Tái cơ cấu quỹ tín dụng: Chuyển biến về chất

19/01/2016 15:08

(Baonghean) - Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn Nghệ An đang hoạt động khá ổn định với 55 quỹ, tổng vốn điều lệ khoảng 200 tỷ đồng. Tái cơ cấu quỹ tín dụng đang là cầu nối giúp các QTD hoạt động hiệu quả hơn.

Theo Thông tư số 39/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011, các QTDND có tổng tài sản từ 50 tỷ đồng trở lên bắt buộc phải tiến hành kiểm toán độc lập. Việc làm này giúp hoạt động của các đơn vị minh bạch hơn, qua đó giảm thiểu các rủi ro lan truyền hệ thống. Sau khi có Thông tư 39, ngày 29/12/2011 NHNN đã ban hành Thông tư số 44/2011/TT-NHNN (TT 44) về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Trong đó, NHNN có những quy định riêng biệt dựa trên những đặc thù về quy mô, trình độ, khả năng áp dụng của các QTDND.

1
Giao dịch tại QTDND Vân Diên, Nam Đàn

Trên địa bàn Nghệ An, Quý tín dụng nhân dân xã Nghi Hương, Cửa Lò được đánh giá là TCTD hoạt động hiệu quả. Hiện QTD nhân dân Nghi Hương có 2.396 thành viên. HĐQT, ban kiểm soát, ban điều hành duy trì đều đặn chế độ hội họp, đánh giá và kiểm điểm nghiêm túc kết quả công tác quản trị điều hành trong hoạt động kinh doanh, công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ. Tập trung vào rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động, chất lượng tín dụng, chấp hành chế độ kế toán thống kê, chế độ ngân quỹ…, tạo đà cho quỹ hoạt động đúng tiêu chí mục đích, đúng luật, phát triển vững chắc, an toàn, hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Hạnh – Giám đốc QTD Nghi Hương cho biết, chúng tôi chấp hành nghiêm túc quy chế cho vay đối với khách hàng và quy định nội bộ về hoạt động tín dụng, thực hiện chặt chẽ các bước trong cho vay mà nhất là công tác thẩm định, kiểm tra sử dụng vốn vay đảm bảo hiệu quả đầu tư tín dụng. Công tác phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng được thực hiện nghiêm túc, hàng tháng rà soát chuyển nợ quá hạn và phân loại nợ theo các nhóm quy định, trích lập dự phòng rủi ro chính xác đúng tỷ lệ quy định. Chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tính đến ngày 31/12/2015 là 12,5/ 8% theo quy định. Giới hạn tín dụng cho vay tối đa một khách hàng không vượt quá15% và một nhóm khách hàng là 20% và 30% vốn tự có theo quy định. Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, không vượt quá 20% theo quy định.

Đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn trung và dài hạn của Quỹ đạt 65,891 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn: 24,484 tỷ đồng. Dư nợ cho vay trung dài hạn đến 31/12/2015: 26,152.5 tỷ đồng, chiếm 39,7% nguồn vốn trung dài hạn.

Từ nguồn vốn vay của quỹ tín dụng, người dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế
Từ nguồn vốn vay của quỹ tín dụng, người dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ

Thực hiện phương án tái cơ cấu, Quỹ tín dụng nhân dân xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương luôn chấp hành tốt các quy định về các tỉ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng nhà nước, tỉ lệ đầu tư mua sắm cố định dưới 50% tổng vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Tăng cường công tác đôn đốc thu hồi nợ và cho vay, tuyên truyền lãi suất huy động và cho vay công khai tại trụ sở làm việc, tạo điểu kiện thuận lợi cho thành viên và khách hàng vay vốn cũng như giao dịch tiền gửi. Đồng thời thực hiện tái cơ cấu trên các phương diện: bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động, các chỉ số hoạt động. Hiện Quỹ Tín dụng xã Thanh Lĩnh có tổng vốn hơn 40 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động 33 tỷ đồng, dư nợ cho vay 32 tỷ đồng. Thời gian qua, Quỹ thường xuyên chỉ đạo bộ phận tín dụng tăng cường công tác thẩm định và đôn đốc thu hồi nợ đã và đang đến hạn, tỷ lệ nợ xấu thấp, dưới 1%.

Bùi Thị Thương – Giám đốc QTDND xã Thanh Lĩnh cho biết: Thời gian tới chúng tôi tiếp tục vận động người dân hiểu rõ hơn về hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân thông qua các hình thức tuyên truyền để người dân tham gia xác lập thành viên, vay vốn và gửi tiền nâng cao quy mô hoạt động của đơn vị; điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay hợp lý trong từng kỳ hạn, từng giai đoạn để nâng cao nguồn vốn và tăng dư nợ. Cùng với đó là phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác đôn đốc thu hồi nợ quá hạn đặc biệt là nợ quá hạn nhóm 5.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 55 quỹ, tổng vốn điều lệ khoảng 200 tỷ đồng. Thời gian qua, các QTDND đang hoạt động theo tiêu chí là hỗ trợ thành viên, không chạy theo lợi nhuận, chủ yếu đảm bảo chi phí tồn tại và phát triển. Hệ thống QTDND góp phần phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi...

Ông Cao Văn Hợi – Phó Giám ngân hàng NN cho biết: Hiện nay, 100% QTDND trên địa bàn đều đạt hoặc vượt mức kế hoạch đưa ra theo phương án cơ cấu về vốn điều lệ; phần lớn các Quỹ đều có công tác huy động vốn trong thành viên tốt, phục vụ chủ động trong cho vay phát triển thành viên; không có Quỹ nào có tỷ lệ đầu tư, mua sắm tài sản cố định vượt 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ...

Cũng theo đánh giá của Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An, hoạt động của các QTDND trong thời gian qua về cơ bản ổn định và có bước phát triển tốt, hầu hết các QTDND kinh doanh có lãi. Công tác quản lý rủi ro tại nhiều QTDND đã được chú trọng hơn; các dịch vụ phát triển hơn phù hợp với năng lực quản trị của đơn vị...

“Lâu nay, quy trình tác nghiệp trong hoạt động của các QTDND vốn được đánh giá là khâu yếu kém, đang bị lơ là. Vì thế, việc yêu cầu các QTDND tuân thủ TT 39 và TT 44 là những bước đi có tính đồng bộ, thiết thực đối với các QTDND trong việc tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng nghiệp vụ, rất thiết thực đối với hệ thống QTDND bởi từ trước đến nay vai trò liên kết, phát triển hệ thống của QTDND Trung ương với các QTDND tại các địa phương còn mờ nhạt.” – Ông Cao Văn Hợi – Phó GĐ NHNN chi nhánh Nghệ An nói.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Tái cơ cấu quỹ tín dụng: Chuyển biến về chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO