Tái cơ cấu ngân hàng: Đích đã gần
(Baonghean) - Trong tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, một trong 3 lĩnh vực then chốt chính là cơ cấu lại thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing TP. Hồ Chí Minh, sau gần 4 năm triển khai, trong 3 lĩnh vực trụ cột phải tái cơ cấu của nền kinh tế thì tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được thành công cả về chất và lượng đúng theo kịch bản đề ra.
Tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) là một trong những nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã được xác định rõ ràng. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD. Cùng với đó, nâng cao công tác quản lý trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Để đạt được mục tiêu trên, rất nhiều giải pháp tái cơ cấu đã được đưa ra, như: khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Techcombank Nghệ An. Ảnh: Quỳnh Lan. |
Song song với quá trình tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiềm chế gia tăng nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu. Đến hết tháng 8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 400 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương đương trên 90% tổng số nợ xấu. Trong đó hệ thống các TCTD đã tự xử lý gần 60% tổng nợ xấu đã xử lý; số nợ còn lại được bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), đưa tỷ lệ nợ xấu đến nay về mức 2,9%, hoàn thành sớm hơn mục tiêu đã đặt ra (đến cuối năm 2015 đạt mức dưới 3%).
Có thể khẳng định, quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã đạt được thành công nhất định, phù hợp với “thể trạng”, tình hình kinh tế của nước ta. Trong bối cảnh không có “tiền tươi, thóc thật” thì cách tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu đặt an toàn hệ thống ngân hàng lên hàng đầu là phương án tối ưu. Mới đây, với việc Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định của VAMC, tạo cơ sở pháp lý cho VAMC hoạt động hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu là bước khởi đầu thuận lợi và tăng quyền cho VAMC trong quá trình xử lý nợ xấu. Thời gian tới, khi những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu được các cấp, các ngành tháo gỡ, hoạt động SX - KD được cải thiện mạnh mẽ, thị trường mua bán nợ được hình thành và phát triển thì tình hình xử lý nợ xấu của các TCTD nói chung và việc xử lý nợ xấu đã mua cũng như việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường của VAMC sẽ mang lại kết quả tích cực hơn.
Có thể khẳng định, ngành Ngân hàng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và ngành đặt ra, trong đó, 2 năm 2014 - 2015 là năm thể hiện rõ nét nhất kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Kết quả này đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng vững chắc hơn và củng cố niềm tin của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với ngành Ngân hàng. Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho ngành Ngân hàng thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020.
Sớm cụ thể hóa Luật Đầu tư công
Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2, cần phải là có sự tổng hòa của các giải pháp từ cả nền kinh tế chứ không riêng hệ thống ngân hàng. Trong đó, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch. Khi môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi hơn, DN mới tăng cường đầu tư vốn. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế phải diễn ra đồng bộ, không chỉ đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà cả lĩnh vực đầu tư công, DNNN cũng cần diễn ra mạnh mẽ hơn.
Đối với vấn đề tái cơ cấu đầu tư công, phải sớm triển khai cụ thể hóa Luật Đầu tư công, đảm bảo đúng người, đúng việc, sao cho tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Từ đây, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến những dự án đầu tư công không hiệu quả, chậm tiến độ gây lãng phí; đồng thời xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan liên quan trong quá trình tái cơ cấu đầu tư công. Đối với tái cơ cấu DNNN, Chính phủ cũng cần phải quyết liệt thực hiện nhiều cải cách, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Thời gian tới, để hoạt động tái cơ cấu DNNN hiệu quả, tôi nghĩ rằng không nên chạy theo thành tích về con số doanh nghiệp được cổ phần hóa mà phải quan tâm đến chất lượng, mà cụ thể là về hiệu quả kinh doanh thông qua việc sử dụng vốn cổ phần hóa hiệu quả. Vấn đề quan trọng nữa là thay đổi mô hình quản trị, giám sát và đảm bảo tính minh bạch, công khai tại DNNN, để người dân giám sát được hoạt động kinh doanh của Nhà nước. Có như vậy, mới giải quyết bài toán tái cơ cấu DNNN.
Giao dịch tại ngân hàng Sacombank Lạng Sơn (ảnh Internet). |
Ngoài ra, cần điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ ổn định lãi suất, tỷ giá, gia tăng lòng tin của người dân vào đồng Việt Nam. Phải tìm ra giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề tài sản của các ngân hàng. Có như vậy mới đảm bảo duy trì sự ổn định, lành mạnh hóa năng lực tài chính của các ngân hàng, tạo lập được một hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.
Sông Hồng
TIN LIÊN QUAN