Tận dụng cơ hội từ giá xăng dầu giảm

23/12/2014 09:50

Hôm qua (22/12), giá xăng RON 92 và RON 95 đã giảm 2.050 đồng/lít, xuống mức thấp kỉ lục trong vòng 4 năm qua. Các chuyên gia kinh tế, nhìn nhận việc giảm giá xăng dầu là động thái tích cực để giảm giá cả hàng hóa, kích thích sức mua và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Hôm qua (22/12), giá xăng RON 92 và RON 95 đã giảm 2.050 đồng/lít, xuống mức thấp kỉ lục trong vòng 4 năm qua. Các chuyên gia kinh tế, nhìn nhận việc giảm giá xăng dầu là động thái tích cực để giảm giá cả hàng hóa, kích thích sức mua và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Giúp DN giảm chi phí

Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, việc giảm giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 83) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 83 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Cụ thể, từ 15 giờ chiều qua, giá bán lẻ xăng A92 và xăng sinh học E5 là 17.880 đồng/lít, giá xăng A95 là 18.480 đồng/lít (giảm 2.050 đồng/lít). Dầu diezen giảm 1.420 đồng còn 16.990 đồng/lít. Dầu madút, dầu hỏa cũng lần lượt giảm 1.690 đồng và 1.570 đồng còn 13.130 đồng/kg và 17.400 đồng/lít. Đây là lần giảm giá xăng thứ 12 liên tiếp với tổng mức giảm là 7.769 đồng/lít. Giá xăng đã ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm nay.

Giá xăng giảm kỉ lục sẽ tác động tích cực đến thị trường hàng hóa. Ảnh:Vũ Sinh – TTXVN
Giá xăng giảm kỉ lục sẽ tác động tích cực đến thị trường hàng hóa. Ảnh:Vũ Sinh – TTXVN

TIN LIÊN QUAN

Các đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian gần đây được các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ góp phần làm cho chỉ số CPI trong tháng 12/2014 đạt mức thấp nhất giai đoạn 2011 - 2013. Tháng 11/2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 0,27% so với tháng 10 (đây là tháng thứ 2 trong năm 2014 có mức CPI giảm). Với mức giảm này, CPI trong 11 tháng đầu năm chỉ tăng 2,08% (so với tháng 12/2013). Ngay cả khi các chuyên gia đưa ra kịch bản CPI tháng 12 tăng 0,2%, lạm phát năm 2014 theo đó chỉ dừng lại ở mức 2,3%, thấp nhất từ trước đến nay.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, CPI tháng 12 tăng thấp là dự báo hoàn toàn có cơ sở bởi sức mua năm nay tăng rất thấp. Ông Phú cho biết sức mua trong 11 tháng vừa qua rất yếu, chỉ tăng 5%, trong khi thời kỳ mạnh mẽ có thể tăng đến 10 - 12%. Giá xăng giảm có thể kéo theo giá cả hàng hóa giảm, từ đó thúc đẩy sức mua tăng, nhất là trong bối cảnh mùa mua sắm nhộn nhịp cuối năm. Đây là tác động tích cực.

Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia cho rằng: “Giá xăng dầu giảm sẽ giúp giảm các chi phí liên quan đến vận chuyển, sản xuất kinh doanh, qua đó giúp DN giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Nhờ đó, nguồn thu thuế thu nhập DN sẽ tăng lên và bù đắp cho hụt thu từ dầu thô”.

Giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải không giảm

Mặc dù có thể mang đến những tác động tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, từ những lần giảm giá trước của xăng dầu, có thể thấy, không phải giá xăng dầu giảm thì tất cả các mặt hàng khác đều giảm theo. Đặc biệt, sự trì trệ thể hiện rất rõ ở giá cước vận tải. “Có thể nói, dù giá xăng dầu thế giới và trong nước giảm mạnh nhưng giá cước vận tải vẫn không giảm tự nguyện mà phải nhờ đến những yếu tố can thiệp chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Phong cho hay.

Ông Phong lo ngại, sau lần giảm giá kỉ lục này, giá cước vận tải cũng sẽ lặp lại câu chuyện chây ì không chịu giảm giá cho đến khi có sự vào cuộc của các bộ, ngành. Điều đó khiến giá cả hàng hóa không thể giảm và việc giảm giá xăng sẽ không mang lại lợi ích cho người dân. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm vào cuộc để điều hành giá hàng hóa giảm tương ứng với giá xăng.

Trong những lần giảm giá xăng dầu trước, điều mà nhiều người dân kì vọng là việc giảm giá xăng dầu tác động mạnh đến giá cước vận tải. Nhưng sự không “sòng phẳng” thể hiện ở chỗ cước vận tải đã chây ì không chịu giảm giá, hoặc có giảm thì chỉ ở mức... cầm chừng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá cước taxi, vận tải phải theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Không thể lấy lý do rằng giá xăng của Việt Nam chưa ổn định nên giá taxi cũng không ổn định theo. “Đã theo cơ chế thị trường, việc tuân theo giá thế giới là điều hiển nhiên. DN không thể đòi hỏi giữ giá vô lý được”, TS Long nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Ngô Trí Long đánh giá, mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhưng vẫn còn cao do đang phải chịu quá nhiều loại thuế phí. “Trong bối cảnh DN còn nhiều khó khăn thì việc giá xăng cao như vậy sẽ khiến khả năng cạnh tranh của DN bị suy yếu”, ông Long nói.

Ông Long đề xuất: “Khả năng cạnh tranh của DN phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, giá thành, tham nhũng, xăng dầu vật tư... Trong đó, yếu tố xăng dầu là yếu tố đầu vào đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, trong bối cảnh DN khó khăn, sức mua yếu như hiện nay, Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn thông qua việc giảm thuế phí để tiếp tục giảm giá xăng dầu cho tương thích với giá thế giới”.

Theo TTXVN

Mới nhất

x
Tận dụng cơ hội từ giá xăng dầu giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO