Tại sao thầy ngoại thất thế ở V-League?

17/03/2013 21:50

V-League 2013 mới trải qua được 2 vòng đấu nhưng có một điều dễ nhận thấy là các đội bóng được dẫn dắt bởi các HLV nội trẻ trung như SLNA, SHB.Đà Nẵng đang thể hiện sự vượt trội, còn các đội bóng được dẫn dắt bởi các HLV ngoại đều có dấu hiệu bất ổn...

(Baonghean) - V-League 2013 mới trải qua được 2 vòng đấu nhưng có một điều dễ nhận thấy là các đội bóng được dẫn dắt bởi các HLV nội trẻ trung như SLNA, SHB.Đà Nẵng đang thể hiện sự vượt trội, còn các đội bóng được dẫn dắt bởi các HLV ngoại đều có dấu hiệu bất ổn...

Trào lưu thầy ngoại đến Việt Nam nở rộ khi VFF đưa V-League trở thành giải chuyên nghiệp năm 2001. HLV Calisto gây tiếng vang đầu tiên khi giúp ĐT. Long An thăng hạng V-League và sau đó là hai chức vô địch liên tiếp V-League 2005 và 2006. Sau Calisto, HLV người Thái Lan Arjhan Songngamsap cũng giúp HA.Gia Lai đoạt hai lần đăng quang V-League liên tiếp 2003 và 2004 cùng hai danh hiệu Siêu Cup quốc gia. Thành công bước đầu của hai chiến lược gia này khiến các đội bóng ào ạt chạy theo xu hướng sử dụng thầy ngoại. Tuy nhiên, từ đó đến nay không có HLV ngoại nào đạt được thành công. Đã có vài chục HLV ngoại đã đến với các CLB nhưng đều ra đi không kèn không trống, bao gồm cả các cựu HLV đội tuyển Việt Nam như Tavares hay Riedl. Có những người thậm chí đã thử sức ở vài CLB khác nhau nhưng đều thất bại như A.Riedl với K.Khánh Hòa và V.Hải Phòng, Francisco Vital (hiện dẫn dắt ĐT.Long An) với NHĐA.TP Hồ Chí Minh và B.Bình Dương.

Tại V-League hiện nay chỉ có 3 CLB là ĐT.Long Anh, HA.Gia Lai và B.Bình Dương thuê thuyền trưởng ngoại trong tổng số 12 đội, với các HLV Cho Yoon Hwan, Choi Yoon Kyum và Vital. Đây cũng là 3 đội kiên định sử dụng HLV ngoại nhiều năm ở V-League, nhưng cũng thường xuyên thay tướng. Và thành tích của cả 3 đội bóng này ở những mùa giải vừa qua và 2 vòng đấu của V-League 2013 với các thầy ngoại đều không được tốt.



HLV Vital của CLB ĐT.Long An. Ảnh: bongdaplus

Ở B.Bình Dương, nắm trong tay dàn hảo thủ với những Vũ Phong, Minh Đức, Hữu Thắng, Huỳnh Kesley, Nguyễn Hoàng Helio, Sunday.... nhưng HLV Cho Yoon Hwan chưa chứng minh năng lực cầm quân của mình. Sau 22 trận thua trước XMXT.Sài Gòn và SHB.Đà Nẵng, đội bóng được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam” này đang tạm xếp áp chót trên bảng xếp hạng. Người đồng hương của ông Cho ở phố núi là Choi Yoon Kyum cũng không khá hơn. Được bầu Đức kỳ vọng lớn nhưng vừa khởi đầu mùa giải, ông Choi đã phải nhận thất bại 0-2 trước Hà Nội T&T trong một trận đấu mà các cầu thủ phố núi lép vế hoàn toàn trước đoàn quân của HLV nội Phan Thanh Hùng. Còn HLV Vital sau khi giúp ĐT.Long An khởi sắc ở giải hạng Nhất mùa trước cũng khởi đầu chật vật ở V-League năm nay khi bị Thanh Hóa chia điểm ngay sân nhà và thất bại trước HA.Gia Lai. Nếu cả 3 chiến lược gia này không nhanh chóng giúp các đội bóng vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu của mùa giải năm nay thì rất có thể họ sẽ không còn đất “dụng võ” ở V-League nữa.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến các HLV ngoại không có nhiều thành công ở V-League không phải do năng lực. Bởi trước khi đến Việt Nam hành nghề, tất cả đều có lịch trình thành tích khá ấn tượng, chẳng hạn như ông Ricardo từng là trợ lý Mourinho nhưng cũng bị ĐT.Long An và Bình Dương sa thải không thương tiếc vào các mùa giải 2010 và 2011. Thất bại của các HLV ngoại một phần do họ quá chuyên nghiệp, trong khi các đội bóng Việt Nam còn "phong trào". Ở giải đấu số một của Việt Nam, có nhiều chuyện hậu trường “khó nói” mà các HLV nước ngoài khó có thể hiểu hết được. Những trường hợp ít ỏi đạt được thành công như ông Calisto và Arjhan đều do các HLV này có được một thời gian nhất định để tìm hiểu, thích nghi với môi trường làm việc của bóng đá Việt Nam.

Đặc biệt, do lúc đó cả ĐT.Long An và HA.Gia Lai đều mới thành lập, tất cả các thành viên CLB đều nhìn về một hướng nên HLV Calisto và Arjhan còn nhận được sự hậu thuẫn đặc biệt từ phía bầu Thắng và bầu Đức. Về sau, khi các CLB này đã đạt được một số thành công nhất định thì các ông bầu trở nên thiếu kiên nhẫn và chính sách của lãnh đạo các CLB đối với các HLV cũng thay đổi. Mặt khác, các CLB như B.Bình Dương, HA.Gia Lai hay ĐT.Long An chỉ là những đại gia mới nổi chứ vốn dĩ không phải những CLB, những địa phương giàu truyền thống bóng đá. Nguồn lực HLV vì thế không thật dồi dào, nên hoặc phải chấp nhận thuê mướn người địa phương khác (như B.BD với các HLV Lê Thụy Hải, Đoàn Minh Xương hay trước đó là Trần Bình Sự), hoặc chỉ có thể thuê thầy ngoại. Hơn nữa, thực tế 4 đội bóng đã và đang sử dụng các ông thầy ngoại đều có nội tình rối ren với nhiều phe cánh, trong lúc các HLV Việt Nam hầu như bó tay nên HLV ngoại được chọn như một giải pháp dung hòa. Tuy nhiên, quyền hạn chỉ đạo lại không nằm trọn trong tay các HLV mà thuộc về trưởng đoàn và giám đốc điều hành. Bị xen vào chuyên môn khiến họ mất uy tín trong mắt cầu thủ và phải ra đi là tất yếu.

Nguyên nhân khác khiến các đội bóng thờ ơ, không còn chuộng HLV ngoại là từ vài mùa giải gần đây, giá trị HLV nội được nâng lên sau thành công của Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức khi giúp SLNA, Hà Nội T&T, SHB.Đà Nẵng đoạt chức vô địch V-League. Các HLV nội này được đánh giá là có bản lĩnh, hiểu được những đặc thù của bóng đá Việt Nam và nắm được tâm lý của từng cầu thủ, bởi họ từng là những cầu thủ dày dặn kinh nghiệm và có tư chất thủ lĩnh. Ngoài các trường hợp kể trên còn có thể kể đến Lê Thụy Hải, Lư Đình Tuấn, Hoàng Anh Tuấn, Trần Công Minh... Thế nên, muốn là một HLV thành công ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là phải hiểu được những điều tế nhị, “khó nói” của nền bóng đá này và tâm lý của cầu thủ chứ không phải ở khả năng chuyên môn. Đây cũng là một đặc thù nữa của bóng đá Việt Nam!


Mai Anh

Mới nhất

x
Tại sao thầy ngoại thất thế ở V-League?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO