
Ảnh chụp từ vệ tinh ngày 17/4 và 5/6 cho thấy tốc độ và quy mô cải tạo của Trung Quốc tại Đá Xu Bi thuộc Biển Đông. Ảnh: The Diplomat. |
Cụ thể, khái niệm “gây hấn” đã được đề cập trong Nghị quyết 3314 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 14/12/1972. Gây hấn là việc một nước sử dụng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một nước khác, hay theo bất cứ cách nào khác trái với Hiến chương Liên hợp quốc. Quốc gia bị gây hấn có quyền tự vệ.
Hoạt động cải tạo đất gần đây trên Biển Đông gắn chặt với vấn đề về các tuyên bố chủ quyền. Bằng chứng lịch sử chứng minh rằng Việt Nam là nước đầu tiên thực thi chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ 17. Trái lại, Trung Quốc chỉ bắt đầu quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa vào năm 1909 và tuyên bố các đảo này là điểm cực Nam của lãnh thổ nước này vào năm 1932. Trung Quốc cũng là nước sau cùng đặt chân lên Quần đảo Trường Sa năm 1988 sau khi sử dụng vũ lực bắn chìm 3 tàu Việt Nam và sát hại 64 người Việt Nam trong tay không hề có vũ khí. Philippines quan tâm tới Quần đảo Trường Sa vào cuối những năm 1950, trong khi Malaysia chú ý đến phần phía Nam của các đảo này vào những năm 1980.
Bước đầu tiên mà bất cứ nhà nước có chủ quyền nào bị tấn công bằng vũ lực sẽ làm là tăng cường các đơn vị đồn trú để ngăn cản bất cứ sự xâm phạm chủ quyền nào. Năm 1988, Việt Nam đã tăng thêm binh lính trên 21 thực thể thuộc Quần đảo Trường Sa và đã thông báo rõ ràng với toàn thế giới rằng nước này đang làm như vậy. Philippines đã đóng quân trên 8 thực thể, Trung Quốc trên 9 thực thể và Đài Loan trên 1 thực thể. Malaysia đã gia tăng chiếm đóng từ 3 vào năm 1980 lên 5 thực thể vào năm 1999.
Trong bài viết mới đây cho tờ The Diplomat, Greg Austin đã viết: “Đến năm 2015, theo Chính phủ Mỹ, Việt Nam chiếm 48 thực thể và Trung Quốc chiếm 8”. Trước hết, Austin đã trích dẫn sai những bình luận của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, David Shear, vào ngày 13/5. Shear thực tế đã nói rằng “Việt Nam có 48 tiền đồn”, nhưng Austin đã viết là “thực thể” thay vì “tiền đồn” trong phần đầu tiên của bài viết của ông này.
Thứ 2, việc xem xét kỹ lưỡng hơn bản chất hành vi của Việt Nam trên Biển Đông không chỉ giới hạn trong con số thống kê đó là rất quan trọng. Chẳng hạn, năm 1995, nhằm giảm thiểu các căng thẳng và tạo ra các điều kiện thuận lợi để giải quyết tranh chấp, Việt Nam là nước đầu tiên kêu gọi các nước khác có liên quan giữ gìn nguyên trạng. Tổng quan hơn, Việt Nam có xu hướng hạn chế các “tiền đồn” trên các thực thể của nước này, chỉ bao gồm một số điểm quan sát nhằm đảm bảo sự quản trị thích đáng cũng như an ninh trước sự xâm lược ngoại bang. Chẳng hạn, trên Bãi Thuyền Chài dài 17 hải lý và rộng 3 hải lý, Việt Nam có 1 đơn vị đồn trú tại trung tâm và 2 tiền đồn quan sát ở các điểm cuối cùng của bãi cạn này.
Dựa vào đây, hoàn toàn không công bằng khi so sánh các hoạt động của Việt Nam trên Biển Đông với hành vi của Trung Quốc. Theo các bình luận của Đại tướng Phùng Quang Thanh hôm 1/6, Việt Nam vẫn duy trì các tiền đồn trên 9 đảo và 12 đá. Nhưng việc sở hữu một số tiền đồn trên một thực thể tự nhiên không giống với việc cải tạo đất nhằm tạo ra một thực thể lớn gấp nhiều lần so với kích thước ban đầu để xây dựng một phức hợp quân sự, như Trung Quốc đang làm.
Thứ 3, cần phải phân biệt các hoạt động của Trung Quốc với các hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền khác và phải rõ ràng về những hậu quả của các hành động của Bắc Kinh. Hoạt động xây dựng do Việt Nam, Philippines và Malaysia đều bắt đầu trước khi ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002. Chúng có những điểm tương đồng: chúng được tiến hành trên các đảo và đá mà về mặt tự nhiên được nước biển bao quanh khi triều lên; chúng nhằm ngăn cản sự xói mòn và cải thiện mức sống, chúng bao gồm các vật liệu được chuyển đến từ đất liền, chúng diễn ra trên các thực thể đang ngày càng được dân sự hóa và bắt đầu mở cửa đón khách du lịch, chúng không bao gồm các vũ khí hạng nặng, chúng nhằm phòng thủ chứ không tạo ra các căn cứ quân sự mà có thể đe dọa các quốc gia khác, và chúng không làm thay đổi bản chất của các thực thể.
Hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trên các bãi nổi khi triều xuống (LTE) cách xa đất liền Trung Quốc khoảng 1000 km đã bắt đầu từ năm 1988 và đã diễn ra với tốc độ rất nhanh và quy mô lớn. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã mở rộng khu vực cải tạo đất từ 20 héc-ta lên 810 héc-ta. Tại Xu Bi, một LTE, tốc độ cải tạo đất từ tháng 5 đến tháng 6/2015 là 8 héc-ta/ngày, biến LTE này thành căn cứ quân sự có diện tích khoảng 3,87 km2 có khả năng xây dựng đường băng dài khoảng 3 km. Phải nhớ rằng toàn bộ khu vực bao quanh tất cả các đảo và đá trong quần đảo Trường Sa không lớn hơn 10 km2, trải dài trên vùng biển có diện tích từ 160.000 đến 180.000 km2.
Bên cạnh quy mô của các hoạt động này, hành vi của Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực và vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc sử dụng các tàu nạo vét lớn nhất thế giới để phá hủy hệ sinh thái đá ngầm san hô nhằm khai thác nguyên liệu. Việc này gây thiệt hại cho hơn 300 héc-ta đá ngầm san hô, tổn thất ban đầu ước tính hơn 100 triệu USD/năm cho các nước tại Biển Đông, dĩ nhiên là bên cạnh thiệt hại gây ra cho môi trường nơi đây. Và như nhiều nước khác đã chỉ rõ, việc Trung Quốc làm biến đổi các LTE thành các đảo nhân tạo, kèm theo đó là các yêu cầu trao cho các đảo này địa vị pháp lý của đảo tự nhiên và công nhận vùng lãnh hải 12 hải lý và thậm chí là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc là bên tham gia ký kết.
Trái lại, hoạt động cải tạo đất của Việt Nam chỉ bằng 0,2% hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc được tiến hành trong tháng 3/2015. Trung Quốc đã tuyên bố rằng hoạt động xây dựng trên các LTE này nhằm mục đích bảo vệ biển, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm và cứu hộ. Tuy nhiên, hơn hết thảy, chúng được thiết kế để trở thành các căn cứ quân sự được trang bị các vũ khí hạng nặng, các cảng và sân bay. Hậu quả của việc làm này là rất khủng khiếp. Dựa vào phạm vi và tốc độ cải tạo đất của Trung Quốc, thế giới có lý do để quan ngại về mối đe dọa đến tự do hàng hải, ít nhất là quanh phạm vi 12 hải lý tính từ nơi diễn ra hoạt động xây dựng của Trung Quốc. Ngoài ra, những căn cứ này có thể trở thành các điểm xuất phát của các lực lượng cảnh sát biển, hải quân và kiểm ngư Trung Quốc để xua đuổi, bắn, cướp phá các tàu cá của Malaysia, Phillipines và Việt Nam, trong khi thiết lập một lệnh cấm đánh bắt cá trong khu vực này và thúc đẩy yêu sách “đường chín đoạn” trên Biển Đông.
Các căn cứ của Trung Quốc rõ ràng là mang bản chất tấn công và đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực. Đây là lý do Mỹ, G7 và các nước khác cảm thấy buộc phải lên tiếng phản đối. Nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động trên Biển Đông, điều này có khả năng kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực khi các nước nhỏ hơn cảm thấy cần phải đầu tư nhiều hơn vào vũ khí như là cách duy nhất bảo đảm an ninh và chủ quyền của họ. Bởi vì trên Biển Đông, Trung Quốc dường như không chỉ đang vi phạm luật pháp quốc tế, mà còn đang đặt ra những luật lệ của riêng nước này.
Thu Giang
(Theo The Diplomat)
TIN LIÊN QUAN