Tầm vóc đô thị du lịch biển

28/08/2014 10:33

(Baonghean) - Cửa Lò hôm nay mang một tầm vóc mới: một đô thị trẻ, năng động, văn minh, hiện đại, và là điểm du lịch biển, đảo hấp dẫn,… Nhân dịp Thị xã kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã về việc xây dựng Cửa Lò thành đô thị du lịch biển theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

Bãi biển Cửa Lò. Ảnh Xuân Nhường
Bãi biển Cửa Lò. Ảnh Xuân Nhường

Phóng viên: Mỗi vùng đất, làng quê đều có cội nguồn, gốc rễ, và Cửa Lò được biết đến với rất nhiều giai thoại. Ông có thể cho biết rõ hơn về lịch sử hình thành nên mảnh đất Cửa Lò?

Ông Doãn Tiến Dũng: Trước khi trở thành thị xã trẻ trung đầy sức sống hiện nay, Cửa Lò là một làng nhỏ và nghèo ven bờ Biển Đông, được tạo thành bởi phù sa sông Cấm cần mẫn bồi đắp qua năm tháng, nối liền với phù sa sông Lam ở phía Nam. Đây là một vùng đất cổ ven biển được cấu tạo từ xa xưa, với nhiều đặc điểm dễ nhận rõ: Nằm ở phía Đông đường cái quan xưa (nay là Quốc lộ 1); là một vùng cát vàng rộng lớn kéo dài. Qua một số cuộc thăm dò cho thấy, xưa kia, đây là một vùng biển cổ.

Một góc Thị xã Cửa Lò.
Một góc Thị xã Cửa Lò.

TIN LIÊN QUAN

Về địa danh “Cửa Lò”, trước đây chỉ là tên riêng của một con sông đổ ra biển như bao nhiêu cửa sông khác của nước ta. Cửa sông này là nơi sông Cấm đổ nước ra biển với dãy núi xã Nghi Thiết nhấp nhô bên tả ngạn và phường Nghi Thủy bên hữu ngạn. Tháng 4/1986, Cửa Lò trở thành tên một thị trấn cảng và du lịch thuộc huyện Nghi Lộc gồm diện tích và dân số hai xã Nghi Tân, Nghi Thủy (nay là phường Nghi Tân và Nghi Thủy) và một phần đất của hai xã Nghi Thu, Nghi Hợp (nay là phường Nghi Thu). Tháng 8/1994, địa danh Cửa Lò trở thành tên riêng của thị xã trên cơ sở Thị trấn Cửa Lò trước, cộng thêm đất đai của một số xã khác của huyện Nghi Lộc. Như vậy, từ tên riêng để chỉ một cửa sông đổ ra biển, Cửa Lò đã trở thành tên riêng chỉ một đơn vị hành chính. Theo cách giải thích của người dân địa phương hiện nay, “Cửa Lò” là cách nói chệch đi và gọn lại của tên gọi “Cửa Lùa” trước đây.

Phóng viên: Để trở thành Thị xã biển trẻ trung, năng động như ngày nay, Cửa Lò đã trải qua nhiều thăng trầm, với những dấu ấn đáng nhớ nào, thưa ông?

Ông Doãn Tiến Dũng: Ngày 4/4/1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 37 thành lập Thị trấn Cửa Lò trên cơ sở diện tích của 2 xã Nghi Thủy, Nghi Tân và một phần diện tích của Nghi Thu, Nghi Hợp, nhưng do đặc điểm kinh tế - xã hội của vùng biển đầy tiềm năng, một dự án nâng cấp Cửa Lò từ thị trấn lên thị xã được hình thành. Trong bản Luận chứng kinh tế kỹ thuật của Viện Quy hoạch thiết kế xây dựng tỉnh Nghệ An cũng đã đề cập sự cần thiết phải nâng cấp thị trấn lên thị xã.

Ngày 29/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 113/NĐ-CP về việc thành lập Thị xã Cửa Lò với cơ cấu gồm 5 phường (Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Thủy, Nghi Tân, Thu Thủy) và 2 xã (Nghi Thu và Nghi Hương). Xuất phát điểm thấp, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn nghèo, trình độ dân trí không đồng đều, kinh nghiệm quản lý đô thị hạn chế... Ngày 14/12/1994, Ban Chấp hành lâm thời đã ra Nghị quyết số 03 đề ra mục tiêu “Xây dựng Thị xã Cửa Lò thành một trung tâm kinh tế và quốc phòng của tỉnh; một đô thị du lịch và nghỉ mát hiện đại, có ý nghĩa khu vực quốc gia và quốc tế. Đồng thời, khai thác triệt để các tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế cảng, dịch vụ, giao thông vận tải, quá cảnh, nông nghiệp, ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp”. Sau một năm thực hiện, Cửa Lò đã đạt được những thành tựu khả quan: Du lịch, dịch vụ, thương mại tăng trưởng nhanh, giá trị sản xuất đạt 53,9 tỷ đồng (tăng 29,6%); sản xuất nông, lâm, ngư đạt 39,1 tỷ đồng, giảm 0,6%; công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng khá, giá trị sản xuất đạt 42,2 tỷ đồng, tăng 152%. Hạ tầng đô thị được quan tâm, hoàn thành các dự án đầu tư bệnh viện, nghĩa trang, trường THPT, trụ sở cơ quan hành chính... các mặt văn hóa, xã hội bước đầu đạt một số kết quả tốt, đời sống nhân dân ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Trải qua 4 kỳ Đại hội Đảng bộ, mỗi một giai đoạn Cửa Lò lại khoác lên mình một tầm vóc mới. Và sau 20 năm xây dựng và phát triển, diện mạo đô thị khang trang, hiện đại hơn: Năm 2009, Cửa Lò đã được công nhận là đô thị loại III; 100% đường nội thị, liên thôn được bê tông và nhựa hóa; Cửa Lò đã trở thành cực tăng trưởng đứng tốp đầu của tỉnh Nghệ An: Cơ cấu dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng 62,5%; nông, lâm, ngư chiếm 5%; công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 32,5%. Thương hiệu du lịch được khẳng định trong hệ thống đô thị du lịch cả nước: Từ những ngày đầu thành lập, thị xã chỉ đón 105 ngàn lượt khách, doanh thu 19,4 tỷ đồng, với 7 cơ sở lưu trú; nhưng đến nay hàng năm Cwat Lò đón trên 2 triệu lượt khách, doanh thu xấp xỉ 1600 tỷ đồng, với 265 cơ sở lưu trú, nhiều khách sạn đạt thương hiệu 1 – 5 sao, đáp ứng nhu cầu hoạt động du lịch.

Văn hóa, xã hội phát triển vượt bậc: Đến nay, toàn thị xã có 91% gia đình văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao được đầu tư đồng bộ từ phường đến khối; 97% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% người dân được xem truyền hình, dùng nước sạch, điện chiếu sáng. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5% so với những ngày đầu thành lập là 30%; hàng năm giải quyết cho trên 1.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được quan tâm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 14%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng, tăng gấp 9 lần so với năm 1994 và gấp 3 lần so với năm 2004. Công tác quốc phòng an ninh được tăng cường, hệ thống chính trị nhiều năm liền đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc, ghi nhận những thành tích đó, Cửa Lò đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2009 và Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014.

Phóng viên: Một trong những hướng đi quan trọng của Cửa Lò đó là phát triển nhanh, bền vững tiềm năng du lịch biển cùng với gìn giữ, phát triển ngành nghề truyền thống. Thời gian qua, du lịch Cửa Lò đã dần khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách và bạn bè quốc tế?

Ngư dân phường Nghi Thu chuẩn bị ra khơi.Ảnh: T.H
Ngư dân phường Nghi Thu chuẩn bị ra khơi. Ảnh: T.H

Ông Doãn Tiến Dũng: Cửa Lò hôm nay đã mang trên mình một dáng vóc mới: năng động, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét mặn mà, chân chất của những ngư dân làng chài ven biển. Đến với Cửa Lò, khách du lịch có thể tùy ý lựa chọn phương tiện: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đều nhanh và thuận tiện. Hiện tại Cửa Lò có 248 cơ sở lưu trú với 6.577 phòng nghỉ, 13.434 giường, bảo đảm phục vụ 18.200 khách lưu trú/ngày đêm; 20 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 1 – 4 sao, đáp ứng hoạt động và tổ chức được các sự kiện mang tầm quốc tế. Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của một thị xã biển, năm 2013, Cửa Lò đã liên kết được 60 đơn vị lữ hành, giới thiệu và đón 250 đoàn khách quốc tế về nghỉ dưỡng tại thị xã; thiết lập 16 tour, tuyến có hiệu quả, được du khách đánh giá cao như: Cửa Lò – đảo Ngư, Cửa Lò – Vinh – Khu di tích Kim Liên, Cửa Lò – Vinh – Cầu Treo – Lào, Cửa Lò – Vinh – Thái Lan… Qua đó thu hút hơn 2,1 triệu lượt khách đến Cửa Lò, doanh thu từ du lịch đạt 1.460 tỷ đồng…

Hằng năm, riêng đầu tư cho các công trình du lịch đã lên tới hàng tỷ đồng, trong đó có nhiều công trình đã trở thành “điểm nhấn” cho du lịch Cửa Lò như Quảng trường Bình Minh, Nhà thi đấu thể thao, Dự án sân golf 18 lỗ gắn với khách sạn, nhà nghỉ cao cấp của Công ty Golf biển, Nhà máy bánh kẹo Tràng An, Nhà máy sữa Vinamilk…. Đặc biệt năm 2014, thị xã đã thu hút được nhiều dự án lớn như Dự án Tổ hợp khách sạn, nhà nghỉ, chung cư, siêu thị của Tập đoàn Mường Thanh hiện đang triển khai xây dựng, dự kiến năm 2015 sẽ đưa vào sử dụng; Dự án “Quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Lan Châu – Song Ngư” được quy hoạch trên 3 khu đất thuộc địa bàn Thị xã Cửa Lò, bao gồm: khu đảo Lan Châu, khu vực đất Nghi Hòa, khu vực đảo Ngư với diện tích gần 130 ha, tổng mức đầu tư cho công trình gần 1.800 tỷ đồng. Hy vọng dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương, hướng tới du lịch 4 mùa. Là thị xã trẻ năng động, hiện đại nhưng Cửa Lò vẫn lưu giữ nhiều nghề truyền thống để phục vụ khách du lịch. Đó là bước đi có tính bền vững mà Cửa Lò đang hướng tới.

Phóng viên: Để hướng tới một đô thị trẻ, năng động, văn minh, hiện đại, trở thành điểm du lịch biển đảo hấp dẫn, thời gian tới, thị xã đã có những định hướng gì, thưa ông?

Ông Doãn Tiến Dũng: Vấn đề đặt ra hiện nay của Cửa Lò là cần có một quy hoạch thật sự khoa học, những chính sách đồng bộ để phát triển và sự đồng thuận cao để biến tiềm năng, nhân lực, vật lực thành sản phẩm. Để Cửa Lò phát huy bền vững cần tập trung vào một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 về đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Coi trọng và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, tập trung phát triển kinh tế đúng hướng, trong đó phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch; xây dựng Cửa Lò theo hướng đô thị du lịch biển như quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẳng định thương hiệu trong hệ thống đô thị du lịch biển cả nước. Phát triển nông, ngư nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nhiều sản phẩm phục vụ du lịch.

Thứ ba, tập trung nguồn lực để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng phục vụ du lịch và an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch. Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cửa Lò đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030.

Thứ tư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội: nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huy động mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ thiết chế văn hóa thông tin thể thao cấp thị xã; kết hợp phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật, lễ hội phục vụ nhân dân. Xây dựng con người Cửa Lò thật sự có văn hóa, văn minh.

Thứ năm, xây dựng nền quốc phòng, an ninh đảm bảo. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho cán bộ và nhân dân. Làm tốt việc bảo vệ an ninh biển đảo, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực thế trận quốc phòng, an ninh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Thanh Thủy

Mới nhất
x
Tầm vóc đô thị du lịch biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO