Sức sống làng nghề Phù Xá

20/06/2015 11:10

(Baonghean) - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề làm bún ở Làng nghề bún bánh Phù Xá, xã Hưng Xá (Hưng Nguyên) phát triển ổn định. Việc ứng dụng máy làm bún liên hoàn thay cho sản xuất thủ công trước đây của làng nghề góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Lê Văn Hường năm nay bước sang tuổi 86, là người cao tuổi nhất làng nghề vẫn còn say sưa với nghề làm bún truyền thống của ông cha để lại. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ngày nào ông cũng thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để phụ giúp vợ chồng người con thứ hai làm nghề. Khi chúng tôi đến, ông vừa chùi dọn xong máy móc kết thúc một ngày làm bún để chuẩn bị nguyên liệu cho sáng hôm sau. Ông Hường nhớ lại những ngày tháng gian khó với những công đoạn làm bún thủ công, vất vả, vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, gia đình ông cũng như những hộ làm nghề trong xã đều làm bún thủ công, giã bột bằng cối đá, vặn bún bằng tay...

Các hộ làm nghề thường mua gạo tại chợ Vực quê nhà để về làm bún. Mỗi ngày hai ông bà làm được 30- 40 kg bún, bà đem bún đi bán ở chợ Vực, chợ Liệu chỉ trong 2 - 3 tiếng buổi sáng là hết hàng. Ngày đó chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương quanh vùng. Đều đặn mỗi ngày như thế, từng thúng bún nóng ấm được tiêu thụ, giúp gia đình ông nuôi 5 người con ăn học trưởng thành, nay các con đều lập gia đình riêng, hai người nối nghiệp làm bún của cha mẹ và cũng là hộ sản xuất nhiều bún nhất nhì làng nghề này.

Anh Lê Văn Tường và vợ chuẩn bị nguyên liệu làm bún.
Anh Lê Văn Tường và vợ chuẩn bị nguyên liệu làm bún.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, nghề làm bún nơi đây cũng chuyển dần từ sản xuất thủ công đến cơ giới hoá và đến nay đưa máy liên hoàn vào áp dụng sản xuất khép kín, mọi công đoạn đều được làm bằng máy. Mấy năm nay, nhờ đầu tư mua máy sản xuất bún trị giá trên 50 triệu đồng, anh Lê Văn Tường (con trai của ông Hường) đã nâng công suất sản xuất mỗi ngày đạt từ 3,5 - 4 tạ bún. Để có được những tạ bún thơm ngon, nóng hổi vào những tinh mơ sáng đáp ứng nhu cầu của thực khách xa gần, vợ chồng anh Hường ngày nào cũng bắt đầu công việc từ lúc 1 giờ sáng mới kịp có hàng cho khách đến lấy sỉ lúc 4 - 5 giờ sáng, với giá nhập sỉ là 6.000 đồng/kg. Bún của gia đình làm cẩn thận, sạch sẽ, được thị trường ưa chuộng, ngày nào cũng tiêu thụ hết 3 - 4 tạ bún trong buổi sáng, không khi mô bị ế. Anh Tường cũng là người đầu tiên trong làng nghề mua máy sản xuất bún liên hoàn áp dụng sản xuất. Từ ngày có máy, nâng công suất chế biến, giảm được sức lao động, trong nhà lúc nào cũng mua dữ trữ trên 3 tấn gạo để đảm bảo nguyên liệu làm bún thường xuyên.

Tuy là thế hệ làm nghề sau này, gia đình anh Ngô Xuân Quảng, chị Võ Thị Thư ở xóm 3, xã Hưng Xá đã làm nghề được gần 20 năm, từ làm bún bằng tay đến sản xuất bằng máy, hôm nào hai vợ chồng anh chị cũng chăm chỉ dậy từ lúc 2 giờ sáng tất bật với công việc để kịp có bún 5 giờ sáng đi chợ bán. Theo chị Thư, muốn có sản phẩm bún ngon, dẻo dai, không có mùi chua thì điều quan trọng phải chọn gạo ngon, hạt mẩy, không bị nát. Lúc ngâm gạo trước khi xay bột phải chú ý cẩn trọng thời gian ngâm.

Nếu ngâm quá nhanh sẽ làm cho sợi bún bị đục màu, không ngon; còn ngâm quá lâu sẽ làm cho sợi bún bị bở, không dai. Gạo sau khi ngâm được xay thật mịn, dẻo quánh như đất nặn... Bột gạo sau khi nén chặt được đem pha với nước sạch, phải pha hợp lý giữa lượng nước với lượng bột gạo, bởi nếu không pha hợp lý sẽ làm cho sợi bún bị nhão, không thành sợi. Trong quá trình cho ra sợi bún phải đặc biệt chú ý đến hơi nước, hơi nước phải nóng, kín thì sợi bún mới liền, dai. Ngày nay tuy đã có máy hỗ trợ sản xuất, nhưng các công đoạn làm bún cũng đòi hỏi người làm nghề phải xử lý cẩn trọng.

Ông Võ Trọng Hà - xóm trưởng xóm 3, xã Hưng Xá cho biết: Nghề làm bún bánh nơi đây có từ lâu đời. Ngày nay, người dân làng nghề áp dụng những kỹ thuật và kinh nghiệm của ông cha truyền lại nên bún Phù Xá dẻo thơm, dai sợi, mà không phải nơi nào cũng làm được. Thương hiệu bún Phù Xá ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi mỗi người làm nghề nơi đây đều mang tâm huyết của mình phục vụ tốt nhất cho khách hàng với phương châm coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, không dùng chất phụ gia bảo quản, chất lượng đảm bảo.

Làng nghề bún bánh Phù Xá hiện có hơn 30 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động. Tổng sản lượng sản xuất khoảng 5,2 tấn bún/ngày, bình quân thu nhập của lao động làng nghề đạt 27 triệu đồng/người/năm. Đây là mức thu nhập cao vượt trội so với bình quân thu nhập chung của lao động toàn xã. Nhờ duy trì, phát triển nghề truyền thống, người dân làng nghề Phù Xá có cuộc sống ấm no, ổn định. Sự kết hợp nhuần nhuyễn phương thức sản xuất hiện đại và truyền thống đã giúp làng nghề phát triển bền vững.

Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Sức sống làng nghề Phù Xá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO