Tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng
(Baonghean) - Năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167/479 doanh nghiệp (DN), trong đó: cổ phần hoá (CPH) được 143/432 DN, 1 DN chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, giải thể 3 DN, bán 3 DN, sáp nhập 14 DN và đề nghị phá sản 3 DN. Đến nay, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, BĐS, quỹ đầu tư trên 2.818 tỷ đồng, thu về khoảng 3.228 tỷ đồng.
Kết quả này cho thấy, còn một chặng đường dài và khó khăn nữa phải đi qua trong năm 2015, để đạt được mục tiêu đã đặt ra trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN
Theo Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tiếp tục triển khai Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước, cơ chế quản lý, giám sát tài chính, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với DNNN, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN. Đồng thời, tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đóng gói sản phẩm tại Nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Ảnh: L.M |
Tính đến hết ngày 20/5/2015, cả nước cổ phần hóa 43 DN. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2015 cả nước còn phải thực hiện cổ phần hoá 246 DN nữa, trong đó, có 50 DN đã công bố giá trị DN, 196 DN đang xác định giá trị DN. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành được thực hiện theo kế hoạch, lộ trình. Tuy nhiên, số lượng vốn Nhà nước được CPH còn thấp, tỷ lệ vốn Nhà nước còn nắm giữ ở các DN hoạt động trong những lĩnh vực Nhà nước không cần giữ chi phối hoặc không cần nắm giữ còn cao. Một số cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, CPH DNNN còn chậm được ban hành. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu năm 2015 đề ra, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, DNNN thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt - Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Trong tiến trình đó, bên cạnh tái cấu trúc DNNN, một trong những việc cấp thiết phải làm là rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về phân cấp và quản lý đầu tư công nhằm thực hiện tốt tiến trình tái cơ cấu đầu tư công. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công việc này, trong đó, xác định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư; rà soát danh mục các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia; ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án quan trọng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội. Đồng thời, phải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư nhà nước có hiệu quả, các dự án đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tái cấu trúc thị trường tài chính
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động vốn qua thị trường tài chính (TTTC), thị trường chứng khoán (TTCK) và tăng cường quản lý giám sát TTTC, thị trường vốn, bảo đảm cho các thị trường này hoạt động lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho DN và nền kinh tế được đặt ra hết sức cấp thiết. Ví dụ như dự thảo nghị định quy định về hưu trí tự nguyện nhằm góp phần phát triển thị trường trái phiếu và đảm bảo sự đa dạng của hệ thống an sinh xã hội cho đối tượng lao động có thu nhập cao sau khi nghỉ hưu, hay đề án quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm giai đoạn 2015 - 2020, đề án tái cơ cấu thị trường trái phiếu... là những động thái rất cần thiết để tái cấu trúc TTTC. Đồng thời, tích cực triển khai đồng bộ các đề án tái cấu trúc TTCK, trong đó tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho thị trường này hoạt động và phát triển, góp phần thúc đẩy sự ổn định, phát triển vững chắc của TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và thu hẹp dần khoảng cách giữa thị TTCK Việt Nam với thế giới - Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.
Nhờ tích cực, chủ động xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, triển khai các bước nhằm tái cấu trúc và phát triển TTCK bền vững, TTCK Việt Nam trong những tháng đầu năm đã thu hút được vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đã hỗ trợ công tác CPH và xử lý nợ xấu; việc công bố thông tin, đăng ký giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết đã đi vào khuôn khổ chặt chẽ hơn, nâng cao tính minh bạch, cải thiện thanh khoản cho hàng hóa trên thị trường, quản trị công ty theo hướng tiếp cận dần với các thông lệ quốc tế. Việc nghiên cứu, phát triển và từng bước đưa các sản phẩm chứng khoán mới được thực hiện song song với việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và quy mô phát triển của thị trường. Với giá trị vốn hóa TTCK đạt gần 31,1% GDP (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014), giá trị giao dịch tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2014, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đến nay đã đạt trên một trăm nghìn tỷ đồng, giúp cho DN có nguồn vốn trung và dài hạn để sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, công tác rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý đối với hoạt động kinh trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược, casino; đồng thời, triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết, trò chơi điện tử có thưởng, casino, đặt cược đảm bảo thị trường xổ số và trò chơi có thưởng phát triển lành mạnh, ổn định theo đúng định hướng của Nhà nước cũng được đẩy mạnh. Ngành Tài chính đã lựa chọn đối tác tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC cho Công ty xổ số điện toán Việt Nam để sớm đưa sản phẩm xổ số điện toán ra thị trường.
Củng cố và phát triển đồng bộ các loại hình thị trường
Về tái cơ cấu thị trường bảo hiểm (TTBH), Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy TTBH tăng trưởng tích cực và ổn định. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý kinh doanh bảo hiểm phải theo hướng tăng minh bạch, giảm rủi ro, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN bảo hiểm tăng trưởng hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường quản trị DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, bảo đảm thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững và ổn định. Với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt gần 25 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Đối với thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, kiểm toán; cập nhật hệ thống chuẩn mực kế toán DN, chuẩn mực công; đẩy mạnh công tác quản lý và hoạt động hành nghề kế toán, kiểm toán như: đăng ký hành nghề của các DN kế toán, kiểm toán; cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề cho các kế toán viên, kiểm toán viên; kiểm tra chất lượng dịch vụ của các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán;...
Trong những tháng còn lại của năm 2015, định hướng tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển thị trường vốn, TTCK, TTBH; triển khai đồng bộ các đề án tái cấu trúc và phát triển TTCK và các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, minh bạch và an toàn. Triển khai các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của nhà đầu tư, bảo đảm khả năng huy động vốn cho NSNN; nâng cao khả năng huy động vốn qua TTCK… là những giải pháp được Bộ Tài chính xác định trọng tâm. Bên cạnh đó, ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu DN; xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý ngân quỹ KBNN góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu, sử dụng có hiệu quả tồn quỹ NSNN.
Hồng Hà