Tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông - Bao giờ chấm dứt?

29/10/2015 15:13

(Baonghean) - Hàng năm, UBND tỉnh đều ra các văn bản đôn đốc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông (ATGT) nhưng ở TP. Vinh và nhiều địa phương khác, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT để kinh doanh, buôn bán vẫn chưa được xử lý triệt để.

Vi phạm tràn lan

Ngã tư Quán Bánh (TP. Vinh), nơi giao nhau giữa Quốc lộ 1A và Quốc lộ 46, kể từ khi Quốc lộ 1A được nâng cấp, mở rộng, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT vẫn không giảm.

"Đã có không ít vụ va chạm giao thông xảy ra do tình trạng lấn chiếm lòng đường làm nơi kinh doanh. Thỉnh thoảng cũng thấy lực lượng trật tự đô thị, công an nhắc nhở, giải tỏa nhưng đâu vẫn nguyên đấy!...” – chị Võ Thị Hoa ở xóm 13, xã Nghi Kim cho biết.

Đường Trần Phú là một trong những tuyến giao thông trọng điểm của TP.Vinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của thanh tra đô thị thành phố, đây cũng là tuyến đường
Đường Trần Phú là một trong những tuyến giao thông trọng điểm của TP.Vinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của thanh tra đô thị thành phố, đây cũng là tuyến đường luôn trong tình trạng bị lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán.

Còn trên tuyến đường Thăng Long gần ngã tư, đoạn qua địa bàn 2 xóm 13 và 14 xã Nghi Kim (TP. Vinh), nhiều cửa hàng bánh mỳ không những lấn chiếm vỉa hè mà nhiều khi còn lấn chiếm cả lòng, lề đường, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới tình hình trật tự ATGT. Mỗi khi có xe khách, xe buýt dừng đón khách thì người bán chạy ra mời chào rất lộn xộn.

Một điểm “nóng” khác về lấn chiếm hành lang ATGT là khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại khu vực ngã tư giao giữa Đại lộ Lê Nin và đường Hồ Tông Thốc rất nhếch nhác bởi tình trạng người dân lấn chiếm hành lang ATGT làm nơi kinh doanh, buôn bán hàng ăn, hàng tạp hóa.

Trên Quốc lộ 1A qua các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT cũng khá phổ biến: biển quảng cáo và nhà dân che khuất các biển báo giao thông, điển hình là đoạn qua Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu), Thị trấn Diễn Châu (Diễn Châu), Thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc).

Ngoài ra, ở một số đoạn qua địa bàn xóm 15, xã Nghi Yên (Nghi Lộc), xóm 14 xã Diễn An, Ngã 3 cầu Bùng, xã Diễn Kỷ (Diễn Châu), người dân xây nhà, tường rào ngay sát bên ta luy đường, che lấp cả các biển báo.

Cần sự quyết liệt của chính quyền cơ sở

Xác định việc lập lại trật tự hành lang ATGT là nội dung quan trọng trong đảm bảo an toàn giao thông, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản về vấn đề này.

Từ đầu năm 2015 đến nay đã có 2 văn bản là Công điện số 01/CĐ-UBND-NC ngày 27/1/2015, về việc “Tập trung chỉ đạo giải tỏa việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, lòng đường, vỉa hè đô thị trên địa bàn tỉnh” và Công văn số 5951/UBND – NC ngày 26/8/2015 về đôn đốc công tác lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông.

Các lực lượng ra quân đợt cao điểm đảm bảo an toàn giao thông (dịp Tết Nguyên đán 2015).Ảnh: Phạm Bằng
Các lực lượng ra quân đợt cao điểm đảm bảo an toàn giao thông (dịp Tết Nguyên đán 2015). Ảnh: Phạm Bằng

Sau mỗi văn bản được ban hành, các địa phương lại tổ chức các đợt cao điểm ra quân nhằm lập lại trật tự hành lang ATGT – đặc biệt là hành lang ATGT đường bộ. Tuy nhiên, sau khi kết thúc mỗi đợt ra quân, tình trạng lấn chiếm hàng lang ATGT lại tái diễn và việc xử lý triệt để đến nay dường như vẫn là một bài toán nan giải.

Ông Phan Thanh Sơn - Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị TP. Vinh cho biết: "Trước thực trạng lấn chiếm hành lang ATGT, lòng lề đường tại TP. Vinh, lực lượng thanh tra đô thị cũng như công an các phường, xã đã ra quân nhiều đợt để tiến hành dẹp bỏ nhưn hiệu quả không cao”.

Ở huyện Nghi Lộc, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “ Ngoài ý thức người dân còn kém thì một số chính quyền cấp xã có làm nhưng chưa thường xuyên, chưa cương quyết, ngại va chạm”.

Mỗi ngày, hàng trăm lượt sinh viên trường ĐH Vinh trọ học ở khu vực đường Nguyễn Văn Trỗi phải đi bộ đến trường trong tình trạng giao thông nguy hiểm như thế này. Vỉa hè - nơi đi bộ an toàn của các em đã bị lấn chiếm gần hết, gây nhiều khó khăn trong việc di chuyển, buộc các em phải đi xuống dưới lòng đường
Mỗi ngày, hàng trăm lượt sinh viên trường ĐH Vinh trọ học ở khu vực đường Nguyễn Văn Trỗi phải đi bộ đến trường trong tình trạng giao thông nguy hiểm như thế này. Vỉa hè - nơi đi bộ an toàn của các em đã bị lấn chiếm gần hết, gây nhiều khó khăn trong việc di chuyển, buộc các em phải đi xuống dưới lòng đường.

Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh thừa nhận: “Thời gian qua, Ban An toàn giao thông tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT tại các địa phương. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường, địa bàn, tụ điểm vi phạm hành lang ATGT chưa được giải tỏa. Chính quyền địa phương chưa quyết liệt, đặc biệt là chính quyền các phường, xã, một phần cơ chế chính sách, kinh phí hỗ trợ cho công tác này chưa được đổi mới...”.

Cũng theo ông Đức, việc giải tỏa vi phạm hành lang ATGT không thể làm ngày một ngày hai, vì lâu nay, việc lấn chiếm vỉa hè, lề đường để kinh doanh đã trở thành thói quen của cả người bán lẫn người mua. Ở Thành phố Vinh và các thị trấn, thị tứ, nơi có đông người dân sống bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ, về lâu dài cần quy hoạch khu vực buôn bán hợp lý. Mặt khác, chính quyền phường, xã phải nỗ lực vào cuộc thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông - Bao giờ chấm dứt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO