Sức vươn ở vùng trũng

30/10/2011 16:45

(Baonghean.vn) Năm nào, mùa mưa cũng có tin tức nóng hổi về một Hưng Trung ốc đảo ngập trong nước bạc. Ngỡ vùng "rốn lụt" ấy hết mùa mưa lụt này rồi chỉ thấp thỏm để lo... mùa lụt sau; vậy mà chúng tôi đã bất ngờ bởi chộn rộn không khí làm ăn mùa vụ, mua bán của người dân quen sống chung với lũ ở đây.


Kể từ năm 2004, khi xã Hưng Trung được quan tâm xây trụ sở xã hai tầng khang trang, được coi như là một công trình hạ tầng "điểm nhấn" - cũng đã ngót 7 năm chúng tôi mới trở lại. Bây giờ, ngoài trục giao thông chính đang thi công thì Hưng Trung đã mang một diện mạo khác với các công trình trường học, chợ và nhà dân cao tầng mọc lên thấy rõ cái khởi sắc. Dịp này, xã đang chuẩn bị đón Lễ kỷ niệm 140 năm ngày mất nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ - người con ưu tú của quê hương Bùi Chu - Hưng Trung. Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó chủ tịch UBND xã thì Hưng Trung ngoài tự tin nhờ xác định tinh thần đoàn kết vượt khó, những năm gần đây, cán bộ, nhân dân xã nhà đã nhân niềm tự hào về bậc tiền nhân kiệt xuất của quê hương, noi theo tấm gương của cụ để động viên các thế hệ cháu con vươn lên năng động làm ăn mới.



Xẻ đá ốp lát - nghề mới ở Hưng Trung


Xã Hưng Trung nay có 15 xóm với trên 9.370 dân. Trong đó, giáo dân có tới trên 6.500 người và có 4 xóm giáo toàn tòng. Thiên nhiên không ưu đãi và vị trí xa trung tâm huyện, người dân Hưng Trung không kể lương - giáo giữ cái thuần hậu của quê nghèo mà chung lưng đấu cật đưa xã nhà phát triển. So với đầu nhiệm kỳ trước, nay Hưng Trung đã tăng trưởng kinh tế gấp 2,5 lần, thu nhập bình quân đầu người đạt 11,5 triệu đồng/năm, tăng tới 6,5 triệu đồng so với năm 2005. Đồng trũng chuyên ngập lụt là một nhẽ, nhưng vườn tược nhà cửa cứ gặp cữ mưa lớn là trắng băng nước.

Ấy thế mà Hưng Trung vẫn cứ phát triển được kinh tế vườn như thường. Hiện tổng diện tích trồng cây lâu năm của xã có tới 125 héc-ta, ngoài cây chanh, xã đã từng bước khôi phục diện tích cam đặc sản Xã Đoài và phát triển thêm các loại cây ăn quả khác. Sau mỗi cữ lũ, nhân dân lại trồng mới thay thế cây ăn quả bị ngập chết. Đua nhau với nước bạc, kinh nghiệm dày lên, dần dần bà con đã giành thế chủ động, chịu khó đầu tư kỹ thuật và công sức, năng suất sản lượng từ kinh tế vườn tăng thấy rõ, riêng 6 tháng đầu năm 2011, giá trị kinh tế vườn của cả xã đạt hơn 7,7 tỷ đồng.

Phong trào chăn nuôi của xã được đẩy mạnh toàn diện và 12, 875 tỷ đồng ước đạt về giá trị chăn nuôi trong 6 tháng cũng là một con số không nhỏ... Sản phẩm cây ăn quả, từ chăn nuôi gia súc, thủy sản... của Hưng Trung trên đà tăng, khấp khởi chờ đợi một hệ thống giao thông tốt để giao thương với bên ngoài là có thể tin vào nội lực của xã thuần nông vượt lên hoàn cảnh "rốn lũ".

Chợ Cầu mới được xây dựng giữa vùng trung tâm xã đưa vào hoạt hoạt động được 4 tháng mà đã tấp nập bán mua. Việc phân lô, kinh doanh ki-ốt ở đây đã hoàn thành, nhiều hộ dân đầu tư mở hàng bán tạp hóa, tạo nét thị tứ sầm uất. Ngân sách xã tăng từ nguồn thu ở chợ Cầu đã đành, theo như lời của Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thanh Hải thì chợ trong tương lai sớm sẽ khẳng định được một trung tâm dịch vụ thương mại, tạo công ăn việc làm hiệu quả cho người dân xã nghèo.



Một mô hình gia trại kết hợp chăn nuôi thủy sản và gia cầm ở Hưng Trung.


Con em Hưng Trung trong độ tuổi lao động nay có tới 2.600 người đi lao động ở các tỉnh trong nước và 15 người đi xuất khẩu lao động nước ngoài (chủ yếu ở Malaysia, Hàn Quốc), hàng năm gửi lượng tiền về dự ước 15,5 tỷ đồng. Lượng tiền đó được sử dụng kiến thiết nhà cửa, đầu tư làm ăn cho người ở nhà, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn mới những năm gần đây. Hưng Trung hiện cũng đã hoàn thành hồ sơ bước 1 về khảo sát hiện trạng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015; phối hợp với Ban Giải phóng mặt bằng huyện để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đường chợ Cầu - Nghi Công, đường Nguyễn Văn Trỗi từ Hưng Yên về ngã tư Vạn Hồng.

Ruổi theo con đường nhựa mang tên Nguyễn Trường Tộ được huyện đầu tư cho Hưng Trung, dài 2,1 km, chúng tôi tới vùng đất làng Bùi Chu xưa đã sinh ra danh nhân kiệt xuất Nguyễn Trường Tộ. Cảnh xưa nét cũ thời của cụ không còn nhiều. Làng Bùi Chu nay đã là địa giới hành chính của hai xóm 1 và 2 đều là xóm giáo toàn tòng. Thôi thì rộn rã tiếng máy xay xát, các cơ sở dịch vụ cơ khí, xẻ đá ốp lát... dọc con đường này rõ ra một khí thế làm ăn, mở mang ngành nghề. Tính ra, thu nhập 6 tháng đầu năm 2011 của Hưng Trung đã đạt hơn 16 tỷ đồng, là chuyện dăm năm trước xã vùng lũ chưa ước tới...


Khuôn viên mộ cụ Nguyễn Trường Tộ nằm ở cuối xóm 1, ngay cạnh sát con đường nhựa mang tên cụ. Bình an trên đất quê hương, hẳn khát vọng canh tân và tâm huyết một đời vì nước vì dân của Cụ cũng được gửi gắm nhiều ở hậu thế trên đất Hưng Trung. Xóm trưởng xóm 1 - giáo dân Nguyễn Hồng Thái là một hậu duệ làng Bùi Chu, chưa phai phong cách một anh lính Cụ Hồ dù đã xuất ngũ 28 năm (từ 1983), xởi lởi cho hay: "Xóm 1 có 254 hộ 1.056 khẩu là giáo dân. Phấn đấu sống "tốt đời đẹp đạo", nhân dân cả xóm thi đua lao động sản xuất, trở thành một trong những xóm có sự phát triển năng động nhất của xã Hưng Trung. Chi bộ Đảng của xóm đã truyền đạt thấu suốt trong dân việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Làm tròn bổn phận người có đạo, bà con cũng ý thức được việc người giáo dân là người sống trọn vẹn thân phận con người giữa xã hội để nâng xã hội lên. Tự hào là làng quê của cụ Nguyễn Trường Tộ, xóm thường xuyên tổ chức họp nhắc nhở cho con cháu gương hiếu học, vì nước vì dân của cụ".



Giờ thể dục ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên)


Là xóm giáo toàn tòng, nhưng năm học 2010 - 2011, xóm 1 có tới 5 em đậu đại học, 6 em đậu cao đẳng. Có thể nói, xóm 1 Hưng Trung là một xóm có số hộ và số dân nhiều nhất xã, nhưng vẫn đó một nét thuần hậu, cần cù của một làng quê vươn lên trong đổi mới. Xóm có nhiều điển hình làm ăn kinh tế hộ hiệu quả, như ông Nguyễn Trung Hậu với mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp, nay xây được nhà to nhất xã, có ki ốt buôn bán ở chợ Cầu, có cây xăng lớn ở xã...

Hay ngay như xóm trưởng Nguyễn Hồng Thái đây thôi. Câu chuyện làm ăn của ông trong ngôi nhà kín một góc tường những giấy khen, bằng khen của các cấp chính quyền cho ông xóm trưởng trách nhiệm và năng động nghe thật thú vị. Xuất ngũ về, ông được tín nhiệm giao cho các chức đội trưởng sản xuất, khi đó ông mới 26 tuổi.

Trăn trở duy nhất buổi đầu là mình phải vươn lên làm ăn tốt để làm gương cho bà con. Xoay trở việc làng việc nhà, ông cùng vợ gây dựng dần cuộc sống, đến năm 1997 ông vay vốn ngân hàng mua luôn 2 cái máy dập đất để dập ruộng nhà mình và cho bà con trong xóm. Nhờ thế mà ruộng đồng xóm 1 kịp "chạy" lụt trúng vụ hè thu, lương thực dồi dào dần lên. Thấy được cái lợi, nay xóm đã có tới 5 máy như thế. Thóc lúa ổn rồi, dân xóm 1 phát triển nghề truyền thống là chăn nuôi lợn. Nhà ông Thái cũng thông qua các đoàn thể, vay vốn nuôi lợn đàn, tiện ông mua luôn máy xay xát, chạy cho đến giờ. Năm 2007, ông mua cho con ô tô tải, sau anh con trai chuyển nghề, làm đá xẻ ốp lát, nay đang xây nhà lớn ngay cạnh nhà bố mẹ, nghề xẻ đá cũng bộn dần lên. Chăn nuôi xóm 1 phát triển, cả xóm có tới 6 lò giết mổ gia súc cho thu nhập khá...


Ngược con đường liên xã đang ầm ì xe máy thi công, chúng tôi đến Trường THPT Nguyễn Trường Tộ đóng trên địa bàn xã Hưng Trung. Hóa ra, tân Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Phàn là người quen. Anh mới về đây nhậm chức mấy tuần. Anh cho biết: Trường THPT Nguyễn Trường Tộ - Hưng Trung hiện có gần một nửa là học sinh con em giáo dân học 384 em. Ngoài không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, trong điều kiện còn nhiều khó khăn do đóng trên một địa bàn đặc thù, nhà trường đã đẩy mạnh các hoạt động toàn diện.

Trong đó có tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, thân thế sự nghiệp Nhà cải cách yêu nước Nguyễn Trường Tộ ở cấp trường và cấp huyện đạt nhiều giải cao. Trường nhận chăm sóc khu mộ cụ Nguyễn Trường Tộ, năm học 2010 - 2011 đã trồng 25 cây cảnh, 2 cây tùng cỡ lớn; ngoài ra trồng cây ở đài tưởng niệm liệt sỹ xã, nhận chăm sóc một gia đình chính sách, tặng quà cho một số gia đình chính sách khác. Những hoạt động mạng đậm tính nhân văn sâu sắc đó đã tác động mạnh mẽ vào nhận thức của học sinh giúp các em rèn luyện, học tập trở thành người có ích cho quê hương, đất nước...


Khó khăn đã rõ, cái chính là xác định cho rõ đường hướng thời gian tới. Cấp ủy Đảng và chính quyền xã Hưng Trung đang tập trung chỉ đạo đảm bảo mùa vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mở rộng các hoạt động dịch vụ thương mại và đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng; phát triển làng văn hóa, gia đình văn hóa; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Rời Hưng Trung khi đã xâm xẩm tối, anh cán bộ văn phòng xã bảo nhà báo về Vinh cũng chỉ một con đường khó đi ấy thôi! Ừ, nhưng con đường đó đang được quan tâm để nay mai mở rộng, nâng cấp cho Hưng Trung không còn là cách biệt sau những ngày mưa lụt ốc đảo. Mà nhất là, đường hướng phát triển đã mở từ quyết tâm vượt lên của cán bộ, nhân dân Hưng Trung để xứng là mảnh đất quê hương của nhà cải cách kiệt xuất - danh nhân Nguyễn Trường Tộ.


Đình Sâm

Mới nhất
x
Sức vươn ở vùng trũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO