Sức bật ở Tam Hợp
(Baonghean) - Căn cứ vào đặc thù của một xã vùng cao, đất sản xuất lúa nước ít, Đảng ủy xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) đã chọn hướng đẩy mạnh xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng màu, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Qua đó, xã vừa tận dụng được tiềm năng đất đai, vừa nâng cao được thu nhập cho nông dân. Sức sống mới đã thực sự lan tỏa trên những xóm, bản ở Tam Hợp.
Ở vị trí cửa ngõ của mảnh đất Quỳ Hợp giàu tiềm năng khoáng sản, Tam Hợp hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh mảng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ thương mại. Với nhiều chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện tối đa, nên nhiều doanh nghiệp đã chọn Tam Hợp làm điểm đến đầu tư. Hiện nay trên địa bàn có 25 doanh nghiệp, hợp tác xã và nhiều cơ sở sản xuất hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chủ yếu chế biến đá trắng, gỗ, gạch ngói đã tạo nên giá trị kinh tế gần 60 tỷ đồng (năm 2012), giải quyết việc làm cho hơn 254 lao động.
Kinh doanh dịch vụ - thương mại theo đó cũng có bước khởi sắc, toàn xã có 405 cơ sở kinh doanh, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực vận tải, dịch vụ xăng dầu, nghỉ dưỡng… Lĩnh vực này tạo ra giá trị hơn 84,6 tỷ đồng vào năm 2012. Tuy nhiên, với một địa bàn vùng cao, phần đa nhân dân đang có cuộc sống phụ thuộc vào nông nghiệp, câu hỏi làm sao để nâng cao đời sống nông dân luôn là trăn trở của đảng ủy, chính quyền địa phương. “Cả xã chúng tôi, diện tích đất lúa nước chỉ hơn 40 ha. Nếu cứ dựa vào lúa, đời sống nhân dân không thể khá lên được. Từ thực tế này, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo các ngành xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc thù của địa phương. Qua đó, trực tiếp tăng thu nhập cho nông dân”, đồng chí Trương Quang Lập – Bí thư Đảng ủy xã phân tích.
Ông Hồ Vĩnh Thủy khôi phục và phát triển mô hình nuôi hươu ở Tam Hợp. |
Cùng ông Nguyễn Khắc Thế - Chủ tịch Hội Nông dân xã, chúng tôi đến xóm Bắc Sơn – nơi có mô hình nuôi hươu phát triển, mang về nguồn thu nhập khá cao cho nông dân. Tổng đàn hươu của cả xóm đến nay đã lên 96 con, trong đó 12 hội viên của Nhóm nuôi hươu với số lượng đàn 46 con. Ông Hồ Vĩnh Thủy – Phó Bí thư chi bộ, Xóm trưởng Bắc Sơn là chủ nhiệm của nhóm này. Vừa gặp, người đảng viên già, có nước da bánh mật, quê gốc ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu đã nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi chuồng hươu của gia đình.
Ông kể: “Dân gốc An Hòa chúng tôi là những người có kinh nghiệm nuôi hươu lâu năm. Gia đình lên lập nghiệp ở đây từ 1978, tôi mang theo nghề này ở quê lên để kinh tế cho gia đình. Những năm 90 của thế kỷ trước, nghề nuôi hươu phát triển mạnh, giá thành cao nên phong trào nuôi rất rầm rộ. Nhưng rồi, đầu ra không ổn định, có nhiều gia đình cũng trắng tay, nghề cũng mai một dần. Chỉ đến khi có chủ trương của Đảng ủy xã, phong trào nuôi hươu mới nhen nhóm lại ở đất Bắc Sơn. Rút kinh nghiệm thất bại, giờ chúng tôi phát triển bài bản, có định hướng rõ ràng hơn để cùng hỗ trợ nhau phát triển”.
Ông Hồ Vĩnh Thủy là một trong những người đi đầu trong việc gây dựng lại nghề nuôi hươu. Với vai trò đi đầu của mình, ông cùng các thành viên trong nhóm đã lập được quỹ nhóm đạt 11 triệu đồng dùng để hỗ trợ cho các thành viên vay vốn phát triển đàn. Hiện tại, toàn bộ số tiền quỹ có 3 hộ thành viên vay: ông Hoàng Duy Trinh (4 triệu đồng), anh Trần Văn Mạnh (4 triệu đồng), chị Nguyễn Thị Tình (3 triệu đồng). Hiện nay, nhóm đang làm hồ sơ để thành lập Tổ hợp tác nuôi hươu. Riêng gia đình ông Thủy, lúc cao điểm nuôi 4 con hươu lấy lộc. Nay, ông đã dành 2 con hươu làm “của hồi môn” cho con khi ra ở riêng, chỉ giữ lại 2 con (1 đực, 1 cái) để vừa nuôi lấy lộc vừa sinh sản. Cuối tháng 3 vừa rồi, ông vừa bán 0,7kg lộc hươu thu được gần 8 triệu đồng. Kết hợp với trồng 2,6 ha mía, nuôi lợn nái, tổng thu nhập một năm của gia đình ông Thủy cũng đạt ngót ngét 100 triệu đồng. “Nhóm chúng tôi chiếm 1 nửa là đảng viên nên mọi hoạt động đều rất quy củ. Các đồng chí đảng viên không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn rất nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ mọi người như các đồng chí Hồ Ngọc Hoán, Trần Sỹ Cung. Vì vậy, mục tiêu cuối năm nay, nhóm tăng tổng đàn thêm 20 con là hoàn toàn đạt được”, đồng chí Thủy phấn khởi nói.
Men theo những cánh đồng cỏ voi xanh mướt mát được bà con trồng làm thức ăn cho hươu, ông Hồ Vĩnh Thủy dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Duy Trinh – một hội viên của nhóm. Gia đình ông Trinh chỉ có vẻn vẹn 1,5 sào lúa. Vì vậy, trong nhiều năm qua, nguồn thu từ bán lộc hươu trở thành nguồn thu chính cho gia đình. Vừa qua, gia đình ông mới bán 3 con hươu để phụ thêm tiền xây nhà cho con. “Tôi xây 3 cái nhà đều có phần tiền tích lũy từ nuôi hươu cả, chứ nếu làm lúa và màu thì không biết xoay xở mô ra. Hiện nay, 1 kg lộc hươu khoảng 12 triệu đồng. Giá không cao như ngày xưa, nhưng cứ mỗi năm cắt lộc 2 lần, đều đặn mỗi năm cũng đã thu được cả chục triệu đồng. Nghề này chưa giàu nhưng giúp nông dân chúng tôi có kinh tế ổn định”, ông Trinh chia sẻ.
Bên cạnh nuôi hươu, mô hình trồng rau sạch cũng đang phát huy hiệu quả, giúp nông dân Tam Hợp có nguồn thu khá cao. Gia đình anh Hồ Đức Đạt – xã viên HTX Sơn Đông, trên diện tích 6 sào đất trồng các giống rau như dưa leo, su hào, bắp cải, cà chua, mỗi năm trồng rau 9 tháng cũng mang về nguồn thu khá lớn cho gia đình. Vì tính ra hiệu quả kinh tế, bình quân mỗi ha trồng rau cho thu nhập 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Mùa này, gia đình anh cũng đã chuyển 6 sào đất màu sang trồng măng tây xanh, bước đầu cho thu nhập khoảng 150 ngàn đồng/ngày. “Năm nay, gia đình chuyển qua trồng măng tây xanh nhưng vẫn sẽ trồng xen cây rau màu vào cùng diện tích trên để tăng hiệu quả khi đến vụ trồng rau”, anh Đạt cho biết. Hiện nay, xã Tam Hợp đã thành lập được 2 HTX trồng rau là Sơn Đông và Sơn Tây đều ở xóm Sơn Thành.
Định hướng đúng đắn của Đảng ủy xã Tam Hợp đã thực sự tạo sức bật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của địa phương. Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2010 -2015, việc thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã khóa XXII chỉ ra những thống kê ấn tượng trên lĩnh vực này. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt gần 42 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 16 triệu đồng, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Đây là những con số ấn tượng cho thấy nông nghiệp – nông dân – nông thôn được được triển khai hiệu quả ở Tam Hợp.
“Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình để tạo sức bật toàn diện cho nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Vì vậy, trong nửa cuối nhiệm kỳ, Đảng ủy xã đang đẩy mạnh khắc phục điểm yếu này thông qua việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nguồn kinh phí cũng như phát huy tốt hơn vai trò của 340 đảng viên sinh hoạt trong 24 chi bộ, đặc biệt là tại 19 chi bộ nông thôn trong việc đi đầu phát triển, nhân rộng các mô hình” đồng chí Trương Quang Lập – Bí thư Đảng ủy xã nêu rõ định hướng.
Bài, ảnh: Thành Duy