Sự thật về thực phẩm chức năng
(Baonghean) - Báo Nghệ An cuối tuần số 9298 ngày 27/1/2013 có bài “Nhờ các cơ quan chức năng giải đáp” của tác giả H.V, nêu ý kiến của người dân Chi Khê – Con Cuông băn khoăn về thực phẩm chức năng (TPCN) “Thanh tâm tạng dược ương khoa” của Công ty Bác Lực đang tiến hành quảng bá ở đây.
(Baonghean) - Báo Nghệ An cuối tuần số 9298 ngày 27/1/2013 có bài “Nhờ các cơ quan chức năng giải đáp” của tác giả H.V, nêu ý kiến của người dân Chi Khê – Con Cuông băn khoăn về thực phẩm chức năng (TPCN) “Thanh tâm tạng dược ương khoa” của Công ty Bác Lực đang tiến hành quảng bá ở đây.
Người dân phản ánh trong vòng 5 ngày liền, Công ty Bác Lực tổ chức tuyên truyền về tác dụng chữa bách bệnh của TPCN, tặng thuốc cho bà con dùng thử (thấy có một số công hiệu), rồi bán cho bà con với giá “ưu đãi”, lập “thẻ hội viên”... Chúng tôi đã từng biết rõ về Công ty Bác Lực và sản phẩm TPCN của công ty này, xin được trao đổi cùng bà con để có thông tin chính xác và có sự lựa chọn sáng suốt đối với “Thanh tâm tạng dược ương khoa” của Công ty Bác Lực nói riêng cũng như sản phẩm TPCN nói chung.
Tra cứu thông tin về doanh nghiệp trên internet cho biết, công ty này vốn có tên là Công ty TNHH Sinh vật Bác Lực Khang Trung Quốc do ông Chen Mincai làm giám đốc, 100% vốn nước ngoài. Trụ sở ở Việt Nam của công ty đóng tại số 141, tổ 6, Thị trấn Đông Anh, Hà Nội, do một người Việt làm giám đốc đại diện. công ty này đến rất nhiều địa phương tổ chức “hội thảo, phát TPCN miễn phí” và tung ra các “chiêu” có tính chất khoa trương, thiếu trung thực để tìm cách bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Sản phẩm “Thanh tâm tạng dược ương khoa” được giới thiệu có 6 thảo dược (Hồng cảnh thiên, Hồng hoa, Sa cức, Sơn tra, Cát căn, Bách hợp). Thế nhưng tại Hà Tĩnh, nhân viên Công ty Bác Lực giới thiệu trong sản phẩm này có đến 120 dược liệu, trong đó có những thứ quí hiếm như nhân sâm, linh chi... và chữa được rất nhiều bệnh. Tại Lai Châu, công ty này còn quảng cáo TPCN của họ có thể làm “tan các u bướu”, “thông các khớp”...(?!).
Sản phẩm “Thanh tâm tạng dược ương khoa” của Công ty Bác Lực có nguồn gốc từ Trung Quốc, được quảng bá như “thần dược”.
Những việc làm nói trên của Công ty Bác Lực đã vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý sản phẩm TPCN. Thực phẩm chức năng là những sản phẩm được chế biến để bổ sung chất dinh dưỡng, bồi bổ sức khoẻ. Theo quy định, trên nhãn, bao bì thực phẩm chức năng bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”. Việc Công ty Bác Lực giới thiệu về tác dụng chữa bệnh của TPCN là trái quy định, có tính chất lừa đảo người tiêu dùng. Việc công ty tổ chức hội thảo, sau đó bán sản phẩm cho người dân cũng là trái quy định.
Mặt khác, TPCN không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu do Nhà nước quản lý giá, nên doanh nghiệp có thể tự định giá sản phẩm. Do đó, việc Công ty Bác Lực cho rằng họ bán cho người dân với giá “ưu đãi”, thấp hơn quy định của Bộ Công Thương là không trung thực.
Về việc sau khi uống TPCN được phát miễn phí, một số người dân cho rằng hôm sau về có cảm giác đỡ đau lưng, người già lên xuống cầu thang dễ dàng hơn. Việc này khiến người dân nghĩ TPCN của Công ty Bác Lực có tác dụng như “thần dược”, song thực chất họ đã lầm. Như định nghĩa, TPCN chỉ là thực phẩm có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng, bồi bổ cơ thể. Tác dụng của TPCN (nếu có), phải lâu dài, từ từ chứ không thể uống hôm trước, hôm sau đã thấy công hiệu như thuốc chữa bệnh cấp tính. Tác dụng đó theo tham khảo của một số bác sĩ, có thể do trong TPCN có một số chất có tác dụng an thần, giảm đau hoặc do tác động của yếu tố tâm lý, thậm chí có người còn nghi ngờ trong đó có chất gây nghiện, độc hại. Khi chúng tôi hỏi về vấn đề này, ông Trịnh Nam Triều, trưởng nhóm của Công ty Bác Lực tại Hà Tĩnh cho biết: “Nếu người dân sử dụng sản phẩm này mà có vấn đề, thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm, bị rút giấy phép, bị kỷ luật…”. Tuy nhiên, ông lại không nói rõ khi người dân bị thiệt hại thì được bồi thường như thế nào.
Công ty Bác Lực đã bị nhiều cơ quan báo chí phản ánh về những việc làm lợi dụng lòng tin người dân, nhất là đối tượng người già, những người dân vùng sâu, vùng xa thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Năm 2012, Công ty Bác Lực đã bị thanh tra Sở Y tế Phú Yên xử phạt 25,5 triệu đồng với hành vi sai phạm: Quảng cáo không đúng nội dung đăng ký, nhãn mác sản phẩm không đúng quy định, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… Chúng tôi cho rằng, việc để cho Công ty Bác Lực “tung hoành” như trên, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Cơ quan chức năng chỉ cấp giấy phép, giới thiệu công ty hoạt động nhưng không tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, còn chính quyền địa phương cũng không hiểu rõ các quy định về quản lý TPCN nên buông lỏng, dẫn tới người dân “tiền mất tật mang”, đến khi phát hiện ra chân tướng sự việc thì kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay và đi nơi khác để “đánh quả”. Vì vậy, để hạn chế những hành vi trái quy định, lừa đảo người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, cung cấp số điện thoại nóng cho người dân để xử lý kịp thời. Đồng thời Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý TPCN.
Trần Quang Đại (Tạp chí Văn hóa Nghệ An)