SV thiết kế thành công mô hình tàu khách chạy bằng năng lượng mặt trời
Với công trình “Thiết kế hệ động lực tàu khách 8 chỗ chạy sông sử dụng năng lượng mặt trời”, nhóm sinh viên Vương Hoàng Nguyên, Trần Nguyễn Kim Luân (ĐH Bách khoa TPHCM) đã giành giải Nhất trong chương trình “Giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc của sinh viên ĐHQG” năm 2013.
Xuất phát từ mục đích đưa ra một giải pháp kĩ thuật mới cho việc vận hành tàu thủy, hai sinh viên Vương Hoàng Nguyên và Trần Nguyễn Kim Luân (bộ môn Tàu thủy, khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TPHCM) đã nảy sinh ra ý tưởng thiết kế động cơ tàu thủy chạy bằng năng lượng mặt trời.
Nói về lí do đưa ra sáng kiến này, Hoàng Nguyên cho hay: “Tàu thủy chạy bằng năng lượng mặt trời có rất nhiều ưu điểm. Nó sử dụng động cơ điện nên không gây ô nhiễm môi trường, êm hơn và không gây tiếng ồn. Bên cạnh đó, nó mang tính kinh tế hơn so với các động cơ diezen truyền thống"
Để thực hiện được công trình này, Hoàng Nguyên và Kim Luân đã phân chia nhau công việc của mình. Hoàng Nguyên phụ trách về mảng điện, tính toán điện pin năng lượng mặt trời. Còn Kim Luân đảm nhiệm phần thiết kế những chi tiết của hệ động lực.
Sinh viên Vương Hoàng Nguyên (giữa) thay mặt nhóm nhận giải Nhất Giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc sinh viên ĐH Quốc gia năm 2013, ngày 20/9/2013
Để thực hiện được mô hình này, nhóm sinh viên đã mất tới 4 tháng rưỡi. Thời gian đầu thực hiện công trình, nhóm đã gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí và những dụng cụ, thiết bị để tiến hành đo đạc, kiểm tra động cơ của tàu. Những công cụ cần dùng cho việc thực hiện đều phải đi mượn hoặc tự chế theo cách của mình.
Mục đích thiết kế của tàu là dành cho những khu du lịch sinh thái có hồ hoặc là ven sông để phục vụ cho du lịch.
Công trình của Hoàng Nguyên và Kim Luân được Hội đồng chấm giải thưởng đánh giá cao về tính sáng tạo và tính ứng dụng thực tế. Hiện tại, nhóm đã thiết kế được hệ động lực theo tỉ lệ 1/10 so với thực tế. Công trình đã được cấp kinh phí và dự kiến đến năm sau sẽ đóng được tàu thật.
Chia sẻ về kinh nghiệm để nghiên cứu những mô hình tương tự, Hoàng Nguyên tâm sự: “Yếu tố sáng tạo và tìm tòi theo hướng mới là điều quan trọng trong việc nghiên cứu những đề tài như thế này. Muốn tìm được cái mới thì mình phải tự bắt tay vào làm. Mình phải tìm hiểu và cố gắng áp dụng được đề tài đó vào trong thực tế”.
Theo Nguoilaodong - LY