Tái hiện những không gian văn hóa độc đáo

30/10/2013 17:55


Tái hiện không gian lễ hội Tây Nguyên tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tái hiện không gian lễ hội Tây Nguyên tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.

400 nghệ nhân và diễn viên không chuyên cùng các già làng, khách mời, đại diện cho 17 dân tộc của 12 tỉnh, thành phố của ba miền đất nước sẽ tụ hội trong Tuần lễ "Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" từ ngày 18 đến 24-11 tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Hà Nội).

Sự kiện này còn nhằm quảng bá, giới thiệu về Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, "ngôi nhà" chung của 54 dân tộc anh em, điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế tại Hà Nội.

Ðại diện của 17 cộng đồng dân tộc đến từ 12 tỉnh, thành phố: Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Ðác Lắc, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang. Cũng nhân dịp này, tiếp tục tiến độ đầu tư của dự án với việc hình thành những cơ sở vật chất, không gian văn hóa làng, thôn, bản của các dân tộc, Ban quản lý Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức khánh thành quần thể chùa Khmer Nam Bộ.

Ðể làm nổi bật chủ đề xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hội nghị toàn quốc khu vực phía bắc "Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24/1998/TTg ngày 19-6-1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư" được tổ chức cùng hội thảo "Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay" với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, các già làng, trưởng bản, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân. Bên cạnh đó là các hoạt động: trại sáng tác Tây Nguyên; giao lưu đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam; triển lãm "Giới thiệu di sản diều truyền thống Việt Nam" và một số làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ và ẩm thực Hà Nội.

Cộng đồng các dân tộc ở các địa phương đã tập trung sức chuẩn bị công phu để tái hiện các nghi lễ, lễ hội của dân tộc mình trong tuần lễ hội tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, nhằm thể hiện tất cả những nét văn hóa tinh túy, độc đáo. Trong đó, tiêu biểu có Lễ Căm mương của dân tộc Lự (Lai Châu); trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên của dân tộc Gia Rai; Lễ mừng nhà mới của dân tộc Tà Ôi (Quảng Trị); Lễ hội nàng Hai của dân tộc Tày (Cao Bằng); Nghi lễ Tết Xíp xí của dân tộc Thái (Sơn La); Nghi thức đón dâu trong ngày cưới của dân tộc Mông (Hà Giang); Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ...

Ðặc biệt năm nay, ban tổ chức còn tổ chức tái hiện Hội Ðua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer tại An Giang và không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ. Việc tái hiện các không gian văn hóa độc đáo càng tăng sức hấp dẫn cho ngày hội. Người tham dự lễ hội sẽ được hòa mình trong các phiên chợ vùng cao phía bắc với những đặc sản địa phương rực rỡ sắc mầu thổ cẩm trong tiếng dân ca ngọt ngào và điệu khèn, điệu sáo say đắm lòng người. Không gian văn hóa chợ của cộng đồng các dân tộc lần này càng trở nên độc đáo khi tái hiện hình ảnh chợ nổi Nam Bộ trên hồ Ðồng Mô, đưa mọi người đến một vùng sông nước mênh mang, thuyền bè tấp nập, hoa quả ngập tràn.

Sau chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục đặc trưng, hấp dẫn trong đêm khai mạc, suốt thời gian diễn ra Tuần lễ "Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" đều có các chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật ở từng khu làng dân tộc.

Theo Nhân dân

Mới nhất

x
Tái hiện những không gian văn hóa độc đáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO