Tai biến sản khoa: chờ giám định

29/05/2012 15:00

Việc liên tiếp xuất hiện các tai biến sản khoa thời gian qua khiến sản phụ và toàn xã hội lo lắng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Duy Khê, vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế nói: Kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong mẹ thời gian qua còn chờ kết quả giám định pháp y. Đến nay chúng tôi mới nhận được báo cáo giám định pháp y của hai trường hợp tai biến ở TP.HCM và Quảng Nam. Lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu trong tất cả trường hợp tai biến đã xảy ra, ngoài các nguyên nhân như thuyên tắc ối, phải nghiêm túc xem xét có những nguyên nhân gì nữa không! Có phải do thiếu cán bộ, tổ chức bố trí nhân lực chưa hợp lý hay có sai sót về tuân thủ quy trình chuyên môn, quy chế bệnh viện, về chẩn đoán, tiên lượng hay nguyên nhân thuộc về trình độ cán bộ để từ đó có giải pháp đồng bộ.


Niềm vui của cha mẹ đón con thơ trong ngày xuất viện - Ảnh: Quang Định

Phấn đấu 100% các bệnh viện huyện có thể thực hiện sinh mổ

Để giảm tai biến sản khoa, theo ông Nguyễn Duy Khê, cần triển khai đồng bộ các giải pháp: củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ tuyến trung ương đến cơ sở; nâng cao năng lực chuyên môn, bố trí đủ cán bộ cho các khoa sản, khoa nhi của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện và đảm bảo trang thiết bị cần thiết cho cấp cứu hồi sức. Phấn đấu 100% các bệnh viện huyện (trừ các bệnh viện huyện gần bệnh viện tỉnh trong khoảng cách dưới 20km hoặc có thể tiếp cận được với bệnh viện tỉnh trong thời gian không quá 60 phút) có thể thực hiện mổ đẻ và truyền máu.

* Thưa ông, vậy trong những ca tai biến xảy ra thời gian qua và đã có báo cáo gửi Bộ Y tế, trường hợp nào ông cho là có nguyên nhân từ sai sót quy trình, chẩn đoán, tiên lượng, cán bộ yếu...?

- Chúng tôi đang chờ báo cáo của các đoàn kiểm tra. Hiện đoàn của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện phụ sản T.Ư đang đi Quảng Ngãi, Hưng Yên và Đồng Nai. Quan điểm của Bộ Y tế là không bao che, phát hiện sai sót phải xử lý nghiêm. Tai biến sản khoa vẫn là thách thức lớn đối với các thầy thuốc do tính chất của tai biến sản khoa thường xảy ra nhanh, diễn biến bất thường và rất khó dự đoán. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 10 triệu ca tai biến sản khoa trong tổng số 80 triệu ca sinh, mỗi ngày có 1.000 ca tử vong mẹ. Tử vong mẹ ở Việt Nam (69/100.000 trẻ đẻ sống), thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Myanmar, nhưng cao hơn Thái Lan, Malaysia, Singapore.

* Trong những báo cáo tai biến sản khoa xảy ra thời gian qua, nhiều trường hợp thể hiện rõ có tình trạng chậm trễ. Bộ Y tế có thấy điều này?

- Ngoài kiểm thảo tử vong theo quy chế bệnh viện, Bộ Y tế đang chỉ đạo thực hiện hoạt động thẩm định tử vong mẹ. Hoạt động này trước đây đã được triển khai ở một số địa phương. Từ năm 2010, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu các sở y tế đẩy mạnh và mở rộng triển khai hoạt động này trong phạm vi toàn quốc. Đây là hoạt động nhằm rút kinh nghiệm về chuyên môn, trên cơ sở xem xét đánh giá chi tiết quá trình chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản phụ, từ đó rút kinh nghiệm xem tai biến do đâu, có liên quan đến chuyên môn hay do các nguyên nhân khác, giúp các thầy thuốc nâng cao chất lượng điều trị, xử trí cấp cứu, tránh không để xảy ra các trường hợp tai biến tương tự.

* Có ý kiến cho rằng đang thiếu rất nghiêm trọng cán bộ sản khoa. Ông thấy hệ thống hiện tại đã đủ đảm đương phục vụ trên 1 triệu ca sinh đẻ mỗi năm và nhiều dịch vụ liên quan đến sản phụ khoa khác?

- Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, không chỉ thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi mà thiếu cả bác sĩ chuyên khoa sản, không chỉ thiếu ở tuyến huyện mà thiếu cả ở tuyến tỉnh. Bộ Y tế đang xây dựng quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh sản nhi và xây dựng kế hoạch tổng thể về nguồn nhân lực y tế, trong đó có nguồn nhân lực chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa.

* Tất cả những ca chết mẹ do tai biến sản khoa gần đây đều ở tại các tỉnh thành đồng bằng, thành phố có điều kiện nhân lực. Vụ có báo cáo nào phân tích trong số các trường hợp chết mẹ do tai biến sản khoa hằng năm, có bao nhiêu trường hợp ở vùng núi, vùng sâu, bao nhiêu trường hợp tại đồng bằng hay không?

- Theo số liệu báo cáo tai biến sản khoa và tử vong mẹ, dù chủ yếu vẫn xảy ra ở các tỉnh/khu vực miền núi nhưng cũng có nhiều ca tử vong mẹ xảy ra tại các tỉnh đồng bằng, kể cả ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên. Để có số liệu tương đối chính xác về tử vong mẹ cần dựa vào điều tra nghiên cứu và chỉ có thể làm định kỳ 5-10 năm một lần do tổ chức điều tra rất tốn kém. Bộ Y tế rất muốn có số liệu đại diện cho từng vùng sinh thái, từng địa phương nhưng muốn vậy thì cỡ mẫu sẽ rất lớn, trong thực tế không thể làm được.


Theo Tuổi trẻ - H

Mới nhất
x
Tai biến sản khoa: chờ giám định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO