Sữa ngoại tăng giá: Cơ hội cho sữa nội
(Baonghean.vn) - Dù cũng tăng giá, nhưng nếu sữa nội chỉ tăng khoảng 5%, thì đa số các sản phẩm sữa ngoại đều tăng 10- 18%. Đây được xem là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Điển hình như sữa Ensure Gold hộp 900g giá 472.000 đồng tại thời điểm tháng 10 đã “vọt” lên 558.000 đồng/hộp vào đầu tháng 12/2011. Tiếp đó, nhiều hãng sữa khác như Mead Johnson, XO, Milex… cũng điều chỉnh tăng từ 10-15%. Hiện Enfa Mama hộp 900g có giá 313.000 đồng/hộp, Enfalac hộp thiếc 900g giá 396.000 đồng/hộp, Enfa Grow hộp 900g giá 384.000 đồng/hộp...
(Baonghean.vn) - Dù cũng tăng giá, nhưng nếu sữa nội chỉ tăng khoảng 5%, thì đa số các sản phẩm sữa ngoại đều tăng 10- 18%. Đây được xem là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Điển hình như sữa Ensure Gold hộp 900g giá 472.000 đồng tại thời điểm tháng 10 đã “vọt” lên 558.000 đồng/hộp vào đầu tháng 12/2011. Tiếp đó, nhiều hãng sữa khác như Mead Johnson, XO, Milex… cũng điều chỉnh tăng từ 10-15%. Hiện Enfa Mama hộp 900g có giá 313.000 đồng/hộp, Enfalac hộp thiếc 900g giá 396.000 đồng/hộp, Enfa Grow hộp 900g giá 384.000 đồng/hộp...
Tính từ đầu năm 2011 đến nay, các hãng sữa Abbott, Mead Johnson... đã có 3 lần điều chỉnh giá bán. Điều đáng nói là đại diện các hãng sữa trên đều giải trình với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nguyên nhân tăng giá là thuế nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu, chi phí đầu vào tăng. Chị Trần Khánh Hồng - chủ một cửa hàng chuyên bán bánh kẹo, sữa tại chợ Hưng Dũng (TP Vinh) cho hay: Việc tăng giá của các hãng sữa là rất bất hợp lý, cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý. Thực ra lần nào các hãng sữa thông báo tăng giá thì cũng nghe các cơ quan lý nói sẽ kiểm tra, kiểm soát nhưng đâu lại vào đấy. Không ít chủ đại lý nhận được món hời lớn do dự trữ được hàng khi biết trước chuyện tăng giá".
Ngay khi được nhân viên bán hàng thông báo giá sữa tăng. Chị Nguyễn Thị Tư - chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Thái Học, (TP Vinh)- cho biết: Nếu trước đây mỗi ngày cửa hàng chúng tôi bán được 10 thùng sữa ngoại thì nay chỉ khoảng 3 thùng. Thay vào đó, các hãng sữa nội như Dielac của Vinamilk, NutiIQ của Nutifood, DutchLady, Nuvita... lại bán rất chạy. Thông thường, các hãng sữa đều chiết khấu cho đại lý 10% giá bán, tuy nhiên, để giữ khách hàng, tôi phải chia sẻ mức chiết khấu để hạ giá thành vì sữa tăng giá quá cao, rất khó bán”.
Trong khi các loại sữa nhập khẩu được điều chỉnh tăng giá liên tục thì giá sữa sản xuất trong nước của một số hãng vẫn giữ nguyên tính từ giữa năm. Theo anh Phạm Quang Thanh, nhân viên phát triển thị trường của hãng sữa Vinamilk thì: "Nếu để ý các thành phần ghi trên bao bì sản phẩm, khách hàng có thể nhận thấy nhiều sản phẩm sữa ngoại và sữa nội có chất lượng tương đương, đều sử dụng cùng một nguồn nguyên liệu, đều bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng ISO-9001 và vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP của quốc tế… Nhưng sữa ngoại phải chịu thêm rất nhiều chi phí như phí vận chuyển, thuế nhập khẩu thành phẩm; phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… nên có giá chênh lệch khá cao so với sữa nội. Cùng 1 hộp trọng lượng 900g, sữa nội có giá khoảng 165.000- 280.000 đồng, trong khi nhiều sản phẩm sữa ngoại có thể đắt gấp đôi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người tiêu dùng không nên có quan niệm sữa càng đắt càng tốt, mà phải xem loại sữa đó có phù hợp với khả năng hấp thụ của từng người hay không. Sữa là một nguồn dinh dưỡng quan trọng nhưng không phải là tối ưu nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí não. Và trước tình hình bất ổn của thị trường sữa hiện nay, việc tăng cường kiểm tra, chống cạnh tranh không lành mạnh, chống gian lận thương mại cũng như cung cấp thông tin đầy đủ về chất lượng sữa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng đang là yêu cầu bức thiết.
Ngọc Anh