Tai biến sản khoa: Để không phải nói điều “đáng tiếc”

02/07/2012 15:20

(Baonghean) Liên tiếp các ca tử vong bà mẹ trong thời gian gần đây được báo chí đưa tin đã làm “nóng” dư luận về nguyên nhân cũng như dấy lên mối lo lắng của không ít phụ nữ sắp đến kỳ “vượt cạn”. Là một tỉnh rộng, đông dân, mỗi năm có khoảng 45.000 ca đẻ, với tỷ lệ tử vong mẹ khoảng 76/100.000 trẻ đẻ sống (theo điều tra năm 2009, 2010), thì tai biến trong sản khoa đang được đặt ra bức thiết trong ngành Y tế.

Tử vong mẹ và “những đáng tiếc”


Trước lúc vào phòng đẻ còn rất khỏe mạnh, nhưng sau đó ít phút, chị N.M.H được các bác sỹ Khoa Sản - BV Hữu nghị đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, suy tuần hoàn và chị đã tử vong không lâu sau đó. Mất vợ, mất đứa con đầu lòng, nhưng anh chồng sản phụ M. vẫn gắng gượng động viên mẹ vợ đang ngất lên, ngất xuống với câu hỏi nghi ngờ sự tắc trách của y bác sỹ trước cái chết quá bất ngờ của con, cháu mình, vì hơn ai hết, là người trong ngành, anh hiểu về tình trạng “thuyên tắc ối” không may đã rơi vào đúng vợ mình.

Tình trạng của chị M. là một tai biến khó lường trong sản khoa, xảy ra trong quá trình chuyển dạ của người mẹ, có tỷ lệ khoảng 7-8/100.000 ca đẻ, không dự phòng được và gây nên cái chết tức thì cho bà mẹ và cả em bé. Có thể xem như đây là hiện tượng sốc phản vệ rất dữ dội. Sau khi nghe giải thích cặn kẽ từ các bác sỹ và từ chính con rể, qua năm tháng, mẹ chị M. mới phần nào nguôi ngoai.

Nếu như trường hợp chị M với nguyên nhân tử vong do thuyên tắc ối là hiện tượng khá hiếm và không tránh khỏi cái chết, thì có rất nhiều ca tử vong mẹ là “thực sự đáng tiếc”, vì có thể cứu được nếu được phát hiện sớm, được theo dõi sát hoặc có đủ phương tiện vận chuyển, cấp cứu. Trường hợp của chị N (Thanh Chương) là một ví dụ.

Cách đây 2 năm, chị N chuyển dạ đúng hôm mưa lũ. Bị băng huyết sau khi sinh, chị N đã được truyền cấp cứu hơn 300 cc máu từ người nhà tại Bệnh viện huyện và được tức tốc chuyển tuyến xuống bệnh viện tỉnh. Do trời mưa lũ, xe cấp cứu phải đi đường vòng mất một đoạn dài, nên khi vừa tới cổng B.V tỉnh, chị N đã tử vong do mất máu. Các bác sỹ cho hay, nếu đến sớm vài phút, được truyền máu kịp thời thì khả năng cứu sống chị N là hoàn toàn có thể.

Trong 5 trường hợp tử vong mẹ trên toàn tỉnh từ đầu năm tới nay, cũng có không ít trường hợp đáng tiếc. Trừ trường hợp của chị Phan Thị L, 39 tuổi (Võ Liệt, Thanh Chương) có biểu hiện phù phổi cấp, suy tim sau hậu phẫu sinh con lần đầu có diễn biến bệnh tình nặng và phức tạp (tại Khoa Sản- B.V Hữu nghị Đa khoa tỉnh) thì các ca tử vong còn lại có thể khắc phục được nếu có đủ phương tiện cấp cứu và có y bác sỹ sản khoa giàu kinh nghiệm. Như trường hợp sản phụ Cụt Mẹ Th. ở Mường Ải, Kỳ Sơn đã tử vong khi sinh con lần đầu… tại nhà, trường hợp chị Lô Thị T. ở Mỹ Lý, Kỳ Sơn có thai 5 tuần, chửa ngoài tử cung đã tử vong trên đường chuyển xuống Bệnh viện tỉnh, chị Bùi Thị H. ở Thanh Chương chết do băng huyết, thiếu máu truyền tại B.V huyện, chị Hoàng Thị Ng. ở Nam Đàn cũng tử vong trên đường xuống viện tỉnh cấp cứu do bị đờ tử cung sau đẻ, choáng không hồi phục…

Người ta thường phân loại tử vong mẹ theo nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Các nguyên nhân trực tiếp là những bệnh tật hoặc biến chứng chỉ xảy ra khi mang thai và sinh nở như chảy máu trước, trong và sau đẻ, nhiễm khuẩn sau đẻ, nhiễm độc thai nghén, nạo phá thai, đẻ khó. Nguyên nhân gián tiếp bao gồm những bệnh tật mắc phải có thể trước hoặc trong khi mang thai, nhưng trầm trọng hơn bởi thai nghén như các bệnh: tim, lao, sốt rét… Ngoài các nguyên nhân về y học còn có các nguyên nhân khác như thất bại trong chăm sóc sức khỏe, thiếu phương tiện vận chuyển…

Tai biến sản khoa thường gặp gây nên tử vong mẹ và trẻ được khuyến cáo là: sản giật, vỡ tử cung, chảy máu sau đẻ, nhiễm trùng sản khoa và uốn ván sơ sinh. Gần đây, thêm tỷ lệ ngạt sơ sinh và tai biến phá thai cũng đang là một trong những mối lo ngại lớn. Sở dĩ như vậy bởi ngạt sơ sinh là một diễn biến sau khi sổ thai đối với trẻ có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nặng có thể tử vong trong những ngày đầu sau đẻ; một số trường hợp khác gây viêm nhiễm đường hô hấp trên, thiểu năng trí tuệ ảnh hưởng tới phát triển thể chất, tinh thần của trẻ sau này. Bên cạnh đó, tai biến phá thai hàng năm cũng gây tỷ lệ tử vong lớn với khoảng 60-70 ca tử vong hàng năm trên cả nước. Riêng Nghệ An, tử vong mẹ do phá thai không an toàn chiếm 5% số ca tử vong mẹ. Bên cạnh đó, phá thai không an toàn còn để lại những hậu quả nghiêm trọng khác như ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, gây vô sinh… đối với phụ nữ.

Theo bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Bá Tân- Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh thì những tai biến sản khoa là không tránh khỏi (có một tỷ lệ cho phép đối với ngành Y tế). Trong đó có tai biến do thuyên tắc mạch ối được xem như “cầm chắc cái chết”. Còn phần lớn các nguyên nhân khác đều có thể tiên lượng, phòng tránh hay hạn chế tỷ lệ tử vong.

Có thể hạn chế, phòng ngừa

Có thể nói, trong những năm qua, Nghệ An đã có nhiều quan tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bằng chứng lớn nhất chính là việc thành lập Bệnh viện Sản Nhi. Ngoài ra, có những thuận lợi khác như hệ thống y tế thôn bản đến xã, huyện, tỉnh… đều có phát triển chuyên môn về sản khoa, đặc biệt là có sự hỗ trợ của một số dự án: GTZ, GIZ, JICA…Tỉnh ta có đội ngũ nữ hộ sinh, cử nhân điều dưỡng sản nhi ở trạm xá xã xuống đến cả thôn bản. Các khoa sản, ngoại-sản ở tuyến huyện có thể đảm nhận được các cấp cứu sản khoa, những phẫu thuật thông thường đến phức tạp.

Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn đặc biệt và đặc thù, khiến tỷ lệ tử vong mẹ vẫn còn khá cao. Thứ nhất phải kể đến đó là địa bàn rộng, đường giao thông khó khăn, phương tiện vận chuyển thô sơ, đặc biệt là ở 5 huyện miền núi cao. Có nhiều sản phụ đã tử vong do phong tục tập quán sinh nở tại nhà, tại chòi trong rừng (chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số) do bị chảy máu, nhiễm trùng. Có những ca do cán bộ y tế yếu, không tiên lượng được diễn biến cuộc đẻ, cộng với trang thiết bị thiếu ở tuyến cơ sở. Phần lớn, tử vong mẹ ở tuyến huyện là do thiếu máu truyền.

Theo các bác sỹ, nếu có sẵn nguồn máu, có thể cứu được phần lớn các ca tử vong mẹ. Ngoài Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh có sẵn nguồn máu dự trữ tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu thì các bệnh viện tuyến dưới chưa đáp ứng được đối với những ca tai biến cần truyền máu. Hiện mới chỉ có Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc phát triển được ngân hàng máu sống khá hiệu quả, cứu sống kịp thời nhiều ca bệnh hiểm. Đây cũng là một đơn vị điển hình làm tốt công tác hiến máu tình nguyện.

Theo bác sỹ Nguyễn Bá Tân, để hạn chế các tai biến sản khoa, việc cần quan tâm đầu tiên chính là tăng cường công tác quản lý thai nghén. Phụ nữ mang thai phải được quản lý theo danh sách từ thôn, xóm và được khám thai định kỳ, được cấp sổ theo dõi, thăm khám. Khám thai ít nhất 3 lần trong 3 chu kỳ thai nghén, khám thai kèm theo khám toàn thân và sàng lọc thai nghén, siêu âm và khám sàng lọc vào các thời điểm tuổi thai 12-22-32 tuần.

Khám thai vào 3 tháng cuối kỹ lưỡng, nhân viên y tế phải tiên lượng cuộc đẻ và tư vấn chọn nơi sinh cho sản phụ để đảm bảo an toàn. Tiến hành tiêm phòng uốn ván bà mẹ theo quy định để tránh nhiễm trùng sau sinh. Các cơ sở y tế có dịch vụ đỡ đẻ cẩn chuẩn bị chu đáo phương tiện đỡ đẻ, cấp cứu và chuyển tuyến khi cần thiết, thực hiện đúng phân cấp kỹ thuật do Bộ Y tế quy định. Các tuyến đều cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện như xe cấp cứu, đội phẫu thuật cấp cứu để hỗ trợ tuyến dưới trong cấp cứu. Xe cấp cứu nên ưu tiên tuyệt đối cho việc cấp cứu bệnh nhân, tránh dùng vào các mục đích khác. Đặc biệt, chuẩn bị sẵn máu và các dung dịch thay thế. Đối với tuyến huyện chưa có kho máu dự trữ nên có phương án để truyền máu cấp cứu như ngân hàng máu sống, truyền máu cùng huyết thống.

Và một yếu tố quan trọng không thể thiếu, ngành Y tế cần nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên sản phụ khoa, cả về tay nghề lẫn y đức. Các y, bác sỹ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi sát sao mỗi cuộc sinh nở, các yếu tố chuyển dạ để khám và tiên lượng đúng về cuộc đẻ, quyết định đẻ thường hay mổ đẻ. Ngay trong khi đỡ đẻ cũng phải chú ý yếu tố kỹ thuật để đảm bảo mỗi đứa trẻ ra đời phải được khỏe mạnh, tránh để sản phụ mất máu nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự hồi phục sau này. Một điểm nữa được bác sỹ Tân nhấn mạnh chính là tình trạng nạo phá thai không an toàn cần được cảnh báo nhiều hơn nữa trong cộng đồng.


Thùy Vinh

Tai biến sản khoa: Để không phải nói điều “đáng tiếc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO