Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tấm gương sáng, tận tụy với Đảng, với dân của đồng chí Tôn Thị Quế

Xô Viết 25/10/2024 10:55

Trưởng thành từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931, đồng chí Tôn Thị Quế có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Đồng chí là nữ đại biểu Quốc hội khóa I, II...

Tôn Thị Quế thuở nhỏ, có tên là Tôn Thị Em, sinh ngày 10 – 8 – 1902 tại làng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An (theo hồ sơ của thực dân Pháp theo dõi những hoạt động Cộng sản: Tôn Thị Quế sinh 1906). Khi lấy chồng thì mang theo tên chồng là Nho Định.

Từ năm 1927, đi tham gia cách mạng, để giữ bí mật, Tôn Thị Quế đổi tên là Yêm, Quế, Vân, Bốn, Đô, Phương, Xu, Năm. Tôn Thị Quế là bí danh từ ngày trở thành đảng viên Đảng cộng sản (1930), tên được dùng cho đến hết đời.

Tôn Thị Quế
Đồng chí Tôn Thị Quế.

Tôn Thị Quế là con ông Tôn Thúc Đích (1875 – 1929) làm nghề dạy học và bà Nguyễn Thị Hảo, làm ruộng. Gia tộc và gia đình Tôn Thị Quế đều có tinh thần yêu nước và kháng Pháp. Võ Liệt là mảnh đất hiếu học và khoa bảng, nơi hội tụ của các nhà Nho. Để mở mang trí tuệ cho con em trong làng, nhân dân tổng Võ Liệt đã cử ông Đồ Cẩm xuống tận làng Sen mời bằng được Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lên dạy học cho con em mình.

Từ xưa, Võ Liệt đã nổi tiếng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Trong cuộc chống quân xâm lược nhà Minh, vị tướng Phan Đà của Lê Lợi đã dũng cảm, mưu trí, truy đuổi giặc và đã hy sinh tại Võ Liệt. Nhớ công đức ông, nhân dân đã lập đền thờ “Bạch Mã” (đền Bạch Mã đã được xếp hạng di tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia) thờ phụng. Làng Võ Liệt còn có đình Võ Liệt (đình Võ Liệt đã được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia), với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, được dùng làm nơi hội tụ bình văn thơ và thời cuộc của các nho sĩ yêu nước, hiện trong đình còn lưu giữ các bia đá, ghi tên các người con của Võ Liệt đậu đạt qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Võ Liệt là đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nên đã được chọn đóng huyện lỵ từ thời vua Thành Thái cho đến tháng Tám năm 1945.

Trong phong trào Văn Thân năm Giáp Tuất (1874), do Trần Tấn và Nguyễn Như Mai lãnh đạo, gia tộc họ Tôn đã có tư tưởng quyết chiến, tìm giặc mà đánh, đó là ông Tôn Quang Điền, Tôn Quang Bốn, đã tham gia khởi nghĩa với một khí thế quyết tâm:

Dập dìu súng bắn cờ xiêu
Phen này quyết diệt cả Triều lẫn Tây”

(Vè khởi nghĩa Giáp Tuất 1974. Lịch sử Nghệ Tĩnh tập 1 – Nxb Nghệ Tĩnh, 1984, trang 219).

Sau phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, một phong trào yêu nước mới do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Gia đình cụ Tôn Thúc Đích đã tích cực hưởng ứng. Nhà cụ ở là nơi hội họp và đi về của các sĩ phu theo phong trào Đông Du. Mặc dù còn ít tuổi, nhưng Tôn Thị Quế không bỏ qua những sự kiện quan trọng đang diễn ra trong gia đình mình. Sau này Tôn Thị Quế đã kể lại rằng:
“… Cuộc sống ngày một tối tăm, uất ức. Đó đây, bà con thầm thì bàn tán về ông Giải San… Tôi nhớ một lần vào buổi hoàng hôn, gà đã vào chuồng, có mấy người đi guốc, mặc áo dài đen, quần trắng, vào nhà tôi, cha tôi đón tiếp niềm nở lắm. Khách khứa đến một lúc, anh Phiệt mới chạy xuống bếp nói nhỏ với mẹ tôi: “Ông Đặng Thái Thân đến chơi” (Đặng Thái Thân biệt hiệu là Ngư Hải, quê ở Nghi Lộc, là cánh tay đắc lực của cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du. Đặng Thái Thân là con đẻ của đồng chí Đặng Thái Thuyến - người đảng viên trung kiên được Bác Hồ đào tạo). Đêm hôm đó, câu chuyện to nhỏ giữa cha tôi và các ông như thế nào tôi không rõ. Sáng hôm sau tôi ngủ dậy khách đã đi cả, từ đó cha tôi bỏ nghề dạy học, cùng với một số bà con vay vốn vào rừng khai thác gỗ để lấy tiền giúp cụ Phan hoạt động…”. (Chỉ một con đường – Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng - Tỉnh uỷ Nghệ An, 1972. Trang 12).

Tôn Thị Quế khao khát được đi xuất dương như chị Đặng Thị Hợp, con cụ Ba Hối người Lương Điền, nhưng dịp may chưa đến, chị dệt vải, học chữ quốc ngữ cho khuây khoả, vì sáng dạ, lại chăm chỉ, Tôn Thị Quế học rất nhanh, tìm thơ ca cụ Phan để đọc ngấu nghiến và thuộc lòng các bài. Tôn Thị Quế bắt đầu tập gieo vần, làm thơ theo suy nghĩ của mình, những bài thơ sáng tác sau này đều được bắt đầu từ thuở ấy.

Nhờ có trình độ văn hóa, khi đi hoạt động, đồng chí Tôn Thị Quế đã trở thành một cán bộ tuyên truyền, vận động sắc sảo. Hiện còn nhiều bài thơ yêu nước và cách mạng của Tôn Thị Quế đang được in trong tập thơ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Mùa Hè năm 1925, Tôn Quang Phiệt từ Hà Nội về nhà, Tôn Thị Quế thấy những ngày anh trai ở quê có nhiều người lạ, họ to nhỏ bàn chuyện suốt đêm, bà Hảo lo cơm nước cho khách, còn Tôn Quang Phiệt canh phòng kẻ xấu rình mò, Tôn Thị Quế giúp mẹ nội trợ. Sau này Tôn Thị Quế mới biết những lần anh mình đưa khách về nhà là để họp bàn việc sáng lập ra Hội Phục Việt. Ngày 14-7-1925, Hội Phục Việt ra đời ở Bến Thủy, Hội đã tuyên truyền, vận động đòi ân xá, giảm án tử hình cho cụ Phan Bội Châu.

Tháng 2-1926, Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam, biết Tôn Thị Quế nhanh nhẹn, thông minh, kín miệng, nói chuyện gợi mở, dễ đi vào lòng người, tổ chức Hội Hưng Nam giao cho anh Trạch, bạn của Tôn Quang Phiệt, quê Võ Liệt, tuyên truyền, giác ngộ Tôn Thị Quế gia nhập hội. Đồng chí Trạch còn cho Tôn Thị Quế mượn các “sách báo cấm” và điều lệ hoạt động của Hội để tìm hiểu.

Ngày 14-7-1928, Việt Nam Cách mạng Đồng chí hội đổi tên là Tân Việt Cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt). Cuối tháng 7-1928, anh Trạch mật tin cho Tôn Thị Quế ra bãi cát thuộc làng Vân Trị để họp, khi mọi người có mặt đông đủ, đồng chí Trạch thông báo lý do cuộc họp là để kết nạp đồng chí Quế vào hội,...

Theo nghi thức kết nạp, Tôn Thị Quế phải đọc thuộc một câu tuyên thệ rằng:
“Không tham tài, không tham sắc, không tham danh, không tham lợi, chỉ tham các tư cách cao thượng của một người quốc dân. Không sợ khổ, không sợ chết, không sợ tù, chỉ sợ không kham nổi cái ý chí của một người cách mệnh.”

Vào Đảng Tân Việt, Tôn Thị Quế làm công việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân tham gia, ủng hộ và gia nhập Đảng. Đầu năm 1929, Tôn Thị Quế được bầu vào Ban chấp hành Đảng Tân Việt huyện bộ Thanh Chương. Thời kỳ ấy, sau mỗi buổi họp kết thúc, chủ tọa cuộc hội nghị lại đọc một câu trước khi giải tán để nhắc nhở mọi người:

“Chúng ta sinh ra gặp buổi nhiễu nhương, sống dưới ách cầm quyền, cùng nhau tổ chức kết đoàn, đồng tâm hiệp lực, rỏ máu đào mà cướp lấy tự do, đem gan vàng mà tảo trừ chuyên chế, thoát vòng nô lệ, thẳng bước văn minh. Hội nghị hôm nay đã được thập phần hoàn hảo, vậy chúng ta tung hô Việt Nam cách mạng thành công vạn tuế, thế giới đại đồng vạn vạn tuế” (Chỉ một con đường.... trang 16, 17).

Tôn Thị Quế mới trưởng thành đã phải chịu đựng nỗi đau đớn vì chồng con bị chết, đi hoạt động nhiều kẻ độc mồm cho là chị theo trai. Lắm lúc cực quá phải khóc một mình. Tổ chức Đảng và người dân hiểu chị lại càng thương chị nhiều hơn…

Đúng vào lúc Tôn Thị Quế đang gặp khó khăn về sự dị nghị của quần chúng thì cũng là thời điểm Tôn Quang Phiệt vừa học xong chương trình cuối khóa của trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Nội. Tôn Quang Phiệt là cán bộ lãnh đạo của Tổng bộ Tân Việt Bắc Kỳ. Để có điều kiện hoạt động, Tôn Quang Phiệt đã cáo ốm không đi dự kỳ thi tốt nghiệp mặc dù anh là một sinh viên rất giỏi, nhân cớ đó, các đồng chí trong tổng bộ Đảng Tân Việt bố trí cho Tôn Thị Quế ra Hà Nội giúp việc cho Kỳ bộ Đảng Tân Việt ở Bắc Kỳ.

Tôn Thị Quế ra Hà Nội làm việc được một thời gian thì tổ chức kỳ bộ Đảng Tân Việt Bắc Kỳ bị khủng bố. Bọn mật thám truy lùng Tôn Quang Phiệt và lãnh đạo kỳ bộ. Ngày 23-7- 1929, hai anh em Tôn Thị Quế lên tàu về Vinh. Bị mật thám ở Hà Nội đã điện báo cho mật thám ở Vinh, nên khi hai người vào nghỉ ở nhà trọ quen cũ đêm hôm trước thì sáng hôm sau bọn lính đã xốc đến bắt Tôn Quang Phiệt giải đi.

Tôn Thị Quế còn nấn ná ở Vinh để bắt liên lạc và nghe ngóng tình hình. Một hôm đang đi trên phố Đệ Nhị thì gặp thầy giáo Hoàng Tăng Bính, đảng viên Đảng Tân Việt hoạt động trong trường Pháp - Việt Thanh Chương. Hoàng Tăng Bính báo cho Tôn Thị Quế tình hình và sự chờ đợi của Đảng Tân Việt, vì lúc này Đông Dương Cộng sản Đảng đã ra đời, việc đó khi ở Hà Nội, Tôn Thị Quế cũng đã biết. Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản đã cử hai đồng chí Nguyễn Phong Sắc (quê Hà Nội) và Trần Văn Cung (quê huyện Nghi Lộc) vào hoạt động ở Vinh đã gây được ảnh hưởng lớn trong quần chúng. Hai tổ chức Đảng Tân Việt và Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí rất băn khoăn…

Tôn Thị Quế và Đảng Tân Việt đang tìm liên lạc với Đông Dương Cộng sản Đảng thì Đông Dương Cộng sản Đảng đã phát truyền đơn kêu gọi nhân dân hưởng ứng và tổ chức lễ kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 2 (7/11/1917 – 7/11/1929). Lúc đó, Tôn Thị Quế đang trực bên giường bệnh của người cha thập tử nhất sinh thì đứa cháu ruột được một tờ truyền đơn rải ở ngoài đường chạy ào vào đưa cho Tôn Thị Quế.

Xem truyền đơn xong, Tôn Thị Quế bàng hoàng xúc động, vui mừng vì đã có cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng hoạt động ngay ở Võ Liệt. Đúng lúc đó, cụ Tôn Thúc Đích trút hơi thở cuối cùng, đó là ngày 13 - 10 năm Kỷ Tỵ (1929). Tôn Thị Quế nghẹn ngào, đau đớn vĩnh biệt người cha kính yêu đã nuôi dạy các con khôn lớn, đã hướng cho họ đi theo con đường cứu nước, cứu dân. Cụ Đích đã vất vả, lam lũ dành từng đồng tiền, bát gạo cho anh em Tôn Thị Quế đi hoạt động.

Vừa thương cha, vừa lo cho công tác cách mạng, khi tờ truyền đơn cách mạng kêu gọi đấu tranh kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga đang nằm trong tay. Tôn Thị Quế cố bình tĩnh lại và sắp xếp công việc, tranh thủ mọi người trong dòng họ đang tính và bàn giờ khâm liệm, chuẩn bị lễ tang cho cụ Đích, Tôn Thị Quế đã cầm tờ truyền đơn chạy ào sang nhà anh Phụ ở làng Niệu Ninh báo cho anh Phụ biết để bố trí họp bàn kế hoạch với các đồng chí trong Đảng Tân Việt ở Thanh Chương….

Từ nhà đồng chí Phụ, Tôn Thị Quế chạy về nhà mình để kịp giờ khâm liệm, nhập quan cho cha. Sau ba ngày tang lễ, các đồng chí Phụ, Bính, Trạch, đã đến chia buồn cùng gia đình và báo cho Tôn Thị Quế buổi tối ra quán Hàng Tổng để họp.

Tang lễ cho cha xong, có người bán hàng xén ở chợ Rộ đến nhà báo tin cho Tôn Thị Quế xuống Vinh gặp chị Nguyễn Thị Vĩnh (Minh Khai) để nhận hàng. Tôn Thị Quế đã trao đổi với các đồng chí Phụ, Bính, Trạch, các anh đoán thế nào đồng chí Vĩnh cũng có chỉ thị.
Tổ chức liền chuẩn bị vốn và giao cho Tôn Thị Quế sắm vai người đi buôn vải từ chợ Rộ xuống Vinh. Những ngày được gần gũi hai chị em Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái, Tôn Thị Quế đã học tập được rất nhiều điều mới lạ trong công tác hoạt động bí mật của chị Vĩnh (đây là những ngày Tôn Thị Quế được gặp mặt cuối cùng với Nguyễn Thị Minh Khai khi chị Minh Khai đang ổn định cơ sở, giúp đỡ chị Nhuận, Quế, Xuân, Thiu, Phúc, Nhã, trước khi chị xuất dương ra nước ngoài hoạt động).

Vào dịp Tết Nguyên đán năm Canh ngọ, việc buôn bán cũng dễ kiếm lời, gánh hàng của Tôn Thị Quế đã tạo điều kiện cho Đông Dương Cộng sản Đảng của Tổng bộ Thanh Chương có thêm kinh phí hoạt động in ấn truyền đơn, tài liệu cho Đảng. Sau ba ngày Tết, Tôn Thị Quế xuống Vinh gặp chị Minh Khai nhận chuyến “mở hàng đầu năm” nhưng thực chất là đi tiếp thu chỉ thị mới. Đêm hôm đó, Tôn Thị Quế nghỉ tại nhà Nguyễn Thị Minh Khai. Chị Minh Khai đã hỏi rất kỹ về tổ chức cách mạng và từng đảng viên ở Thanh Chương, hoạt động của Đông Dương Cộng sản đảng ở Thanh Chương sau kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga…

Nói xong Minh Khai dặn Tôn Thị Quế sáng mai về Thanh Chương bằng xe kéo, không đi xe đò chợ. Nguyễn Thị Minh Khai đưa cho Tôn Thị Quế một nửa con bài át xì và dặn: “Trưa ngày 5- 2-1930 (ngày khai hạ) ra bến đò Rồng đón một đồng chí “Thượng cấp” (viết theo lời kể của bà Tôn Thị Quế tại số nhà 101, Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội, 1980).
Theo lời chị Minh Khai dặn, Tôn Thị Quế đội mưa ra bến đò chờ khách “thượng cấp” ăn mặc y hệt một thầy đồ sang trọng, xấp xỉ tuổi 30. Cùng đi với đồng chí thượng cấp còn có đồng chí Lê Viết Thuật quê ở Vinh. Sau khi chào hỏi đúng mật hiệu, mỗi người đưa ra nửa con bài, hai bên chắp lại vừa khít nhau. Tôn Thị Quế đưa khách về nhà mình, cơm nước xong, đến nhà đồng chí Trạch ở làng Niệu Ninh để che mắt địch, thượng cấp cải trang là thầy bói, Tôn Thị Quế và Lê Viết Thuật đóng vai là người đi xem bói.

Tối ngày 5 – 2- 1930, một cuộc họp được triệu tập gồm các đồng chí trong Đảng Tân Việt. Đồng chí thượng cấp đã nói về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Người đã hợp nhất ba tổ chức Đảng trong cả nước, thành lập ra một chính đảng. Báo cáo xong thời sự, đồng chí nói: “Theo lời đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trao đổi lại, tôi thay mặt thượng cấp lên gặp các đồng chí để bàn việc xây dựng cơ sở Đảng ở Thanh Chương” (viết theo lời kể của bà Tôn Thị Quế năm 1980).

Đồng chí thượng cấp tuyên bố tuyển những đồng chí đảng viên Đảng Tân Việt tích cực sang thành lập chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôn Thị Quế sung sướng, xúc động ứa nước mắt. Người cán bộ thượng cấp đó chính là đồng chí Thịnh, tức Nguyễn Phong Sắc, quê Bạch Mai, Hà Nội, Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, còn đồng chí Thuật là uỷ viên Xứ uỷ, phụ trách phong trào của huyện Thanh Chương.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Võ Liệt, phong trào cách mạng phát triển cả diện rộng lẫn chiều sâu. Ngoài vận động quần chúng ủng hộ Đảng, gia nhập Đảng, tham gia phong trào cách mạng, đồng chí Tôn Thị Quế còn thuyết phục vận động những người bị ép đi lính cho thực dân Pháp đã về cùng tham gia phong trào đấu tranh.

Vì bất bình với chế độ vơ vét “đục nước béo cò” của bọn chức sắc, quan lại địa phương. Ngày 26 – 2 năm Canh Ngọ, lễ tế Thánh ở quán Hàng Tổng do anh Nhơng (quê Võ Liệt đã đi lính khố đỏ 3 năm về), chỉ huy 60 tự vệ nổi trống mõ hiệu lệnh cho dân làng ra nhận cỗ tế lễ, không cho bọn hương hào, lý trưởng cướp không những mâm cỗ của nhân dân. Cuộc đấu tranh do Chi bộ Đảng ở Võ Liệt lãnh đạo bước đầu thắng lợi đã đưa lại niềm tin và phấn khởi cho nhân dân trong vùng.

Được sự uỷ nhiệm của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, đồng chí Tôn Gia Tinh, liên hệ với các đồng chí Tôn Thị Quế, Trạch, Phụ, Hoàng Tăng Bính xúc tiến thành lập huyện Đảng bộ Thanh Chương. Tôn Thị Quế phụ trách giao thông liên lạc, mua giấy, mực, thạch để in truyền đơn tài liệu, đồng chí vẫn tiếp tục đóng vai người đi buôn chuyến Thanh Chương – Vinh để hoạt động và thu thêm kinh phí góp vào ngân sách Đảng bộ.

Được các đồng chí tin cậy, Tôn Thị Quế làm việc không quản ngày đêm, đồng chí in ấn hàng ngàn tờ truyền đơn, may hàng trăm lá cờ búa liềm của Đảng. Tôn Thị Quế còn vận động quần chúng tham gia đấu tranh, chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc biểu tình mở đầu nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.

Sáng ngày 1-5 -1930 đã nổ ra 2 cuộc đấu tranh ở huyện Thanh Chương dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Viết Thuật và huyện Đảng bộ. Cuộc thứ nhất gồm 3.000 nông dân Hạnh Lâm tham gia, đoàn biểu tình đã đốt phá, san bằng đồn điền Ký Viện. Cuộc đấu tranh thứ hai của hơn 100 học sinh trường tiểu học Pháp - Việt Thanh Chương do đồng chí Hoàng Tăng Bính và Võ Thúc Đồng lãnh đạo. Thắng lợi ban đầu của các cuộc đấu tranh đã làm nức lòng nhân dân khắp huyện. Là một huyện ủy viên trực tiếp lãnh đạo, Tôn Thị Quế đi từ làng này đến làng khác, tuyên truyền vận động phụ nữ để thành lập Hội Phụ nữ giải phóng và Nông hội Đỏ ở huyện Thanh Chương.

Tỉnh uỷ chỉ thị cho các địa phương tiếp tục phát động đấu tranh để đưa yêu sách:
- Hoãn thuế đến tháng 10.
- Bỏ lệ tuần canh, thuế hoa lợi và thuế thân.
- Bồi thường cho những gia đình có người bị bắn chết ở Bến Thủy, Hạnh Lâm.
-Thả chính trị phạm và những người bị bắt trong các cuộc đấu tranh…

Nhờ công tác tuyên truyền, vận động tốt, gợi đúng những nguyện vọng của quần chúng, giúp họ giải quyết khó khăn, Tôn Thị Quế đã được nhân dân tin yêu, trở thành chỗ dựa tinh thần của quần chúng. Nhân dân là tai mắt canh phòng, bảo vệ an toàn cho Tôn Thị Quế và cán bộ của Đảng hoạt động.

Thực hiện chỉ thị của Tỉnh uỷ, tiếp tục phát động quần chúng đấu tranh, Tôn Thị Quế và các đồng chí trong cấp uỷ lãnh đạo cuộc đấu tranh vào trưa ngày 1- 6 (tức ngày 5- 5 Canh Ngọ). Cơm trưa xong, nghe tiếng mõ làm hiệu lệnh, quần chúng kéo ra chợ Rộ tập trung, sau đó kéo vào huyện đường đưa yêu sách. Tri huyện Thanh Chương phải ra tận cổng huyện đường tiếp nhận yêu sách và hứa sẽ thực hiện mọi yêu sách do đoàn biểu tình đề ra. Những cuộc đấu tranh ở Võ Liệt thắng lợi đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc, tài tổ chức, vận động của Đảng bộ Thanh Chương, trong đó có công lao của Tôn Thị Quế.

Để động viên, khích lệ phong trào đấu tranh của quần chúng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã viết bài trên báo “Lao khổ” đưa tin thắng lợi, Tôn Thị Quế đã đưa báo chí, truyền đơn đi phân phát khắp nơi. Đến đâu đồng chí cũng tuyên truyền, vận động, tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh.

Phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh dâng lên khắp các huyện, công việc cuốn hút nên Tôn Thị Quế ít khi được về nhà thăm mẹ già. Trong hoàn cảnh cha vừa mất, Tôn Quang Phiệt và Tôn Quan Duyệt đang bị ngồi tù, lắm lúc Tôn Thị Quế thương mẹ đến trào nước mắt.

Hưởng ứng cuộc đấu tranh ngày 30- 8 của 3.000 nhân dân huyện Nam Đàn theo kế hoạch của Xứ uỷ do đồng chí Lê Viết Thuật chỉ huy và sự lãnh đạo trực tiếp của huyện uỷ Thanh Chương, Tôn Thị Quế trong ban chỉ đạo của huyện uỷ, như con thoi, lúc ở tổng này, lúc lại đến tổng khác.

Tôn Thị Quế còn vận động chị em phụ nữ các xã của tổng Xuân Lâm nấu cơm, luộc khoai để tự vệ ăn sau khi họ phá sập cầu Gang vào đêm ngày 31- 8 cắt đường giao thông của thực dân Pháp từ Vinh đi Nam Đàn lên Thanh Chương. Cùng với tự vệ, Tôn Thị Quế đã thức trắng đêm để đi kiểm tra việc rải truyền đơn, may cờ búa liềm và lực lượng của quần chúng tham gia….

Sáng ngày 1- 9-1930, trên 2 vạn quần chúng từ các tổng kéo về huyện đường Thanh Chương đấu tranh. Tiếng trống, tiếng mõ, thanh la, tù và hòa lẫn tiếng người gọi nhau nổi lên như sấm dậy. Tôn Thị Quế phụ trách đoàn biểu tình của tổng Đại Đồng và Xuân Lâm đến bến đò Nguyệt Bổng, đoàn biểu tình bị nghẽn lại vì không có đò. Giữa lúc đó, các đồng chí tự vệ Đỏ đã dũng cảm ào ào bơi qua sông để lấy đò chở nhân dân phía tả ngạn vượt sông.

Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh như nước vỡ bờ của quần chúng, tri huyện Phan Sỹ Phàng đã hạ lệnh cho đội Dởn bắn vào đội tự vệ đang bơi làm đồng chí Nguyễn Công Thường trúng đạn. Căm thù sục sôi, để khích lệ quần chúng, đồng chí Tôn Thị Quế đã thét lớn: “Hỡi anh chị em! Hãy trả thù cho đồng chí Nguyễn Công Thường! Hãy dũng cảm xông lên!”.

Tiếng hàng ngàn người đồng thanh hô theo “Xông lên” và ào ào vượt qua sông. Cùng lúc 5 tổng, tổng Cát Ngạn kéo xuống, tổng Bích Hào kéo lên, tổng Đại Đồng và Xuân Lâm kéo sang, nhập với tổng Võ Liệt vây kín huyện đường. Họ phá nhà giam, giải thoát cho tù chính trị, phá đại lý rượu Phông ten, đốt sổ sách, phá huyện đường. Cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Chương đã hoàn toàn thắng lợi. Tri huyện Phan Sỹ Phàng và binh lính hoảng hốt vội lên ngựa bỏ chạy về đồn Thanh Quả để trốn.

Để động viên tinh thần đấu tranh của quần chúng, đồng chí Tôn Thị Quế cùng Huyện ủy chỉ đạo tổ chức tang lễ cho đồng chí Nguyễn Công Thường rất trọng thể. Hàng ngàn người đi đấu tranh đã xúc động đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Ngay tối hôm đó, Huyện uỷ đã tổ chức lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Công Thường, và đã biến thành một cuộc mít tinh phát động phong trào đấu tranh tiếp. Đồng chí Tôn Thị Quế cũng bắt đầu bước sang hoạt động trong một giai đoạn mới, thời kỳ chính quyền Xô Viết Nghệ - Tĩnh ra đời.

Phong trào cách mạng ở các huyện nổ ra đồng loạt, ngày 30- 8 ở Nam Đàn, 1- 9 ở Thanh Chương, ngày 7 và 8 - 9 ở phủ Anh Sơn, ngày 12 - 9 ở phủ Hưng Nguyên… Chính quyền Xô Viết Nghệ - Tĩnh lần lượt ra đời. Để tăng cường cho công tác phụ vận, vận động chị em tham gia đấu tranh và gia nhập Hội Phụ nữ giải phóng, đồng chí Tôn Thị Quế được điều lên công tác ở Tỉnh ủy, cơ quan Tỉnh lúc đó đóng ở làng Phong Nậm, huyện Thanh Chương.

Những ngày đầu lên tỉnh, Tôn Thị Quế được đồng chí Nguyễn Sinh Diên giảng giải bồi dưỡng kiến thức về công tác phụ vận. Làm việc ở Tỉnh uỷ, đồng chí được đọc báo “Người Lao khổ” của Xứ ủy Trung Kỳ trong đó các bài viết của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã làm Tôn Thị Quế hiểu rõ tầm quan trọng và những đóng góp của chị em.
“Chính trong thời kỳ tranh đấu kịch liệt này, chị em phụ nữ cũng bắt đầu tranh đấu một cách vẻ vang”.

Không chỉ vận động chị em tham gia các cuộc đấu tranh, Tôn Thị Quế còn vận động chị em học chữ quốc ngữ, tham gia diễn tuồng Trưng Trắc, Trưng Nhị để tuyên truyền tinh thần yêu nước của quần chúng, vận động chị em may quần có ống để luyện tập tự vệ, tham gia mọi hoạt động của xã bộ nông.

Thời kỳ về công tác ở Kim Liên, nơi Huyện ủy Nam Đàn đóng, thực dân Pháp đã cho lính về đóng đồn tại làng, uy hiếp và hòng triệt hạ cả làng Kim Liên. Tôn Thị Quế đã chỉ đạo Huyện ủy phát động một cuộc đấu tranh trong toàn huyện để giải vây cho Kim Liên.

Tháng 10- 1930, khi Xô Viết Nghệ - Tĩnh bị đàn áp, khủng bố trắng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc viết bài đăng trên báo “Người Lao khổ” số 17 đã giải thích: “Tranh đấu là vấn đề sống chết của công nông Nghệ Tĩnh”. Quán triệt tư tưởng của đồng chí Bí thư Xứ uỷ, Tôn Thị Quế đã đưa bài báo đó đi tuyên truyền, giải thích cho quần chúng hiểu, qua đó, đồng chí tiếp tục phát động một phong trào đấu tranh mới, chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 13 cách mạng tháng Mười Nga vào dịp ngày 7 – 11- 1930…

Sau Tết Tân Mùi (1931), Tôn Thị Quế chuyển về Thanh Chương hoạt động; cơ quan Huyện ủy đóng ở làng Yên Lạc, huyện Thanh Chương, do đồng chí Trần Hữu Doánh, làm Bí thư Huyện uỷ.

Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, xây dựng, chỉ đạo công tác phụ vận, Tôn Thị Quế còn đi các huyện để vận động bà con không nghe theo luận điệu tuyên truyền của địch, nói xấu cộng sản, nói xấu cách mạng tháng Mười Nga. Vận động nhân dân đấu tranh chống lại âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của địch là phát thẻ quy thuận và rước cờ vàng.

Ngày 20 tháng Giêng năm Tân Mùi, Tôn Thị Quế xuống các làng vận động nhân dân Yên Thành tổ chức đấu tranh tại Tràng Kè, để chống cuộc hiểu dụ phát thẻ quy thuận và rước cờ vàng. Cuộc đấu tranh hoàn toàn thắng lợi, Tôn Thị Quế phấn khởi rút ra bài học, để chỉ đạo các địa phương khác tiếp tục đấu tranh.

Để cứu đói cho dân, duy trì phong trào đấu tranh của quần chúng, Tôn Thị Quế đã bàn bạc với đồng chí Đặng Chánh Kỷ và Huyện uỷ Yên Thành, dùng “mẹo” để “vay lúa” của địa chủ. Hẹn đến tháng 10 có vụ thu hoạch mới sẽ trả… Sau đó, do yêu cầu công tác của Đảng, đồng chí Tôn Thị Quế lên hoạt động ở phủ Anh Sơn. Tôn Thị Quế luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của đồng chí Đặng Chánh Kỷ và qua những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các tổ chức quần chúng Nông hội, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên, Tán trợ…

Thời gian Tôn Thị Quế công tác ở Tỉnh uỷ, có một đồng chí cùng làm việc, cảm phục và yêu mến, muốn xây dựng gia đình với Tôn Thị Quế nên đã nhờ đồng chí Nguyễn Sinh Diên giúp đỡ. Tỉnh uỷ rất tán đồng và vun vào cho 2 người nhưng vì quá bận rộn với công tác cách mạng, hoạt động bí mật rất khó khăn nên Tôn Thị Quế đã khước từ ý định tốt đẹp của đồng chí mình, để rảnh tay tập trung cho công tác Đảng.

Tháng 2-1931, khi đồng chí Tôn Thị Quế đang dồn hết tâm huyết cho công tác vận động cách mạng ở cơ sở thì bỗng nhận được quyết định bị hạ tầng công tác vì có chủ trương “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Đây là một chủ trương sai lầm lớn trong nội bộ Đảng làm cho Tôn Thị Quế và nhiều đồng chí khác bị choáng váng.

Cũng may, đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị lần thứ 2 tại số nhà 236, đường Ri sô, Sài Gòn vào tháng 3 - 1931, đã đưa vấn đề sai lầm này ra để bàn. Đồng chí Trần Phú kịch liệt phê bình chủ trương tả khuynh đó và yêu cầu các đồng chí Nguyễn Phong Sắc (thường vụ trung ương Đảng) và đồng chí Lê Mao (Ủy viên BCH TW Đảng) sau khi Hội nghị phải về ngay Nghệ Tĩnh để họp Xứ uỷ mở rộng và kiên quyết phải sửa sai, trả lại danh dự cho các đồng chí trong Đảng.

Tháng 4 - 1931, sau 2 tháng đau khổ về tinh thần vì bị hạ tầng công tác, đồng chí Tôn Thị Quế và một số đồng chí khác trong Tỉnh uỷ, Huyện uỷ đã được phục hồi công tác, tiếp tục công việc, chỉ đạo phong trào đấu tranh ở các huyện, chuẩn bị phát động đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1 -5 - 1931).

Bước sang tháng 9-1931, kẻ địch điên cuồng khủng bố, chúng đề phòng các cuộc đấu tranh kỷ niệm Xô Viết Nghệ - Tĩnh và cách mạng tháng Mười Nga sắp tới. Để tránh bớt thiệt hại cho cách mạng, Trung ương Đảng đã có chủ trương rút lui vào rừng và lên miền núi xây dựng cơ sở địa bàn ở miền Tây xứ Nghệ.

Tiếp được chỉ thị, đồng chí Tôn Thị Quế cùng các đồng chí khác rút lui vào vùng “Trại Đỏ” Ngọc Lâm (xã Thanh Quả, huyện Thanh Chương). Tôn Thị Quế cùng các đồng chí vẫn tiếp tục in truyền đơn, báo chí, ban đêm lẻn về làng, về chợ để rải nhằm giữ vững tinh thần cho nhân dân. Dù bị địch khủng bố, nhưng quần chúng vẫn cho rằng, ở đâu có truyền đơn là ở đó còn có Đảng lãnh đạo.

Thời kỳ ở rừng, lúc đầu còn có nhân dân thay nhau tiếp tế, về sau bị kẻ địch chặn đường, khép chặt vòng vây, nguồn nguyên liệu cạn dần, cái ăn không có, Tôn Thị Quế và các đồng chí ở rừng in truyền đơn rất tiết kiệm. Nhân dân không còn đường tiếp tế, các đồng chí phải tự tìm đường, khó khăn, đói rét, không kể xiết, Tôn Thị Quế và các đồng chí vẫn sinh hoạt Chi bộ để nhận định tình hình, củng cố tinh thần, bàn lối thoát. Tất cả vẫn giữ vững niềm tin vào con đường của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Mọi người vẫn bền gan chiến đấu, chống lại kẻ thù, và đấu tranh với cả bản thân mình để khỏi ngã gục. Ngày lại ngày, địch vây rừng này, các đồng chí lại chuyển đi rừng khác. Cứ thế đã phải di chuyển chỗ ở đến 22 lần mà vẫn chưa bắt được liên lạc.

Đến cuối tháng 11 -1931, nhờ việc rải truyền đơn mà các đồng chí Tỉnh uỷ đã tìm được Tôn Thị Quế và các đồng chí khác. Tỉnh uỷ triệu tập cuộc hội nghị vào tháng 12 - 1931, cơ quan tỉnh uỷ lúc bấy giờ chỉ còn lại 9 người. Đồng chí Tôn Thị Quế được bổ sung vào BCH Tỉnh uỷ Nghệ An phụ trách tuyên truyền và huấn luyện, làm việc cùng đồng chí Lê Xuân Đào, và đồng chí Nguyễn Cảnh Tốn. Cơ quan đóng ở Vều (Anh Sơn).

Kẻ thù luôn dò la, vây lùng, nhiều đồng chí đã hy sinh. Đồng chí Tôn Thị Quế ráng sức in truyền đơn để rải. Chi bộ vẫn duy trì hoạt động. Giữa lúc khó khăn gian khổ nhất ở rừng, đồng chí Lê Xuân Đào trong cuộc họp Chi bộ đã yêu cầu từng đồng chí phải tìm cách xây dựng lại Chi bộ. Đồng chí nói: “Có chi bộ sẽ có tất cả”. Câu nói đó đã gây xúc động mạnh, đã động viên đồng chí Tôn Thị Quế đứng lên, làm tròn trách nhiệm Đảng giao, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ngày 31- 3 -1932, đồng chí Lê Xuân Đào đi tìm bắt mối với Xứ uỷ Trung kỳ không thấy về. Chờ đợi mãi sốt ruột, Tôn Thị Quế bàn với đồng chí Giáp quyết định về Tràng Ri để bắt liên lạc xây dựng lại phong trào. Sáng sớm ngày 4- 4 -1932, họ cùng các đồng chí từ Vều ra đi, mãi đến trưa mới tới Tràng Ri, nào ngờ lại bị lọt vào ổ phục kích của bọn bang tá, đoàn phu. Chúng khám xét, thấy trong người Tôn Thị Quế có cuốn “Luận cương cách mạng”, chúng hí hửng liền trói cả 2 người lại giải về huyện Nam Đàn. Khi về đến Sa Nam (Nam Đàn), thấy người đến xem đông nghịt, đồng chí Tôn Thị Quế chớp lấy thời cơ tuyên truyền cho quần chúng: “Chúng tôi vì dân, vì nước mà bị bắt, tuy chúng tôi bị bắt, nhưng Đảng vẫn còn, cách mạng vẫn còn, xin bà con chớ có nản lòng” (theo lời kể của đồng chí Tôn Thị Quế năm 1980).

