Tái cấu trúc doanh nghiệp - Liều thuốc “tăng lực” nâng cao sức cạnh tranh

05/12/2011 16:14

Việc cấu trúc lại doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, và đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay thì  tái cấu trúc là vấn đề cần thiết để các doanh nghiệp ở tỉnh ta “tăng lực” nâng cao sức cạnh tranh, phát triển vững vàng trong cơ chế thị trường.

(Baonghean) - Việc cấu trúc lại doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, và đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay thì tái cấu trúc là vấn đề cần thiết để các doanh nghiệp ở tỉnh ta “tăng lực” nâng cao sức cạnh tranh, phát triển vững vàng trong cơ chế thị trường.

Bình quân mỗi tháng, Sở KH- ĐT Nghệ An cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho hơn 100 doanh nghiệp. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.100 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ĐKKD. Điều này cho thấy mặc dù đang trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng việc phát triển các doanh nghiệp vẫn đạt kết quả cao. Theo thống kế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 9.000 doanh nghiệp, trong đó có 2.900 Công ty cổ phần; hơn 2.142 Công ty TNHH 2 thành viên trở lên; 1.304 Công ty TNHH 1 thành viên hơn 2.700 doanh nghiệp tư nhân. Tuy phát triển mạnh về lượng, nhưng một thực tế đang quan tâm tại các doanh nghiệp ở tỉnh ta là chưa chú trọng về chất, điều này thể hiện rõ như: Quy mô của doanh nghiệp nhỏ, hiện có đến 21% doanh nghiệp thuộc dạng siêu nhỏ, 59% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp vừa.

Là doanh nghiệp nhỏ, cách quản lý theo kiểu gia đình, làm ăn manh mún, nhỏ lẻ thiếu sự liên kết, hợp tác trong làm ăn và phát triển doanh nghiệp... Đang trong giai đoạn “thắt chặt” đầu tư, tình hình kinh tế khó khăn là điều kiện khắt khe để sàng lọc, lựa chọn các doanh nghiệp có lực để tồn tại, đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp lựa chọn phương án đầu tư phát triển phù hợp với tình hình. Thực tế trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta có không ít doanh nghiệp đã không đứng vững trên thị trường, phải chấp nhận thu hẹp sản xuất, dẫn đến tình trạng thua lỗ, giải thể doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh cócó hơn 800 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động), 590 doanh nghiệp chưa giải thể, nhưng đã đóng mã số thuế, có 28 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động.

Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11và ban hành Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ, tiếp tục cắt giảm đầu tư công, chuyển đổi hình thức đầu tư, thay đổi nguồn nguồn và hình thức thanh toán... nên ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn để ổn định sản xuất, tái cấu trúc... Trong thế khó đó, đã “ ló” tín hiệu hiệu vui, đó là các doanh nghiệp tư nhân, có quy mô nhỏ đã bắt đầu mạnh dạn “cởi bỏ” tập quán quản lý, sản xuất – kinh doanh theo kiểu gia đình, mà thay vào đó là mô hình quản trị công như: liên doanh, sáp nhập, cổ phần... rõ ràng, công khai, minh bạch và nhất là nâng cao được tiềm lực để cạnh tranh và đứng vững trong cơ chế thị trường.

Một số doanh nghiệp phát triển theo hướng này có thể kể đến như doanh nghiệp Thanh Thành Đạt, từ một doanh nghiệp “không tên tuổi”, cung cách làm ăn theo kiểu gia đình, nhưng sau một thời gian ngắn vật lộn với thị trường nay đã bắt đầu khẳng định được thương hiệu lớn tại Nghệ An với các ngnàh nghề kinh doanh rất thành công như: Xuất khẩu dăm gỗ; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Vận tải hàng hoá đường bộ, đường biển; Xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi; Sản xuất nguyên liệu giấy; Sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản... và mới mới đây rất “mạnh tay” đầu tư vào lĩnh vực nông công nghiệp sang thị trường Lào. Hay doanh nghiệp tư nhân có tiếng ở Nghệ An là Huệ Lộc, khởi đầu bằng nghề kinh doanh buôn bán xe máy, sau đó trở thành doanh nghiệp mạnh về kinh doanh bất động sản, khách sạn... và mục tiêu là phát triển theo hướng đa ngành.

Như đã nêu ở trên, do đặc thù của doanh nghiệp ở tỉnh ta là nhỏ lẻ nên rất khó tồn tại và đứng vững được trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Và rồi thực tế trong thời gian qua đã xẩy ra “sóng ngầm” trong việc chuyển đổi hình thức sở hữu chưa lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp mạnh “thâu tóm” các doanh nghiệp khác bằng cách bỏ tiền mua cổ phiếu, cổ phần với mục đích sở hữu doanh nghiệp có lợi thế về đất đai, mặt bằng rộng ở những vị trí đắc địa ở TP Vinh, nhưng sau khi có được vị trí quan trọng, doanh nghiệp đó lại không tiếp tục đầu tư vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh... Sự việc này có người cho rằng đó chỉ là động thái gắn mác: Tái cấu trúc doanh nghiệp. Nhưng theo tìm hiểu, đó chỉ là cớ để doanh nghiệp làm chuyện khác...

Mặc dù gặp phải những “hạt sạn” tác động xấu đến việc tái cấu trúc, phát triển doanh nghiệp, nhưng đó không phải là lực cản đường trong tiến trình đổi mới, phát triển của doanh nghiệp ở Nghệ An. Một cách để tồn tại và phát triển vững vàng trong cơ chế mới là doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn trong việc huy động được nguồn vốn đầu tư, ổn định sản xuất – kinh doanh, thực hiện tái cấu trúc... Và việc quan trọng trong mục tiêu phát triển doanh nghiệp của tỉnh là tiếp tục duy trì và phát triển các doanh nghiệp thông qua việc mở rộng quy mô và đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất – kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh thị trường, đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.


Hoàng Vĩnh

Mới nhất

x
Tái cấu trúc doanh nghiệp - Liều thuốc “tăng lực” nâng cao sức cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO