Tái cấu trúc nội ngành - Giải pháp nâng giá trị hàng nông sản

18/04/2014 23:23

(Baonghean) - Nghệ An là địa phương có diện tích lớn nhất trong cả nước, trong đó có khoảng 256 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp. Do địa hình đa dạng nên ngoài diện tích trồng lúa, Nghệ An có đủ điều kiện phát triển mạnh cây công nghiệp. Tuy nhiên, từ việc tổ chức vùng nguyên liệu đến khâu chế biến chưa có bước đột phá về năng suất chất lượng dẫn đến giá thành cao nên thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Có thể thấy rõ điều này ở 2 sản phẩm chủ lực của Nghệ An là chè và mía đường.

Chế biến cao su tại Công ty Cà phê Cao su Nghệ An.
Chế biến cao su tại Công ty Cà phê Cao su Nghệ An.

Chè, mía thiếu đột phá

Hiện nay trên địa bàn có gần 8.000 ha chè kinh doanh, đang phấn đấu đến năm 2015 đạt 12.000 ha tổng diện tích. Sản lượng chè đạt gần 8.000 tấn chè khô. Vùng nguyên liệu chè giải quyết việc làm cho khoảng 20 vạn lao động. Trong chiến lược phát triển của mình, ngành chè đã đầu tư để chế biến sâu tạo ra sản phẩm để xuất khẩu trực tiếp. Tuy nhiên, chất lượng chè chưa cao. Việc chuyển giao tiến bộ khoa học cho người dân chưa chú trọng nên người dân đầu tư không đúng mức, thu hoạch không khoa học dẫn đến chè phát triển không đồng đều. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa chú trọng, hệ thống hồ đập chưa được đầu tư đúng mức nên về mùa khô hạn thường xẩy ra thiếu nước dẫn đến chè chết hàng loạt, giảm năng suất, chất lượng.

Hàng năm, vào mùa khô hàng trăm ha chè ở vùng Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông... bị chết. Từ những nguyên nhân trên dẫn đến chất lượng sản phẩm không bảo đảm. Một trong những yếu tố tạo nên chất lượng sản phẩm đó là chế biến. Hiện tại, ngoài các dây chuyền chế biến nguyên liệu của các xí nghiệp thuộc Công ty TNHH MTV chè Nghệ An được đầu tư tương đối bài bản, hàng năm vào mùa thu hoạch tại các địa phương vùng chè xuất hiện khoảng gần 60 cơ sở chế biến chè mọc lên nhiều cơ sở trong số này không có giấy phép kinh doanh, chất lượng không được quản lý. Nhiều cơ sở mọc lên dẫn đến việc cạnh tranh về giá cả, tranh mua tranh bán rất khó kiểm soát được chất lượng. Mặt khác ngay cả dây chuyền chế biến của các cơ sở kinh doanh lớn hầu hết thiết bị cũ lạc hậu dẫn đến sản phẩm, chất lượng không cao. Theo một nguồn tin, Nghệ An là tỉnh có số lượng chè xuất khẩu lớn nhất cả nước nhưng nhiều cơ sở xuất qua ủy thác, hoặc bán nguyên liệu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu.

Đối với cây mía, hàng năm cứ đến mùa thu hoạch, người nông dân thường kêu ca bị ép giá. Thời buổi kinh tế thị trường chỉ cần một cú click chuột người nông dân có thể biết được giá thu mua mía khắp cả nước. Hiện nay, thu nhập từ cây mía theo tính toán mỗi ha người nông dân lãi khoảng hơn 13 triệu đồng thấp thua so với một số cây trồng khác. Lý do thu nhập thấp là do năng suất mía chỉ đạt 55 tấn/ha. So với các tỉnh phía nam năng suất mía đạt hơn 100 tấn, gấp đôi ở ta. Từ chỗ năng suất đạt thấp dẫn đến giá thành sản xuất đường giá thành cao. Theo tính toán giá thành vụ ép 2013 - 2014 là 12.300 đồng/ kg đường. Đây là lý do khiến cho diện tích mía đường ngày một giảm sút. Thời kỳ hoàng kim, chỉ riêng Công ty mía đường Nghệ An Tate & Lyle diện tích mía lên đến hơn 25.000 ha, nay giảm hơn 4.000 ha, diện tích toàn tỉnh hiện nay xấp xỉ 28.000 ha. Sau bệnh chồi cỏ, canh tác không đảm bảo khoa học năng suất thấp… diện tích trồng mía đang bị các loại cây trồng khác “xâm lấn” như sắn, cao su, chè v.v…

Tái cấu trúc nội ngành

Với chủ trương đa dạng hóa cây trồng, bên cạnh cây lúa, trong những năm qua, cây công nghiệp đang được chú trọng phát triển. Việc hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn của tỉnh. Song song với vùng cây nguyên liệu, đã hình thành phát triển ngành công nghiệp chế biến. Để “bức tranh” cây công nghiệp Nghệ An mang một gam màu mới, điều đầu tiên, kiên quyết là phải tái cấu trúc nội ngành. Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Nằm trong chương trình tái cấu trúc lại cây công nghiệp, ngành NN đang rà soát lại tất cả các quy hoạch, chọn cây trồng chủ lực để tập trung đầu tư. Cây công nghiệp dài ngày hướng đến là chè cao su, ngắn ngày mía lạc. Nghiên cứu xác định rõ từng loại đất, phân loại để đề ra các biện pháp canh tác cụ thể cho từng loại, chất đất. Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về giống, đề ra các biện pháp kỹ thuật cho từng vùng miền. Cải tiến, hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch từng loại cây theo hướng đưa cơ giới hóa thay thế lao động thủ công. Xúc tiến lập dự án hình thành các khu công nghệ cao ở vùng trồng mía, chè cao su…áp dụng các công nghệ tiến tiến để nâng năng suất lên...

Chủ trương tái cấu trúc của Bộ NN và PTNT là cơ hội để sắp xếp, định hướng phát triển có tính chất chiến lược. Trong cơ cấu phát triển cây công nghiệp của địa phương có thể thấy danh sách nhiều loại cây trồng, nhưng trên thực tế dần bị xóa sổ. Ví như cây cà phê, theo Nghị quyết 17, Nghệ An sẽ có 2.000 ha cà phê, trên thực tế diện tích cà phê trên địa bàn giảm nhanh trong thời gian qua, hiện nay theo thống kê mới nhất chỉ còn hơn 600 ha cho năng suất chất lượng kém. Số phận của 600 ha sẽ được định liệu trong tương lai gần khi hết chu kỳ khai thác. Từ chỗ định hướng tràn lan dẫn đến diện tích phân tán nên sản phẩm không đủ để xây dựng nhà máy chế biến công nghiệp, không có sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng.

Vì thế, trong chiến lược tái cấu trúc chỉ nên chọn một vài cây chủ lực để tạo ra nguồn sản phẩm lớn đủ cung cấp cho các cơ sở chế biến lớn, hiện đại. Trong quy hoạch cần mời các cơ quan có chuyên môn sâu để đánh giá về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng… để xác định giống cây trồng phù hợp nhất. Ngành chức năng cần đưa về những bộ giống tốt để nhân và xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với thị trường một cách bền vững là những giải pháp cần thiết để nâng cao giá trị nông sản hàng hóa. Trên cơ sở xác định cây con chủ lực xây dựng thành vùng nguyên liệu để có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư sâu vào khâu chế biến. Có như vậy hàng nông sản Nghệ An mới nâng cao được giá trị, tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp.

Anh Tuấn

Mới nhất

x
Tái cấu trúc nội ngành - Giải pháp nâng giá trị hàng nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO