Sức xuân của một cây bút tiểu thuyết lịch sử

22/02/2013 19:06

(Baonghean) - Nguyễn Thế Quang - nhà giáo nghỉ hưu nay đã vào tuổi “cổ lai hy”, nhưng tôi gọi anh là “cây bút trẻ” vì tác giả chỉ mới công bố tiểu thuyết đầu tay: Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du (NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam tháng 4/2010) đã được tặng Giải A, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương của UBND tỉnh Nghệ An, đồng thời được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng thưởng tác giả ngoài tỉnh có tác phẩm xuất sắc nhất trong giai đoạn 2005-2010.

Vừa xong tiểu thuyết Nguyễn Du, anh đã hăng hái bắt tay viết tác phẩm thứ hai Khúc hát những dòng sông, cuốn tiểu thuyết lịch sử về bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và nay, khi tiểu thuyết Nguyễn Du tái bản, tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông (NXB Hội Nhà văn) cũng vừa được ra mắt bạn đọc tháng 1/2013, thì tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống đã sang chương thứ năm…

Hai năm trước, Nguyễn Thế Quang vào Huế tìm tư liệu, gặp gỡ các nhà nghiên cứu Huế để hiểu thêm cuộc đời bà Hoàng Thị Loan. Từ lâu, Quang đã muốn viết được một cái gì đó có ý nghĩa. Bà Hoàng Thị Loan là nhân vật tiêu biểu mà Quang muốn qua đó gửi lòng kính trọng và biết ơn của mình đến tất cả các bà mẹ. Với niềm đam mê và bản lĩnh cứng cỏi của con người Nghệ, suốt hai năm ròng lặng lẽ viết, Nguyễn Thế Quang đã thực hiện được điều mong mỏi của mình.



Bìa cuốn sách “Khúc hát những dòng sông” của Nguyễn Thế Quang.

Tác giả không miêu tả toàn bộ cuộc đời bà mà chỉ tập trung vào thời kỳ bà theo chồng vào sống ở Huế. Tác giả cũng không quá tập trung vào chuyện lo cơm áo mà chú ý khắc họa niềm mong mỏi và quyết tâm giúp chồng học và lo dạy con nên người. Mở đầu tác phẩm, sau cảnh hai mẹ con trên bãi dâu bên sông Lam đầy thơ mộng, bà Hoàng Thị Loan phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn và bà đã có một quyết định can đảm, không phải người phụ nữ nào cũng dám làm: rời xa tổ ấm làng quê thân thuộc, bồng bế con nhỏ theo chồng vào Huế - một vùng đất xa lạ, để giúp chồng ăn học thành tài và nuôi dạy con nên người.

Ngày rời làng quê, ngoái nhìn lại con sông Lam lần cuối, con sông “như dải lụa đẹp trong trẻo trải rộng trước mắt, con sông biết bao kỷ niệm buồn vui, con sông của tình yêu đôi lứa…”, bà đã tự nhủ mình như vậy. Và người mẹ trẻ đã vượt qua biết bao thử thách khó khăn mà ngòi bút tác giả chưa hẳn đã diễn tả hết. Chỉ riêng chuyện vượt chặng đường gian nan từ Nam Đàn, qua đèo Ngang vào Huế, với quang gánh trên vai và hai con nhỏ chưa đủ sức tự lập, ngày nắng giữa bãi cát, đêm mưa trên đèo, rồi thú dữ rình rập… đã là một kỳ tích.

Bên cạnh bao nỗi lo toan kiếm gạo, tiền nuôi con, chăm chồng suốt năm này sang năm khác, điều lo lắng nhất của bà là làm sao nuôi dạy con nên người. Ngay từ cái Tết đầu tiên dệt vải chưa kiếm được đồng nào, bà đã biết “phải cho con tiếp xúc với bà con xứ Huế cùng lời ca tiếng hát của đất đế đô”, đưa con đi nghe hò giã gạo. Năm tháng trôi đi, khó khăn càng chồng chất, bà vẫn đưa con đến bác xẩm mù nghe Vè Thất thủ Kinh đô để thấm thía nỗi đau mất nước, đưa con lên chùa Thiên Mụ để học điều nhân ái và chí tự lập, kể cho con nghe bao câu chuyện cổ tích, bao tấm lòng cao cả của con người, tiếp nhận nguồn mạch đạo lý cao đẹp và khát vọng lớn lao của dân tộc.

Bình luận về nhân vật bà HoàngThị Loan trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT Trung ương, trong “Lời giới thiệu” cuốn sách đã viết: “Chân dung bà Hoàng Thị Loan hiện lên rõ nét và sinh động với tính cần cù, quả cảm, tình yêu thương đằm thắm, đức hy sinh vô bờ và niềm mong mỏi cháy bỏng rèn luyện con nên người. Bà đã có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành nhân cách cao đẹp của cậu bé Nguyễn Sinh Cung thời thơ ấu, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này. Con người Bà hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người xứ Nghệ, của Người Mẹ Việt Nam. Đọc cuốn sách này, ta bắt gặp hình ảnh mẹ ta, bà ta, làm ta nghĩ đến bao người mẹ khác”.

Mùa Xuân Quý Tỵ đang về, trong ngõ nhỏ ở khối Yên Bình của Thành Vinh, cây bút tiểu thuyết Nguyễn Thế Quang lại lặng lẽ làm sống lại Ông quan - Nhà thơ tài hoa Nguyễn Công Trứ trong tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống, lại dấn bước trên con đường không ai định trước được, không thiếu niềm vui sáng tạo, nhưng chắc chắn là vô cùng nhọc nhằn, thử thách. Phải có sức xuân mới làm được như thế.

Chúng ta chờ đợi và hy vọng.


Nguyễn Khắc Phê (8, Xuân Diệu, TP. Huế)

Mới nhất
x
Sức xuân của một cây bút tiểu thuyết lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO