Tấm gương sáng về tinh thần ham học

24/08/2012 14:13

(Baonghean) Đồng chí Lê Hồng Phong - người con ưu tú của quê hương Nghệ An và của đất nước, đã để lại tấm gương sáng về tinh thần ham học, khổ học. Cuộc đời hoạt động sôi nổi với nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau nhưng đồng chí Lê Hồng Phong không bao giờ tách rời với việc học tập và nâng cao trình độ để đáp ứng mọi nhiệm vụ nặng nề của cách mạng quốc tế cũng như cách mạng Việt Nam giao phó.

Từ nhỏ, Lê Huy Doãn (tên thật của đồng chí Lê Hồng Phong) đã tiếp thu tinh thần ham học từ chính người cha của mình - ông Cửu Soạn - tên gọi thân thuộc của ông Lê Duy Quán, một người có học nhưng lại không thuận lợi trên đường khoa cử. Đam mê đèn sách, chữ nghĩa, thế nhưng Lê Huy Doãn mới học xong sơ học yếu lược thì cha qua đời. Không cam chịu cảnh nhà khốn khó, cậu bé nghèo đã rời làng quê đi làm thuê làm mướn hết các nhà máy ở Vinh đến Nhà máy Diêm Bến Thủy để tìm cơ hội học tập. Trong thời gian này, người thanh niên trẻ tuổi đã tận mắt chứng kiến cuộc sống bị bóc lột, bị áp bức bất công do bọn thực dân, phong kiến gây ra. Không chịu nổi cảnh bóc lột bất công của giới chủ, Lê Huy Doãn và những người tâm huyết đã vận động anh chị em công nhân nổi dậy đấu tranh.

Tháng 1/1924, Lê Huy Doãn và Phạm Thành Khôi với tên mới là Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái đã quyết định vượt Trường Sơn sang Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan để tiếp tục con đường cứu dân cứu nước. Tháng 4/1924, Lê Hồng Phong sang Quảng Châu (Trung Quốc) và được kết nạp vào tổ chức Tâm tâm xã. Cuối năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu mở lớp huấn luyện chính trị, Lê Hồng Phong trở thành một trong những học trò đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc và được Người truyền bá học thuyết Mác – Lê nin, giác ngộ con đường cách mạng vô sản. Sớm bộc lộ tư chất thông minh, bản lĩnh vững vàng và nhãn quan chính trị sắc bén, Lê Hồng Phong được tổ chức tin cậy và giới thiệu tham gia Trường Quân sự Hoàng Phố, khóa 16 tháng. Cuối năm 1925, Lê Hồng Phong được chuyển sang học tiếp tại Trường Hàng không ở Quảng Châu. Tại đây, ngày 10/2/1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Do học xuất sắc, tháng 10/1926, đồng chí được Chính phủ Quảng Châu và Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học và tốt nghiệp Trường Lý luận quân sự Không quân Lêningrát vào tháng 12/1927. Sau đó đồng chí được vào học Trường Đào tạo phi công quân sự Bôritxgơlepxcơ. Tháng 10/1928, đồng chí đã tham gia và tốt nghiệp khóa 3 năm (1928-1931) Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông. Ở đây, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô và tham gia Ủy ban Tổ chức Đảng nhóm Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Cộng sản Phương Đông, đang học năm thứ nhất nghiên cứu sinh, thì đồng chí được cử về nước tham gia công tác của Ban Chấp hành T.Ư Đảng.

Như vậy, sau quá trình liên tục tham gia các trường chính trị, quân sự từ Quảng Châu đến Matxcơva, đồng chí Lê Hồng Phong đã từng bước rèn luyện, học hỏi, tự đào tạo và đào tạo để trang bị cho mình một hệ thống tri thức lý luận chính trị Mác - Lê - nin và hệ thống tri thức, kiến thức về khoa học quân sự cách mạng, cả ở trường lớp bài bản chính quy cũng như những lớp, khóa huấn luyện không chính quy. Không chỉ học ở trường, ở lớp, ở các khóa huấn luyện, Lê Hồng Phong còn tích cực tự học hỏi, tìm tòi để trang bị ngôn ngữ, kiến thức, vốn sống để có thể ngụy trang, che mắt địch trong các môi trường và hoàn cảnh hoạt động hết sức khó khăn. Đồng chí Lê Hồng Phong sử dụng tốt tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Thái và có một vốn tiếng Pháp nhất định. Với trí thông minh, ham học, bản lĩnh chính trị vững vàng và năng lực lãnh đạo xuất sắc, đồng chí Lê Hồng Phong đã trở thành một nhà cách mạng ưu tú, có học vấn cao của Đảng ta, đủ sức nắm bắt và giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng đặt ra cho cách mạng Việt Nam.


Phan Thị Hà Long

Tấm gương sáng về tinh thần ham học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO