Tam nông – điểm tựa an toàn của ngân hàng
Trong bối cảnh ngân hàng thừa tiền, phải xả nguồn thì hiện nhiều ngân hàng đã nhận ra tăng trưởng nóng không thể bền vững nên họ đã quay lại hoạt động theo phương thức chậm mà chắc. Và nông nghiệp nông thôn là một trong những lĩnh vực được ngân hàng tìm về, và coi đó là cứu cánh, một giải pháp tốt đẩy mạnh tín dụng.
(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh ngân hàng thừa tiền, phải xả nguồn thì hiện nhiều ngân hàng đã nhận ra tăng trưởng nóng không thể bền vững nên họ đã quay lại hoạt động theo phương thức chậm mà chắc. Và nông nghiệp nông thôn là một trong những lĩnh vực được ngân hàng tìm về, và coi đó là cứu cánh, một giải pháp tốt đẩy mạnh tín dụng.
Theo chân cán bộ xã Nam Anh, chúng tôi tới tham quan trang trại gia đình anh Nguyễn Kim Chiến, chị Lê Thị Xuân ở xóm 4 Nam Anh (Nam Đàn). Trang trại VAC chăn nuôi lợn, cá… được đầu tư xây dựng từ năm 1987 và trong nhiều năm qua, gia đình có quan hệ tín dụng với Agribank. Hiện gia đình chị còn vay khoảng 200 triệu đồng để đầu tư cho cây trồng, vật nuôi. Cứ thu được tiền từ bán lợn, cá… là anh chị dồn tiền trả nợ ngân hàng để tiếp tục vay món mới nên năm nào cũng trả nợ đúng hạn.
Trang trại chăn nuôi của chị Lê Thị Xuân ở xóm 4, Nam Anh -Nam Đàn.
Ngoài hộ anh Chiến, nhiều gia đình như anh Nguyễn Đình Sơn ở xóm 6 Nam Tân vay vốn làm trang trại hiện còn dư nợ 1,2 tỷ đồng; Nguyễn Quang Đại ở Nam Xuân vay 1,7 tỷ đồng xây dựng mô hình VAC… cũng rất hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Thủy- cán bộ phòng giao dịch chợ Chùa (Nam Đàn) – người có thâm niên gắn với bà con gần 20 năm, cho biết: Việc các ngân hàng kỳ vọng đẩy vốn cho nông nghiệp, nông thôn đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh không phải không có cơ sở. Làm việc nhiều năm ở địa bàn này tôi thấy việc cho vay tới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất an toàn và hiệu quả; đặc biệt thời gian gần đây, khi nông dân đã biết ứng dụng máy móc, công nghệ cao vào sản xuất nên giảm thiểu được rủi ro so với khi còn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Trong khi nhiều tổ chức tín dụng đang trong tình cảnh tồn kho, tăng trưởng tín dụng thấp thì tại nhiều chi nhánh ngân hàng nông nghiệp, tín dụng vẫn tăng trưởng mạnh, bền vững. Ông Nguyễn Sỹ Hiền – Giám đốc ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Nam Đàn cho biết đến ngày 31/3, nếu như huy động của chi nhánh Nam Đàn tăng 5,3% so với đầu năm (đạt 747 tỷ đồng) thì dư nợ cho vay 551 tỷ đồng tăng cao hơn huy động, đạt 9,1%. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là 424 tỷ đồng, chiếm 83% tổng dư nợ, chủ yếu là các khoản vay trung hạn. Nguồn vốn cho vay của ngân hàng nông nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ không để tình trạng thiếu vốn xảy ra. Phần lớn nhân dân vay vốn sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, không có nợ tồn đọng lớn.
Trong khi đầu tư cho lĩnh vực phi nông nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, thậm chí là đối mặt với nợ xấu thì đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn gần như không chịu tác động của Nghị quyết 11. Trong sản xuất nông nghiệp không tránh khỏi dịch bệnh, ảnh hưởng của giá cả bấp bênh nhưng khi đó, chúng tôi giúp khách hàng bằng cách kéo giãn thời hạn trả nợ và đầu tư thêm cho nông dân để họ có cơ hội phục hồi sản xuất. Với bản chất chịu khó, chân chất, bà con luôn giữ chữ tín với ngân hàng. Trừ khi thiên tai mất mùa chưa trả được nợ đúng hạn, nhưng mùa vụ sau khi thu hoạch được họ trả nợ ngay.” – ông Hiền chia sẻ.
Nếu như năm 2012 lợi nhuận ngân hàng trên địa bàn Nghệ An giảm tới ¾ so với năm 2011, đạt 250.000 tỷ đồng (năm 2011 đạt 1.000 tỷ đồng), tăng trưởng tín dụng không đạt kế hoạch đề ra thì tại ngân hàng nông nghiệp chi nhánh Nghệ An tăng trưởng dư nợ vẫn rất tốt với con số mà bất kỳ tổ chức tín dùng nào cũng mơ ước: 26%. Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Nghệ An, ông Phan Hoàng Vượng cho biết: Tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh Agribank đều dưới 1%, nhiều chi nhánh chỉ ở mức 0,5%. Trước đây, các ngân hàng thường chỉ chú trọng đến khách hàng có dự án lớn, hàng nghìn tỷ, song đến thời điểm này những món vay nhỏ, vòng quay vốn nhanh được các NHTM quan tâm.
Ngân hàng CSXH giải ngân vốn cho hộ nghèo tại xã Nam Xuân – Nam Đàn
Anh Nguyễn Xuân Điệp – Trưởng phòng tổng hợp, NHNN Chi nhánh Nghệ An cho biết: Xu hướng tín dụng chảy mạnh vào tam nông tăng mạnh 2 năm nay bởi đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Đảng và nhà nước. Năm nay, khi tình hình sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện, nhiều ngân hàng hướng tín dụng về nông nghiệp, nông thôn. Bằng chứng là quý 1/2013, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của các TCTD trên địa bàn Nghệ An đạt 19.950 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh cho vay khó khăn hiện nay. Và hiện không chỉ các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV mà một số NHTMCP khác cũng đẩy mạnh vốn cho khu vực này…
Ông Lê Văn Tám – Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Phủ Quỳ cho biết, trước đây ngân hàng chúng tôi tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng là chủ yếu, nhưng gần đây, tam nông được đơn vị đẩy mạnh. Đến hết quý I, đầu tư vào nông nghiệp nông thôn của BIDV Phủ Quỳ đạt 158 tỷ đồng trên tổng dư nợ 1.100 tỷ đồng. So với cùng kỳ dư nợ lĩnh vực này tăng tới 41%.
Không chỉ đẩy mạnh phát triển tín dụng, hiện không ít ngân hàng coi khu vực này là khách hàng tiềm năng trong huy động vốn. Thực tế, trong vài năm trở lại đây nguồn tiền huy động tiết kiệm từ các huyện, các vùng nông thôn mang lại sự ổn định cho ngân hàng, rất ít nguy cơ rủi ro thanh khoản khi khách hàng rút tiền đồng loạt – hiện thượng xảy ra khá nhiều tại khu vực đô thị. Và đến thời điểm này, không chỉ Agribank mà nhiều ngân hàng về với bà con, xem đây là địa chỉ tin cậy trong huy động và cho vay của mình. Nghệ An là tỉnh rộng, nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế, vì thế, việc lựa chọn đây là lĩnh vực để khai thác, quan tâm đầu tư đã đang và sẽ là xu hướng tất yếu.
Thu Huyền