Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Nhiều điểm mới được đề cập
(Baonghean) - Ngày 15/3 vừa qua, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết việc thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Đây là hội nghị có tính quy mô nhằm đánh giá toàn diện thực tiễn thi hành bộ luật hình sự và làm cơ sở cho việc sửa đổi đạo luật này trong thời gian tới. Có thể nói, không có đạo luật nào tác động đến người dân lớn như luật hình sự - lĩnh vực có thể gây hệ quả trực tiếp định đoạt mạng sống. Vì vậy, việc sửa đổi Bộ luật hình sự có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Từ khi ra đời, Bộ luật Hình sự năm 1999 là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của công dân, tổ chức và Nhà nước, có thể khẳng định BLHS đã quy định một cách tương đối có hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự, đã hình sự hóa được nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện và khoa học. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình đất nước đã có những thay đổi mạnh mẽ và to lớn, BLHS đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, năm vừa qua, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp năm 2013, do đó yêu cầu sửa đổi BLHS càng trở nên cấp thiết.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Phó Giám đốc Công an tỉnh trình bày tham luận tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Nhật Lân |
Việc sửa đổi lần này tập trung vào một số hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa được đưa vào BLHS như: trách nhiệm hình sự của pháp nhân; hình sự hóa hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức và hành vi tham nhũng; phân loại tội phạm; làm rõ vấn đề định lượng liên quan đến khung hình phạt; làm rõ nguồn của BLHS, theo đó tội phạm và hình phạt được quy định chủ yếu trong BLHS nhưng cũng phải được quy định trong những bộ luật khác; chính sách hình sự đối với vị thành niên; nghiên cứu áp dụng án treo, hình phạt tiền để tăng tính răn đe và phát huy được tác dụng; đặc biệt nghiên cứu bỏ một số tội tử hình thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước và đáp ứng tính nhân đạo chung của thế giới.
Quan điểm và định hướng lớn sửa đổi BLHS trên tinh thần bám sát Nghị quyết 48/NQ-TƯ, Nghị quyết 49/NQ-TƯ của Bộ Chính trị và nghiên cứu tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 để xây dựng Dự án BLHS không những bảo đảm về mặt trừng phạt mà còn bảo đảm về mặt nhân đạo. Bên cạnh việc sửa đổi các bất cập, hạn chế trong các quy định cụ thể của BLHS hiện hành, thì cần tập trung nghiên cứu những vấn đề lớn như: quy định về tội phạm và hình phạt tại một số luật chuyên ngành; trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội phạm cụ thể, đặc biệt là tội phạm kinh tế; giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không giam giữ; hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình; hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự đối với người chưa thành niên; hình sự hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội và phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong BLHS hiện nay không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập.
Việc sửa đổi BLHS nằm trong kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi 2013. Do đó, bộ luật sửa đổi phải được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần của Hiến pháp mới, đặc biệt là phải bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; cần có cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tự bảo vệ mình và bảo vệ quyền lợi của người khác.
Khẳng định tư tưởng đề cao yếu tố nhân quyền, nhân đạo đặt ra trong lần sửa luật này, Dự thảo BLHS sửa đổi dự kiến bổ sung các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm hạn chế đến mức tối đa khả năng áp dụng hình phạt này. Hình phạt tử hình sẽ chỉ được áp dụng với một số ít trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo xâm phạm tính mạng con người (như giết người man rợ, kèm cướp của, hiếp dâm...); đe dọa sự tồn vong của Nhà nước (xâm phạm an ninh quốc gia…); đe dọa nghiêm trọng trật tự an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi (ma túy); tội phạm mang tính toàn cầu, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế (khủng bố, tham nhũng, chống loài người, chiến tranh…). Một số ý kiến cho rằng, việc duy trì hình phạt tử hình trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều nước phát triển vẫn tiếp tục duy trì quy định về hình phạt tử hình nhưng coi đó như một biện pháp tự vệ, chủ yếu chỉ áp dụng hình phạt chung thân trọn đời (chung thân không giảm án). Mặt khác, nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như: phạt tiền, cải tạo không giam giữ nhằm đảm bảo tính nhân đạo trong chính sách hình sự. Thể hiện trước hết ở việc giảm nhẹ các hình phạt có tính hà khắc đối với người phạm tội, giảm bớt hình phạt tù đối với người phạm tội. Theo đó, muốn giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, thì cần sửa luật theo hướng quy định hình phạt tù chủ yếu áp dụng đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đối với các tội phạm nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng thì chỉ nên áp dụng hình phạt này khi xét thấy nếu để người phạm tội ở ngoài xã hội sẽ còn gây hại cho xã hội. Các trường hợp còn lại sẽ xem xét áp dụng các hình phạt không phải là tước tự do.
Luật sư Trọng Hải