Tân Kỳ: Hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa
(Baonghean) - Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn, tập trung, trên địa bàn có một số nhà máy, cơ sở chế biến, đã tạo tiền đề quan trọng để Tân Kỳ hướng tới phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững.
Giai đoạn 2011 - 2015 đánh dấu một số thành tựu trong sản xuất nông nghiệp của huyện Tân Kỳ, đó là kết quả khá ấn tượng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, cũng như các giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cả trồng trọt lẫn chăn nuôi. Cây mía đã và đang trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn với diện tích 7.000 ha/quy hoạch 9.000 ha toàn vùng nguyên liệu. Do vậy, mũi nhọn số 1 đối với cây mía là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, phân bón, các giải pháp về tưới để ổn định diện tích, tăng năng suất, sản lượng mía, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho Nhà máy đường Sông Con sau khi nâng công suất chế biến.
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ thăm mô hình nuôi lợn hàng hóa tại xã Nghĩa Hành. |
Có mặt tại vườn mía của gia đình anh Thiếu Thành Long, xóm Đồng Mua, xã Nghĩa Dũng, nương mía 7,2 ha xanh tốt, cây to chắc khỏe. Vỡ đất Đồng Mua trồng mía từ năm 2007 nhưng vụ nào cao cũng chỉ được 40 - 45 tấn/ha, tính ra hiệu quả không đáng kể, mới đây anh quyết định chuyển đổi trồng sắn cao sản nhưng cây sắn cũng “chê” đất cằn nên sản lượng không cao, doanh thu chỉ đạt hơn 100 triệu đồng. Anh Long cho biết: Khu vực anh trồng mía trước đây là vùng cằn cỗi, sỏi ruồi, chỉ mua, sim mới sống được, anh đã phục hóa đất bằng nhiều cách nhưng do kinh phí ít, đất xấu nên vẫn không hiệu quả. Bắt đầu vào vụ mía này, được Nhà máy đường sông Con hỗ trợ kinh phí, cho vay trả chậm, anh đầu tư gần 500 triệu đồng lắp đặt hệ thống bơm và tưới nhỏ giọt cho mía không những bảo toàn được diện tích mía mà vườn mía sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến sẽ cho năng suất trên 100 tấn/ha, hơn gấp 2 lần so với năng suất vườn mía trước đây. Nếu tính bài toán kinh tế chỉ sau 3 năm duy trì năng suất như vậy, gia đình anh sẽ thanh toán toàn bộ kinh phí đầu tư ban đầu vay Nhà máy và sẽ duy trì giải pháp kỹ thuật để có doanh thu cao.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía để ổn định diện tích, vụ mía này UBND huyện Tân Kỳ phối hợp với Công ty CP Mía đường Sông Con triển khai thực hiện giải pháp tưới nhỏ giọt với nhiều hộ khác tại xã Tân An, Nông trường Sông Con. Với ưu điểm vừa tưới cho cây vừa cung cấp phân bón tiết kiệm thông qua hệ thống tưới, do vậy, không những giúp cây mía vượt qua thời tiết hạn hán khắc nghiệt, mà còn cung cấp kịp thời chất dinh dưỡng nên mía rất xanh tốt và trở thành mô hình đối chứng trong sản xuất nông nghiệp đối với cây mía trên cùng một vùng đất. Đến nay đã có trên 20 ha áp dụng phương thức tưới nhỏ giọt, và dự kiến trên diện tích phù hợp, Tân Kỳ sẽ phối hợp với Công ty CP Mía đường Sông Con vận động các hộ dân vùng nguyên liệu đầu tư để thực hiện đạt mục tiêu sẽ có ít nhất 300 ha mía trong mấy vụ tới thực hiện tưới nhỏ giọt.
Đồng chí Nguyễn Bá Quý, Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: “Chúng tôi xác định Tân Kỳ là vùng nguyên liệu chính, tập trung nhất của nhà máy, do vậy bên cạnh những cơ chế, chính sách chung cho vùng nguyên liệu có chính sách riêng như hỗ trợ chuyển đổi trồng mới, hỗ trợ lãi suất vay mua máy cày, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt... đối với những khu vực liền vùng, liền thửa đảm bảo diện tích từ 8 ha trở lên, đặc biệt là những vùng liền khoảnh có diện tích 50 ha trở lên sẽ nâng giá thu mua cao hơn 10%”.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Tân Kỳ xây dựng thành công nhiều mô hình giống mới, sử dụng đồng bộ kỹ thuật để chứng minh hiệu quả trên thực tế. Trên lĩnh vực trồng trọt đã xây dựng thành công 10 mô hình với đa dạng nhiều loại cây trồng để triển khai nhân rộng như mô hình trồng dưa hấu 5 ha tại xã Nghĩa Dũng; mô hình trồng nghệ 1 ha trên đất vườn hộ cho hiệu quả gấp 2 lần so với nhiều loại cây trồng khác trong cùng điều kiện đang được nhân rộng tại xã Kỳ Tân; mô hình trồng cây sắn dây 2 ha tại xã Nghĩa Hợp cũng đã khẳng định hiệu quả kinh tế trên đất đồi, thu nhập gấp từ 1,5 - 2 lần sắn, mía... Đặc biệt mô hình trồng ớt cay xuất khẩu được triển khai đồng bộ 25 ha tại xã Tân Phú do Công ty CP Vintexco Đức Việt hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật đã cho thấy hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng đơn thuần. Dẫu rằng do khó khăn về đầu ra nên mô hình không thể tiếp tục triển khai nhân rộng nhưng sự trình diễn các giải pháp kỹ thuật trong quy trình trồng, chăm sóc, mối quan hệ phối hợp giữa “4 nhà” đã thêm được nhiều kinh nghiệm cho chính quyền địa phương cũng như người dân.
Việc áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật trong nhiệm kỳ còn được đẩy mạnh trên lĩnh vực chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo bước chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành. Đã có 6 mô hình, dự án được triển khai trên địa bàn huyện như mô hình phát triển chăn nuôi gà thả vườn tại xã Nghĩa Phúc đã làm thay đổi cách thức chăn nuôi nhỏ lẻ, đầu tư kém hiệu quả sáng áp dụng tiến bộ KHKT theo hướng công nghiệp, an toàn bền vững; hay mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn áp dụng tại 7 xã vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và Tân Kỳ đang có chủ trương triển khai trên toàn địa bàn...
Tuy nhiên, để chứng minh quy mô cũng như việc áp dụng các giải pháp KHKT trong chăn nuôi phải nói tới sự xuất hiện các trang trại quy mô lớn, đầu tư bài bản, cho hiệu quả kinh tế cao tại Nghĩa Hành và Nghĩa Dũng. Đơn cử như đi thăm trang trại nuôi lợn thịt trên quy mô lớn tại xóm 10, xã Nghĩa Hành, thật bất ngờ bởi sự táo bạo đầu tư quy mô lớn và áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường. Trang trại có diện tích 2 ha nuôi gần 1.800 con lợn thịt theo quy mô công nghiệp với hệ thống khép kín quy trình làm mát cho lợn, phân loại theo từng chuồng, hệ thống biogas... Chủ trang trại, bà Lê Thị Thành cho biết: Mỗi năm trang trại xuất 3 lứa, mỗi lứa lãi trên 350 triệu đồng. Hiện trang trại đang tạo việc làm ổn đinh cho 5 lao động.
Với mục tiêu đến 2020 đặt ra tổng sản lượng lương thực khoảng 50.000 - 55.000; ổn định diện tích mía đứng trong cả thời kỳ là từ 7.500 - 8.000 ha gắn với xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất công nghệ cao khoảng 300 ha, đưa các giống mới có chất lượng tốt vào sản xuất. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư, phấn đấu tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng đàn trâu, bò, lợn là 2%. Đồng chí Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: Để đạt được mục tiêu trong nông nghiệp, Tân Kỳ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu các loại cây trồng, chú trọng các loại cây trồng chủ lực, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh đưa các loại giống mới, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng, có năng suất cao, chất lượng tốt. Tăng cường công tác khuyến nông, phát triển dịch vụ nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp. Động viên nhân dân phát triển trang trại với phương thức sản xuất chuyên canh nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá, tăng thu nhập cao trên đơn vị diện tích.
Bài, ảnh: Hồng Sơn