Tái bản Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75: Công bố 21 tài liệu tuyệt mật
Những tài liệu tham khảo nguyên bản được công bố toàn văn trong phần Phụ lục cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được tái bản có bổ sung lần này đã nâng cao giá trị, tính thuyết phục, tính trung thực của những sự kiện, sự việc, tình tiết và số phận các nhân vật mà cuốn sách đề cập tới, giúp ích cho nhu cầu của độc giả muốn tìm hiểu sâu thêm về những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” vừa có giá trị văn chương, vừa có giá trị vững chắc về sự thật lịch sử. |
Chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), Nhà xuất bản chính trị Quốc gia-Sự thật vừa tái bản có bổ sung cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.
Xuất bản lần đầu vào tháng 4/2014, cuốn sách được dư luận chào đón, độc giả tìm đọc và là tác phẩm duy nhất của thể loại văn xuôi được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trao tặng “Giải thưởng Văn học năm 2014” với số phiếu bầu tuyệt đối.
Bên cạnh việc tái hiện và khắc họa sinh động sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn do Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống trong 4 tháng cuối cùng của chiến tranh (gồm 19 chương, 552 trang), cuốn sách tái bản lần này còn có phần Phụ lục bổ sung gồm hơn 100 trang in toàn văn 21 tài liệu tham khảo nguyên bản về cuộc chiến mà ở thời điểm 40 năm trước là tài liệu tuyệt mật của phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ.
21 tài liệu tham khảo nguyên bản được in trong phần phụ lục và được xếp theo trình tự thời gian gồm:
1- Điện Tổng thống Mỹ Richard Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 5/1/1973.
2- Điện Tổng thống Mỹ Richard Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 17/1/1973.
3- Điện Tổng thống Mỹ Richard Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 20/1/1973.
4- Điện Tổng thống Mỹ Richard Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 22/1/1973.
5- Phúc trình của phái đoàn Việt Nam Cộng hòa tại Washington, Paris và London từ ngày 5/1 đến 19/1/1973 do Trần Văn Đỗ, nguyên Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa (1965-1967) và Bùi Diễm, nguyên Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Washington (1967-1972) cầm đầu.
6- Điện Tổng thống Mỹ Gerald R.Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 10/8/1974.
7- Công hàm ngày 26/2/1975 Tổng thống Mỹ Gerald R.Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu.
8- Điện Tổng thống Mỹ Gerald R.Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 21/3/1975.
9- Điện Tổng thống Mỹ Gerald R.Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 25/3/1975.
10- Hội nghị bàn chủ trương đối phó với tình thế ngày 10/12/1974 do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chủ trì.
11- Dự thảo Thư của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa gửi Đại tướng Georges Brown, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ.
12- Phiếu đệ trình Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
13- "Tóm tắt tổng hợp tình báo hàng tuần" của Phòng Tình báo (Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa).
14- Bút phê của Tổng thống về vấn đề các tin tức tình báo.
15- Công điện thượng khẩn ngày 24/3/1975 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
16- Tư văn ngày 6/4/1975 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
17- Những điểm nói chuyện tại phiên họp vạch chương trình khẩn cấp của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà
18- Phiếu đệ trình thượng khẩn ngày 8/4/1975 của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
19- Phúc trình thanh tra về tình hình quốc phòng hiện tại ngày 18/4/1975 của Trần Văn Đôn, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng.
20- Tài liệu nguyên bản đánh giá tình hình đến 19/4/1975 của Đại sứ Martin gửi Nguyễn Văn Thiệu.
21- Nguyễn Văn Thiệu phát biểu trước khi từ chức.
Trừ phát biểu của Nguyễn Văn Thiệu trước khi từ chức, 20 tài liệu tham khảo nguyên bản còn lại in trong phần Phụ lục đều là các tài liệu được đánh máy nguyên văn từ gần 40 năm trước theo đúng các tài liệu gốc thu được tại phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Dinh Độc lập và phòng làm việc của Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào trưa và chiều ngày 30/4/1975.
Cách trình bày, những chữ viết tắt, những câu tiếng Anh xen kẽ trong các tài liệu được giữ nguyên như tài liệu gốc và có bảng chữ viết tắt để tiện sử dụng.
Đây là các tài liệu nguyên bản có giá trị nhất, bước đầu được tác giả chọn trong số cả trăm tài liệu nguyên bản về cuộc chiến của phía bên kia mà tác giả đang lưu giữ để giới thiệu với bạn đọc.
Cùng với những tài liệu tham khảo nguyên bản, “Danh mục nhân vật” in trong phần phụ lục sẽ giúp độc giả dễ dàng tra cứu về từng nhân vật trong tổng số 249 nhân vật mà cuốn sách đề cập tới. 249 nhân vật đều là người thật, tên họ chính xác, những công việc mà họ đảm trách cũng được nêu cụ thể. Đó là những nhân vật chủ chốt trong bộ máy chính quyền Sài Gòn và tướng tá quân đội Sài Gòn ở tất cả các quân binh chủng, các quân khu, quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.
Những bức thư, điện văn của của các Tổng thống Mỹ R.Nixon, G.Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu và trả lời của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa; toàn bộ các văn bản đệ trình của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, các quyết định, sắc phong; toàn bộ các bức điện chỉ huy tác chiến của Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong quá trình diễn ra sự sụp đổ; các tóm tắt tin tức tình báo, các bản tường trình cùng lời khai của hàng chục tướng lĩnh quân đội Sài Gòn mà tác giả viện dẫn trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này đều là tài liệu nguyên bản.
Độ tin cậy không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở thời gian ban hành văn bản cũng như thời khắc các bức điện tuyệt mật chỉ huy tác chiến được phát đi. Nhờ đó, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” vừa có giá trị văn chương, vừa có giá trị vững chắc về sự thật lịch sử. Những tài liệu tham khảo nguyên bản được công bố toàn văn trong phần Phụ lục cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được tái bản có bổ sung lần này đã nâng cao giá trị, tính thuyết phục, tính trung thực của những sự kiện, sự việc, tình tiết và số phận các nhân vật mà cuốn sách đề cập tới, giúp ích cho nhu cầu của độc giả muốn tìm hiểu sâu thêm về những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn do Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống).
Không phải cuộc chiến tranh nào kết thúc cũng được "giải mã" bằng một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử viết dưới dạng “biên bản” trên cơ sở những tài liệu nguyên bản cùng những bản văn tin cậy của chính phía bên kia để tái hiện và phục dựng lại trung thực sự sụp đổ như nó đã diễn trong những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh.
Nhờ thế mà tính chất chính nghĩa-phi nghĩa, sự thắng-thua thật rành mạch, rõ ràng là không thể tranh cãi. Có lẽ “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tác giả Trần Mai Hạnh là một trong những cuốn sách hiếm hoi làm được điều đó.
Theo chinhphu.vn