Sau 3 ngày giam và tra tấn để xét hỏi tại nhà giam huyện Nam Đàn, không moi được tin tức gì, đến ngày 7- 4- 1932, chúng đã giải Tôn Thị Quế từ Nam Đàn xuống nhà lao Vinh. Khi Tôn Thị Quế vào, nhà lao Vinh đã chật ních tù chính trị từ các huyện giải về. Nhà lao Vinh khi đó đã hình thành các chi bộ.

Những đồng chí đã từng giam tại đây bị liệt vào hàng “cứng cổ” như Nguyễn Sĩ Sách, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy Trinh… bị chúng bắt đi đày ở các nhà tù: Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột… Học tập tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của lớp đi trước, Tôn Thị Quế càng thêm vững chí bền gan, tích cực đấu tranh chống lại mọi chế độ lao tù hà khắc.

Những năm tháng trong nhà lao Vinh, đồng chí Tôn Thị Quế cùng với các chị Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Lê Thị Vi Nình, Hoàng Thị Ái… đã chịu đựng mọi cực hình tra tấn. Mặc dù vậy, Tôn Thị Quế cùng các chị Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Nhã vẫn thường làm thơ ca ngợi các gương hy sinh của đồng chí Lê Xuân Đào, Hoàng Tăng Bình để động viên chị em, củng cố niềm tin, xứng đáng với các đồng chí đã hy sinh. Các chị còn diễn vở kịch “Giọt máu hồng” của đồng chí Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Duy Trinh sáng tác trong nhà lao Vinh, để tăng thêm nghị lực chiến đấu.

Tuy không moi được tin tức gì trong nhiều ngày tra tấn, nhưng tòa án Nam triều Nghệ An vẫn kết án Tôn Thị Quế 20 năm tù giam. Những ngày ở trong nhà tù, đồng chí tích cực vận động đấu tranh, tuyệt thực, làm reo, dạy học, tuyên truyền. Khi ra khỏi nhà tù, đồng chí lại lao vào công việc cách mạng, lại bị bắt, lại vào tù…

Tháng 2 -1941, Bác Hồ về nước. Bác đã triệu tập hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh. Để đối phó với phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào. Các đồng chí Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhã, Hồ Thị Nhung… đều bị chúng đưa vào nhà giam Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Ngày ra đi, nhớ quê hương, nhớ mẹ già, Tôn Thị Quế đã viết mấy câu thơ về nỗi lòng mình:

“Vinh thành từ bữa bước chân ra
Chan chứa lòng con nỗi nhớ nhà
Chân bước lên tàu gan tựa cắt
Mắt quay ngó mẹ lệ nhường sa
Công lao cúc dục chưa đền đáp
Nợ nước cao dày dám bỏ qua…”

Phát huy tinh thần nữ chiến sĩ trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, tại nhà lao Nha Trang, đồng chí Tôn Thị Quế cùng các đồng chí của mình vẫn kiên cường đấu tranh và giữ vững chí khí chiến đấu. Cho đến ngày 5-4- 1945, sau sự kiện Nhật- Pháp đánh nhau, tù nhân chính trị ở nhà lao Nha Trang được thả. Quân Nhật đã vào nhà lao mở cửa tù, giải phóng cho các tù chính trị, Tôn Thị Quế và các đồng chí của mình như chim sổ lồng, vui mừng trở về quê hương, góp phần lãnh đạo cuộc đấu tranh cướp chính quyền giành thắng lợi vào tháng Tám năm 1945.

Cách mạng tháng Tám thành công, nữ đồng chí Tôn Thị Quế lại tiếp tục hoạt động công tác phụ vận. Ngày 6 -1 - 1946, trong số ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá I, đồng chí Tôn Thị Quế vinh dự được bầu vào đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ năm 1946, đồng chí Tôn Thị Quế vừa làm Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Liên khu IV, vừa tham gia đại biểu Quốc hội. Năm 1960, đồng chí Tôn Thị Quế được điều ra Trung ương làm Uỷ viên ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đồng chí Tôn Thị Quế là đại biểu Quốc hội khoá I và khóa II.

Do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, đồng chí Tôn Thị Quế được Ban tổ chức Trung ương Đảng điều sang hoạt động bên ngành kiểm sát, giữ chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Với quá trình cống hiến tận tụy cho Đảng và phục vụ nhân dân không biết mệt mỏi, đồng chí Tôn Thị Quế - một chiến sỹ cách mạng tiền bối xuất sắc, đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Sao Vàng. Ngày 29 – 12- 1984, đồng chí được thưởng huân chương Hồ Chí Minh.

Vào hồi 16h 25 phút ngày 13- 1 - 1992, nữ đồng chí Tôn Thị Quế trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô, hưởng thọ 90 tuổi. Đảng và Nhà nước đã tổ chức tang lễ trọng thể và an táng đồng chí tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Đảng bộ và nhân dân Nghệ An – quê hương Xô Viết Nghệ - Tĩnh anh hùng, mãi mãi tự hào và học tập tấm gương sáng, tận tuỵ với nhân dân của đồng chí Tôn Thị Quế.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/ton-thi-que-1902-1992
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/ton-thi-que-1902-1992
Tấm gương sáng, tận tụy với Đảng, với dân của đồng chí Tôn Thị Quế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO