Sức trẻ ở Đồn Biên phòng Hạnh Dịch

14/04/2014 16:22

(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, màu áo xanh của những cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã trở thành thân quen, gần gũi trên những dải biên cương gian khó của mảnh đất xứ Nghệ. Đến Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (Quế Phong) những ngày cuối xuân, nhận ra thêm nhiều lý giải cho sự thân thương ấy nữa, đó chính là nhờ những chiến công anh dũng mà thầm lặng, những đồng cam cộng khổ, những “3 cùng”… với nhân dân.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Hạnh Dịch giúp dân làm đường giao thông.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Hạnh Dịch giúp dân làm đường giao thông.

Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 20,5 km đường biên giới với nước bạn Lào và phụ trách địa bàn 19 bản thuộc hai xã Hạnh Dịch và Nậm Giải, những người lính ở Đồn Biên phòng Hạnh Dịch đang lên kế hoạch với hàng loạt tình huống có thể xảy ra bởi thời điểm này là “mùa” vận chuyển ma túy, cần sa và các mặt hàng quốc cấm khác tiêu thụ vào Việt Nam. Thế nên, khi đến thăm đồn vào dịp này, khó có thể gặp gỡ đầy đủ các cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là các gương mặt trẻ bởi “hầu hết đều được “tung” xuống cắm chốt ở cơ sở, bám chặt địa bàn để nắm được mọi di biến động nhỏ nhất của đối tượng” - Trung tá Lê Văn Hải - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hạnh Dịch chia sẻ.

Trung tá Hải cho biết thêm: “Với sự cố gắng, nỗ lực của các cán bộ, chiến sỹ biên phòng, đặc biệt nhấn mạnh vai trò xung kích của lực lượng trẻ, tinh nhuệ, hiện nay có thể khẳng định, trên địa bàn đồn quản lý đã không có tình trạng xâm canh, tái trồng cây thuốc phiện và di cư trái phép. Cơ sở, mạng lưới mật phục vụ cho công tác đảm bảo ANTT - ATXH ngày càng được củng cố và vững mạnh. Mối quan hệ giữa anh em đồn biên phòng với bà con nhân dân ngày càng mật thiết. Bây giờ, xuống các bản, ghé vào nhà nào, bà con mình cũng đón nhận anh em biên phòng như con, cháu, người thân trong nhà vậy!”

Thượng úy Đặng Quốc Khánh - Đội phó Đội phòng chống tội phạm ma túy là một “người trẻ” xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, trở thành điển hình của BĐBP Nghệ An. Một ngày của người chiến sỹ trẻ ấy bắt đầu bằng hành trình lặng lẽ xuống địa bàn, mải miết với những nghiệp vụ hiểm nguy, và không biết trước sẽ kết thúc vào lúc mấy giờ! Anh tự nguyện và hãnh diện với màu xanh áo lính của mình, nhưng với công việc đặc thù hiện tại, màu áo ấy chỉ theo anh trong những buổi họp giao ban, những nơi trang trọng. Thời gian còn lại, anh là một vài trong muôn vạn người bình dị giữa chốn thâm sơn cùng cốc để thuận lợi cho việc tìm kiếm, bắt giữ tội phạm của mình.

Nhiều năm liền, anh và những đồng đội đã tham gia đấu tranh, bắt giữ hàng chục vụ, hàng trăm đối tượng cùng nhiều tang vật quan trọng, góp phần gìn giữ sự bình yên cho dải biên cương của Tổ quốc. Trên người anh chằng chịt những vết thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm 2013, trong một đêm mịt mù và giá rét tại khu vực mật phục nằm sâu trong rừng, Thượng úy Đặng Quốc Khánh đã bị các đối tượng buôn bán heroin liều lĩnh chống trả, nhưng anh vẫn kiên cường bảo vệ tang vật và dùng võ thuật khống chế đối tượng. Tổng kết chuyên án, hai đối tượng chính trong đường dây đã bị bắt giữ, 2 bánh heroin trọng lượng 780g bị tiêu hủy, còn Thượng úy Khánh lại gánh thêm vào mình 30% thương tích, như một phần tất yếu lặng lẽ sau những chiến công.

Với những thành tích của mình, trung tuần tháng 3 năm 2014, người chiến sỹ biên phòng dũng cảm ấy đã được tôn vinh là một trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013”. Nói về người chiến sỹ ấy, Trung tá Lê Văn Hải không giấu được niềm vui và tự hào: “Cùng với nhiều danh hiệu, giấy khen, bằng khen các cấp, Thượng úy Đặng Quốc Khánh đã được cấp trên quyết định thăng quân hàm trước thời hạn. Đây là phần thưởng xứng đáng, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của lãnh đạo với những cống hiến thầm lặng của anh em chiến sỹ. Gia đình đồng chí Khánh ở quê nhà còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vượt qua tất cả, đồng chí vẫn vững tâm thực hiện nhiệm vụ Tổ quốc giao phó.”

Không chỉ anh dũng, mưu trí trong chiến đấu, các cán bộ, chiến sỹ trẻ của Đồn Biên phòng Hạnh Dịch còn để lại nhiều dấu ấn về sự tận tụy và năng động, sáng tạo trong các hoạt động chung tay xây dựng NTM cùng nhân dân địa phương. Đồn đã thành lập thêm Đội xung kích vận động quần chúng, mà thành viên chủ chốt là các gương mặt đoàn viên ưu tú, ngoài vận động bà con chấp hành đúng các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, còn hoạt động hiệu quả và tích cực trong các hoạt động cộng đồng. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp xây dựng bản Pà Kỉm - một trong 11 bản của xã Hạnh Dịch trở thành bản điểm về văn hóa, kinh tế - xã hội.

Theo chân Trung úy Nguyễn Văn Hợi - Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, chúng tôi đến bản Pà Kỉm trên con đường phẳng lỳ màu nhựa mới. Nằm ngay sau lưng Đồn biên phòng Hạnh Dịch, bản Pà Kỉm từ xa nom như sống ngựa nhấp nhô bởi những mái nhà sàn đã úa màu thời gian. Là bản thuần Thái, Pà Kỉm bao đời nay êm đềm với những đồng bào thân thiện, chất phác, chỉ có cái đói, cái nghèo vẫn dai dẳng mãi. Cái khó của Pà Kỉm là đường giao thông nối liền các bản làng khác và đường ra trung tâm xã khó khăn, cùng với đó là kinh tế hộ chưa tìm được nét đặc sắc, đột phá. Qua nhiều lần bàn bạc với UBND xã, được sự đồng thuận của nhân dân, các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, với tinh thần xung kích, sáng tạo và quyết đoán của thanh niên, đã trực tiếp xuống từng gia đình, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của 39 hộ trong bản.

Và rồi những ngày đầu năm 2014, con đường quanh co, gập ghềnh đầy rẫy ổ gà, ổ voi vào Pà Kỉm đã được khoác lên diện mạo mới. Giao thông đi lại thuận lợi, bà con Pà Kỉm như được tiếp thêm niềm tin và phấn khởi với những dự án kinh tế hộ khác do UBND xã và đồn Biên phòng phối hợp triển khai. Trung úy Nguyễn Văn Hợi chia sẻ: “Hiện nay, nhiều hộ dân trong bản đã thực hiện mô hình nuôi lợn đen từ nguồn vốn xây dựng NTM, bước đầu cho thu nhập khả quan. Mới đây nhất, anh em đồn biên phòng vừa kết hợp với chính quyền xuống tuyên truyền, triển khai mô hình trồng cây mây, nếu cây phát triển tốt, cho thu hoạch cao thì sẽ mở các lớp dạy nghề mây tre đan xuất khẩu, giải quyết lao động nông nhàn cho bà con.” Bí thư chi bộ Lê Văn Đại dẫn chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lợn đen của đoàn viên Vi Văn Nam (1981). Năm 2013, được sự khuyến khích, hỗ trợ giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, Nam tham gia vào dự án nuôi lợn đen. Từ 2 con giống ban đầu, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn lợn phát triển tốt, hiện có hơn 20 con.

Điều đáng nói, trên những bước đường lập nghiệp gian khó, luôn có bóng dáng những chiến sỹ trẻ kề vai, sát cánh, bởi trước hết, xuất phát từ sự đồng điệu của tuổi trẻ, và không thể thiếu niềm tin vào tương lai, vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống này. Trung úy Nguyễn Văn Hợi tâm sự: “Anh em cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng hầu hết đang ở độ tuổi sinh hoạt Đoàn, tinh thần lúc nào cũng xung kích, mạnh mẽ, nhiệt huyết cống hiến. Làm được gì cho dân bản, để giúp bản làng vượt khó phát triển, anh em đều không quản ngại”.

Phương Chi

Mới nhất
x
Sức trẻ ở Đồn Biên phòng Hạnh Dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO